Điền kinh VN: Bạc quý như vàng

26/11/2010 09:05 GMT+7 | ASIAD 2010

(TT&VH) - Hôm qua, ngoài tấm HCV karatedo, đoàn TTVN đã đoạt thêm 3 tấm HCB giá trị  vì nằm trong nội dung Olympic là điền kinh, vật của Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương và Nguyễn Thị Lụa.

Nhà thi đấu Auti, Trương Thanh Hằng mở màn ở đường chạy chung kết 800m nữ . Cô phải tranh tài với 8 đối thủ, trong đó nặng ký nhất vẫn là Jamal người Bahrain và Matsko Margarita của Kazakhstan. Cũng như thường lệ, ngay từ vạch xuất phát Hằng chỉ cố gắng bám sát đối thủ. Kết thúc vòng 1, cô thậm chí xếp thứ 5, rồi 6. Khi cách đích 200m, Thanh Hằng thực hiện cú nước rút chóng mặt. Cô lần lượt vượt các đối thủ, nhất là VĐV Bahrain và bám sát Matsko Margarita. Với 2 phút 00 giây 91, Trương Thanh Hằng tiếp tục phá kỷ lục SEA Games đã lập hồi năm 2007 (2 phút 2 giây 39) và chỉ số đó tốt hơn hẳn so với ở vòng loại (2 phút 3,28 giây). Ai cũng tiếc nuối cho Hằng khi Hằng khi cô chỉ kém nhà vô địch Matsko Margarita 62% giây.

Ngay sau đó, ở nội dung điền kinh cự ly 200m nữ, VĐV Vũ Thị Hương bước vào tranh tài với với 7 đối thủ ở vòng chung kết 200m. Rào cản lớn nhất trong tham vọng vàng của Hương vẫn là VĐV Nhật Bản Chisato Fukushima - người từng cạnh tranh rất quyết liệt với Hương ở đường chạy 100m. Cũng như tiền lệ, Hương lại bộc lộ điểm yếu cố hữu là xuất phát chậm. Thế nên, dù được mệnh danh “nữ hoàng” tăng tốc ở 30m cuối nhưng vẫn không giúp cô vượt qua giới hạn của mình. Tuy vậy, thành tích 23 giây 74, kém chút ít so với VĐV người Nhật Bản Fukushima Chisato (23 giây 62), là chứng chỉ thể hiện sự ổn định cùng phẩm chất đặc biệt của Hương. Giới chuyên gia nhận định, trình độ của Hương và nhà vô địch người Nhật Bản ngang ngửa nhau. Nhưng, cô gái vàng điền kinh Việt Nam xuất phát không tốt đã khiến Hương không thắng nổi đối thủ.



Rạng rỡ Vũ Thị Hương khi giành HCB 200m nữ. Ảnh: Quốc Khánh

Vũ Thị Hương hết sức cảm động sau khi dành tấm HCB thứ hai: "Tôi quá bất ngờ với thành tích của mình. Tôi không mơ tới HCB bởi các đối thủ quá mạnh. Bởi thế, tôi đã rất vui khi vượt qua mặt VĐV người Uzbekistan. Chiến thắng này cũng có phần tôi thực hiện đúng chiến thuật của ban huấn luyện: giấu mình ở 100m đầu tiên để tung sức ở nước rút. Tôi thật sự hạnh phúc”. Vũ Thị Hương thêm một lần gây bất ngờ khi về nhì với thành tích 23 giây 74. Như vậy, 3 tấm HCB và thêm tấm HCĐ 10 môn phối hợp của Vũ Văn Huyện đạt được đã thổi một luồng sinh khí mới cho điền kinh VN.

Tại Trường Đại học Quảng Châu, rất nhiều quan chức và trọng tài quốc tế đã đến bày tỏ niềm vui với BHL đội tuyển vật khi lần đầu tiên có huy chương ở đấu trường Asian Games.  Để đi đến tận trận chung kết, Nguyễn Thị Lụa đã thi đấu rất xuất sắc  ở vòng 1/8 và thắng Tho Kaew Sriprapa (Thái Lan) với tỷ số 3-1, Chov Sotheara (Campuchia) với điểm trắng. Vang dội nhất là cô đã đả bại đối thủ rất mạnh đến từ Hàn Quốc là Kim Hyungjoo với tỷ số 5-0.  Thế nhưng, trong trận chung kết, Lụa đã để So Sim Hyang (CHDCND Triều Tiên) - người cũng đã có 2 trận thắng khá hay trước VĐV Kazakhstan, Nhật Bản đánh bại với tỷ số 1-5. Dù thất bại nhưng Lụa và BHL vẫn rất vui mừng khi Vật VN đã có tấm HCB quý giá để tự tin hơn trong chặng đường phía trước. “Em dẫn trước 1 điểm nên có phần hơi nôn nóng. Hơi tiếc vì với đòn khóa cổ có biên độ và kỹ thuật cao, nếu trọng tài chấm cho em 3 điểm, thay vì 1 điểm thì cục diện đã khác. Dù vậy, em cũng rất hạnh phúc với tấm HCB này”- Nguyễn Thị Lụa trải lòng.


HỮU QUÝ (Từ Quảng Châu)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm