Những cư dân ngày ấy của Fukushima

28/03/2016 07:22 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Có những kỷ niệm vui, và không thiếu kỷ niệm buồn - tháng 3 này đánh dấu thời điểm 5 năm sau thảm họa nhà máy điện nguyên tử Fukushima I, song cũng ghi nhận nỗ lực của Nhật Bản muốn đưa cư dân ngày xưa hồi hương, dù không ai dám đưa ra bất kỳ bảo đảm an toàn nào.

Những chuyến đi vẻn vẹn 40 cây số

… tưởng như đã thành thói quen của Kenta Sato, nhưng mỗi lần lên xe đi tới làng Iitate gần Fukushima là anh trông như già đi hàng chục tuổi. “Iitate là thế giới của tôi, đó là nơi tôi mới đích thực ở nhà. Tôi sẽ không bao giờ chịu được mất mát này”. Mất mát theo nghĩa trừu tượng, vì làng quê của Sato với những núi đồi, ruộng bậc thang và nhà cửa thưa thớt vẫn còn đấy.

Mỗi tuần anh vẫn đến đó ba lần để giúp cha trong một xưởng hàn. Nhưng một phần diện tích tự nhiên của Iitate hôm nay bị lấp dưới hàng vạn bao tải nhựa đen chứa đất cát nhiễm xạ mà nhà chức trách - 5 năm sau tai nạn hạt nhân từ trận địa chấn và sóng thần Sendai 2011 -  vẫn chưa biết xử lý ra sao và bao lâu.      

Hải cảng Kesennuma, 2 tuần sau thảm hoạ sóng thần

“Làm sao có thể quay về sống ở đây?”, đó là câu hỏi thường trực khi Salto lái chiếc Toyota xuyên qua phong cảnh ma quái không một bóng người, đôi lúc chỉ thoáng thấy lợn rừng hoặc khỉ chạy ngang đường, dấu vết con người duy nhất là ở nhà dưỡng lão: không ai dám vận động những người cao tuổi ở đây di tản. Sato không thể quên cảnh tượng hỗn loạn hôm 22/4 ấy.

“Chính phủ ra lệnh dọn khỏi làng trong vòng 4 ngày, lúc ấy các tường bọc lò phản ứng Daiichi - vốn được coi là tuyệt đối an toàn - đã vỡ trước 10 hôm và gió biển thổi các đám mây phóng xạ về Tây Bắc, trùm lên làng Iitate”.      

“Thoạt tiên chúng tôi còn yên tâm

… vì không thấy ai cảnh báo”, Sato nhớ lại. Rồi anh nghe trên radio là sóng thần ngày 11/3 đã tàn phá cả dọc duyên hải Đông Bắc của Nhật và nhà máy điện hạt nhân Fukushima phải ngừng cấp điện. Có vẻ như cả thế giới trước màn ảnh nhỏ biết nhiều thông tin về tai nạn hạt nhân lớn nhất kể từ Chernobyl, nhiều hơn cả làng Iitate nhỏ bé trong cường quốc công nghiệp số 3 thế giới được thông báo.

Máy bay trực thăng và lính cứu hỏa từ Tokyo cách đó 250 km phun nước làm nguội các lò phản ứng đang tan chảy, cứ như đó là đám cháy rừng nho nhỏ. Và ở Tokyo thủ tướng Naoto Kan đã bàn đến phương án di tản cả thủ đô, như ông mới đây thổ lộ trước báo giới: “Câu hỏi là Nhật Bản có bị xóa sổ không!”.


115.000 bãi rác tạm thời cho đất cát và cây cỏ nhiễm xạ xung quanh Fukushima vẫn chờ giải quyết

5 năm sau. Nhiều người Nhật Bản đã dần quên sự kiện này. Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe như muốn chứng minh với thế giới là Nhật Bản đã trở về bình thường sau nỗi bất hạnh nọ. Sau khi đóng hết các nhà máy điện nguyên tử, cuối năm 2015 ông cho phép cơ sở Sendai tái hoạt động.

Guồng máy vận động hành lang cho điện hạt nhân lại chạy hết công suất, duy nhất chỉ sợ 160.000 hạn sạn còn vướng trong đó: đó là người phải rời quê cha đất tổ hồi 2011. Họ được vận động quay về quê cũ, nơi độ nhiễm xạ đã thuyên giảm đáng kể. Họ còn chịu một áp lực gián tiếp nhưng mang tính quyết định: trợ cấp tiền thuê nhà cho người di tản sẽ bị cắt từ tháng 3/2017.  

Công tác chuẩn bị đón người hồi hương

… ở Iitate cũng rộn ràng khởi động. Bộ máy hành chính sẽ quay về tòa nhà cũ trong tháng 6 này, hy vọng sau đó ngót 7.000 dân làng lục tục nối đuôi - nếu họ muốn.

Nhà chức trách đã tẩy xạ từ cây cối và đất cát, và ít nhất thì những người già nhất đã tỏ ý sẵn sàng quay về, trong đó có bố Sato với xưởng hàn của mình, cũng vì ông có một thú vui mới là săn lợn rừng sinh sôi nảy nở khác thường tại địa phương. Riêng Sato muốn ở lại Fukushima, nơi độ nhiễm xạ chỉ còn 10% so với Iitate: “Con gái tôi còn nhỏ, và nguy cơ nhiễm xạ quá lớn”.


Dù đa số người Nhật phản đối, chính phủ Nhật vẫn cho phép mở lại 3 nhà máy điện nguyên tử và có kế hoạch cấp phép cho các cơ sở khác

Mấy chục bước chân sau nhà cha mẹ Sato là đồi dốc phủ rừng, như hai phần ba diện tích Iitate. Các đỉnh đồi hứng nhiều phóng xạ nhất, và mỗi cơn mưa lại cuốn chất độc vô hình xuống thung lũng, và chốc chốc lại xuất hiện những cái gọi là hotspot, điểm quy tụ cực nhiều chất phóng xạ. Vì vậy các chuyên gia chưa dám xuất lệnh báo an.

Tetsuji Imanaka là người thạo tin ở cương vị chuyên gia từ Đại học Kyoto và thường xuyên đến Iitate đo cường độ phóng xạ. Ông cũng là chuyên gia được Nga thường xuyên vời tới Chernobyl nghiên cứu hậu quả thảm họa 1986. Ông nói: “Mỗi người dân phải tự quyết định có nên quay về sống ở Iitate.” Một câu đa nghĩa? Và như để tránh bị hiểu lầm, ông khẽ bổ sung: “Cá nhân tôi sẽ không muốn cho gia đình về đây…”.

Nhiều người Nhật chia sẻ ý Imanaka

… về nguy cơ môi sinh ở Fukushima, thậm chí cả ở Tokyo. “Chúng tôi không tin lời chính phủ”, Yuka Kato nói. Năm 2011 bà đưa con gái về Kyoto lánh nạn. Hồi ở Fukushima bà chuyên ốm vặt, về đến Kyoto là mọi bệnh trạng như bị phù phép biến mất. Nỗi lo ngại không chỉ của riêng bà. Sở thị chính Fukushima thông báo tháng trước về 116 trường hợp thiếu niên bị ung thư tuyến tụy, đó là những đứa trẻ trong số 380.000 người dân ở lứa tuổi 6-18 tại thời điểm thảm họa và do đó được khám sức khỏe định kỳ trong một chương trình quốc gia.

Ngay cả khi giới y khoa không hẳn thống nhất về nguyên nhân ung thư có phải chỉ do phóng xạ, kinh nghiệm từ các tai nạn tương tự (Los Alamos, Vladivostok, Harrisburg, Chernobyl…) dường như củng cố nghi vấn nọ. Nhiều người tị nạn hạt nhân có lẽ sẽ ở lại nơi họ tìm được chỗ ở và việc làm mới.  

Kenta Sato không muốn quay lưng lại với quê hương, anh sẽ lập một doanh nghiệp chuyên gia cố và bảo vệ nhà cửa và xí nghiệp bị bỏ hoang ở Iitate, chừng nào chủ cũ chưa quay lại.

Nếu nghề này có tương lai thì Iitate có một tương lai buồn…

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm