Vũ Thị Hương giành HCĐ 100m nữ: Lịch sử không thể là màu đồng

27/11/2010 19:03 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Khái niệm “tấn công châu lục” của thể thao Việt Nam xem ra chỉ rõ nhất ở môn điền kinh khi Nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á mang quốc tịch Việt Nam Vũ Thị Hương đứng thứ ba ở nội dung đỉnh cao nhất của môn thi danh giá nhất của bất cứ đại hội thể thao nào: chạy 100m.

Ở 50m đầu tiên, khái niệm ấy chưa hiện rõ. Nhưng ở 50m sau, rõ ràng Hương không thua kém so với 2 VĐV giành HCV và HCB là Chisato Fukushima và Guzel Khubbieva.

Và như thế, ai cũng thấy, nếu Vũ Thị Hương xuất phát tốt, thì chị hoàn toàn có thể giành HCV. Thành tích của Chisato khi cán đích đầu tiên cũng chỉ bằng với thành tích tốt nhất trong sự nghiệp mà Hương đạt được ở SEA Games 2009: 11 giây 34.


Vũ Thị Hương (giữa) là một trong số 3 VĐV phản xạ chậm nhất sau tiếng súng lệnh trong 8 VĐV chạy CK 100m nữ. Ảnh: QK

Có những suy nghĩ nảy sinh. Đầu tiên là nếu Hương đạt phong độ tối ưu, thì giấc mơ Vàng đã được hiện thực hóa. Và thứ hai, nếu Hương khắc phục được hạn chế xuất phát, thì cô gái người Thái Nguyên này có thể làm được điều đó trong tương lai.

Nhưng mệnh đề đầu tiên thực ra cũng là của chung. Vì nếu Hương cứ đạt thành tích tốt nhất là có Vàng thì cũng phải sòng phẳng, nếu Chisato đạt đúng phong độ (chưa phải tốt nhất), thì cô gái 22 tuổi người Nhật này cũng chỉ chạy 100m hết có 11 giây 27. Và thành tích tốt nhất của Chisato là 11 giây 24!


Mệnh đề thứ hai đáng bàn hơn, tại sao Vũ Thị Hương lại ở phía sau với khoảng cách nhất định trong 50m đầu tiên?


Phản xạ chậm


Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã giúp chúng ta tiếp cận được với kết quả các VĐV phản xạ sau tiếng súng lệnh xuất phát từ trọng tài. Ở đợt chạy chung kết, Vũ Thị Hương là 1 trong số 3 VĐV phản xạ chậm nhất 0,156 phần trăm giây, 2 người còn lại là Klomdee (0,169, Thái Lan) và Lê Ngọc Phượng (0,183, VN). Hương cũng là người chậm nhất trong số 3 VĐV giành huy chương, Khubbieva (0,113, Uzbekistan) và Fukushima (0,144, Nhật).


Phản xạ khi xuất phát là quãng thời gian giữa tiếng súng lệnh và khi chân của VĐV đạp vào bàn đạp, lấy đà để bật khỏi vị trí và lao đi. Ai phản xạ nhanh có thể sẽ là người có bước xuất phát tốt. Luật chơi quy định phản xạ súng lệnh nếu nhanh hơn 0,1 phần trăm giây là phạm quy, nhưng các VĐV càng phản xạ cận với ngưỡng trên thì càng dễ dàng có bước xuất phát tốt.


Các thống kê cho thấy, độ nhạy khi phản xạ với tiếng súng lệnh sẽ ảnh hưởng từ 0,1 đến 0,2 % giây ở kết quả cuối cùng, nhưng điều quan trọng hơn cả, nó ảnh hưởng tới cả tâm lý thi đấu trên cả quãng đường 100m.


Việc phản xạ mất 0,156 phần trăm giây của Vũ Thị Hương vì thế rõ ràng không phải là một lợi điểm so với các đối thủ cạnh tranh.


Sức mạnh chưa đủ


Cũng trong giai đoạn phản xạ ấy, sức mạnh bùng nổ từ đôi chân đóng vai trò quyết định tới công đoạn xuất phát. Một VĐV đỉnh cao phải nâng được lực nằm ngang (đẩy) đạt tới mức gấp rưỡi trọng lượng cơ thể chỉ trong quãng thời gian cực ngắn 0,4 phần trăm giây.



Nếu cải thiện được điểm yếu, Hương có thể đổi màu tấm huy chương. Ảnh: QK

Vũ Thị Hương thiếu sức mạnh, cũng thua các đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở khâu này, và có cảm giác như VĐV người gốc Thái Nguyên này luôn “chấp” đối thủ một bước chân.

Chạy 100m là cuộc đua tốc độ, rất ngắn ngủi, nhưng nó vẫn chia ra nhiều giai đoạn tiếp nối với giai đoạn phản xạ với súng lệnh nói trên. Sau khi rời bục xuất phát là giai đoạn tăng tốc, tốc lực (tốc độ tối đa) và về đích.


Thường thì các VĐV chỉ duy trì được tốc độ tối đa trong khoảng 20-30m sau khi đã thực hiện giai đoạn tăng tốc trong khoảng 50-70m đầu tiên, rồi sau đó tốc độ sẽ bị giảm bớt khi về đích.


Thế nên, khi Vũ Thị Hương được coi là có điểm mạnh ở đoạn nước rút, tương ứng với giai đoạn đạt tốc độ tối đa và về đích, thì điểm yếu ở xuất phát cũng liên quan phần nào tới giai đoạn tăng tốc.


Mặc dù điền kinh hiện đại chứng kiến nhiều VĐV đỉnh cao vẫn không giảm tốc độ ở giai đoạn về đích (một phần do sức mạnh của hệ thần kinh trung ương và cả phương pháp tập luyện), thì người ta vẫn coi giai đoạn tăng tốc đóng vai trò quyết định.


Mà trong giai đoạn tăng tốc, sức mạnh cũng sẽ ảnh hưởng tới việc tăng độ dài của mỗi sải chân và tỉ lệ sải chân một cách đáng kể.


Tìm một cú đột phá


Vũ Thị Hương sau SEA Games đã khẳng định là chẳng cần đi tập huấn nước ngoài và cũng không thích chuyên gia ngoại. Với cá nhân Nữ hoàng tốc độ ĐNA, được tập huấn ở Nhật Bản, dưới sự dìu dắt của HLV Nguyễn Đình Minh là đủ.


“Vì luật thay đổi từ năm 2010, VĐV nếu xuất phát lỗi sẽ bị loại ngay, nên phần nào đó đã ảnh hưởng tới tâm lý của Hương khi xuất phát”, HLV Nguyễn Đình Minh đã chia sẻ như thế từ Quảng Châu. Nghĩa là nếu được cọ xát tốt hơn, chuẩn bị tâm lý tốt hơn thì Hương đã có thể nâng cao thành tích.

Thế nhưng, bây giờ thì chúng ta phải xem xét lại nguyện vọng đó, dù biết rằng Nguyễn Đình Minh là một trong những HLV điền kinh hàng đầu VN và cả khu vực, và ý nguyện cá nhân của VĐV cần được tôn trọng.


Nếu như có một câu hỏi đặt ra là tại sao ở các quốc gia có trình độ phát triển điền kinh lại không mắc điểm yếu ở khâu xuất phát như Vũ Thị Hương, thì câu trả lời chỉ có thể là phương pháp tập luyện bên cạnh các yếu tố khác là điều kiện hay phương tiện tập luyện.


Có một điều trùng hợp (nhưng không ngẫu nhiên) là cả 2 VĐV Chisato Fukushima và Guzel Khubbieva đều là những người có thành tích rất tốt ở bước phản xạ với tiếng súng lệnh, tương ứng là 0,144 và 0,13 phần trăm giây. Khubbieva đã 34 tuổi nên mới về nhì còn Fukushima năm nay mới 22 tuổi về nhất. Hay cả 2 VĐV của Trung Quốc Ye Jiabei và Tao Yujia đều phản xạ rất nhanh là 0,126 và 0,118 phần trăm giây.


Vũ Thị Hương 24 tuổi, đã biết điểm yếu xuất phát - điểm mạnh nước rút từ 3-4 năm nay, nhưng chẳng có cái gì là muộn cả một khi Asian Games ở Incheon Hàn Quốc 4 năm tới, Hương vẫn hứa sẽ có mặt. Lịch sử điền kinh VN không thể dừng lại ở tấm HCĐ Asian Games!


Một trong những tiêu chí quan trọng đối với chạy tốc độ là VĐV mất bao lâu và trải qua bao nhiêu mét ở giai đoạn tăng tốc mới đạt được tốc độ tối đa của mình. Điều quan trọng nhất trong giai đoạn tăng tốc là độ dài sải chân và tần suất sải chân/giây. Vũ Thị Hương “nóng máy” chậm cũng vì thế, chứ không hẳn là do chiều cao hạn chế. Chisato Fukushima cũng chỉ cao hơn Hương đúng 1cm, 1m64 so với 1m63.


Mạnh Hải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm