Tại sao lại cấm phụ nữ Iran xem bóng đá?

29/06/2018 16:17 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Fanzone Moskva chiều muộn ngày 26/6. ĐT Iran đã chơi một trận kiên cường trước Bồ Đào Nha trong loạt trận cuối cùng của bảng A. Rất nhiều CĐV nữ Iran đã tới đây, thậm chí họ còn mang theo mẹ già và con nhỏ.

Trước khi trận đấu bắt đầu, nhiều phụ nữ Iran vẫn còn chút rụt rè trước đám đông. Một nữ CĐV thậm chí còn nép vào sau bạn trai khi phát hiện máy quay của chúng tôi đang chĩa về mình. Một chị khác còn trốn luôn sau khi vừa uống vội một ngụm bia.

Phụ nữ Iran cũng rất cuồng bóng đá

Chỉ có đứng từ xa, thậm chí là rất xa, chúng tôi mới có thể bắt được những khoảnh khắc tự nhiên của các nữ CĐV Iran. Hoặc chỉ có những em nhỏ vô tư đáng yêu mới thấy hứng khởi khi đứng trước máy quay. Lần đầu tiên được vào sân, được ra đám đông để xem các trận đấu của đội tuyển Iran khiến cho các nữ CĐV nước này cảm thấy e ngại.

Nhưng đó chỉ là hình ảnh ở thời điểm trận đấu của tuyển Iran chưa bắt đầu. Khi quốc ca Iran vang lên, cũng là lúc những người phụ nữ ấy đứng dậy, cùng nhau hát vang lời hát đất nước mình. Để rồi sau đó, họ bắt đầu cổ vũ, cùng sống trong những cung bậc cảm xúc của 90 phút trước Bồ Đào Nha. Iran bị dẫn trước, rồi họ gỡ hòa, rồi suýt chút nữa giành vé đi tiếp nếu cú đá vào những phút bù giờ của một cầu thủ áo trắng không đưa bóng đi chệch cột dọc.

Trong những khoảnh khắc ấy, các cô gái Iran đã thể hiện họ cuồng nhiệt bóng đá không thua bất cứ một CĐV nước nào khác. Họ chìm trong lo lắng, đăm chiêu khi đội nhà bất lợi. Họ ăn, ăn rất nhiều như một giải pháp để giảm bớt sự căng thẳng. Họ cùng bình luận, tiếc nuối khi một cơ hội trôi qua. Và họ vỡ òa trong sự sung sướng đến tột cùng khi bàn thắng đến.

Bóng đá đã mang tới những cảm xúc tuyệt vời như thế.

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Giáp chụp ảnh chung với các nữ CĐV Iran

Chiến thắng lịch sử của bóng đá Iran

Điều đáng nói, để được phỏng vấn một nữ CĐV Iran rất khó, khi phần lớn họ đều từ chối đứng trước máy quay. Họ chỉ đồng ý chụp ảnh chung nếu như được đề nghị. Nhưng trong không khí bóng đá, với những cảm xúc mà bóng đá đem lại, chúng tôi vẫn tìm được những nữ CĐV Iran dám nói những điều họ nghĩ.

"Thật tuyệt vời. Chúng tôi đã được xem các trận đấu bóng đá của đội tuyển Iran. Chúng tôi đã cầu nguyện thánh Allah để đội nhà chiến thắng. Iran thắng Morocco, thua Tây Ban Nha nhưng hòa Bồ Đào Nha. Không được đi tiếp nhưng điều đó cũng khiến chúng tôi tự hào", chị Irya Al Carri nói với chúng tôi.

Ký sự World Cup: Phở Việt giữa lòng Saint Petersburg

Ký sự World Cup: Phở Việt giữa lòng Saint Petersburg

Tiếp tục đến với câu chuyện bên lề World Cup 2018. Tại Saint Petersburg, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cơ hội được khám phá một nhà hàng ăn nổi tiếng với món phở đậm chất Việt Nam.

"Tuyệt vời Iran, tuyệt vời World Cup. Bóng đá đã thay đổi mọi thứ, chúng tôi đã được sống với chính mình. Giờ thì chẳng ai còn phải kìm nén cảm xúc nữa. Bóng đá đã mang lại cho chúng tôi những điều khác biệt", Nasim Ba Tayio vừa nói vừa như gào lên.

Chưa bao giờ, chúng ta thấy yêu những người phụ nữ Iran đến như vậy. 40 năm qua, cuộc cách mạng hồi giáo ở Iran đã cấm những người phụ nữ đến sân xem bóng đá, hay việc không được tụ tập ở chỗ đông người xem bóng đá cũng không được phép.

Nhưng ở World Cup này, tất cả đã thay đổi khi chính phủ Iran đã dỡ bỏ lệnh cấm, cho phép phụ nữ được đến xem các trận đấu bóng đá của đội tuyển nước mình. Họ tới Nga, vào sân hay đơn giản chỉ là ngồi tại khu fanzone và được sống trong cảm xúc của chính mình.

Đội tuyển Iran không giành vé đi tiếp, nhưng với những người phụ nữ Iran, họ đã có một chiến thắng lịch sử.

21/6 – ngày lịch sử

Theo tờ Al-Ahram, phụ nữ Iran lần đầu tiên được xem qua truyền hình trận đấu của đội tuyển quốc gia tại World Cup 2018 vào 21/6. Điều này chỉ được thông báo đến các nữ cổ động viên Iran vào những tiếng cuối cùng trước trận đấu.

Người hâm mộ đội tuyển Iran đã xem trận đấu tại sân vận động lớn nhất của thủ đô Tehran, Azadi qua một màn hình lớn. Vé vào sân có giá 2 Euro, với lượng người mua lên đến 10.000, nói lên phần nào sự cuồng nhiệt của những người hâm mộ tại đất nước Hồi giáo này.

Phụ nữ Iran bị cấm đến các địa điểm thể thao từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Những người phản đối cho rằng, phụ nữ không nên nghe những lời chửi thề của fan bóng đá và lực lượng cảnh sát không đủ để đảm bảo an ninh cho nữ giới.

Trần Giáp (Từ Moskva)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm