(Bài dự thi) - Tôi đến làng trồng đào Nhật Tân vào một ngày xuân, trời se lạnh. Nhớ lại cách đây chừng một tháng thôi, toàn bộ bãi trồng đào được bao phủ bởi một màu đỏ của sắc đào, trải dài như một tấm thảm nhung. Khung cảnh tấp nập kẻ mua người bán, đi lại nhộn nhịp, mang không khí rộn ràng của ngày xuân.
Nhưng đến thời điểm này, mọi thứ đã thay đổi nhiều, thời gian của người trồng đào bây giờ quay về với công việc thường ngày, chăm sóc cây đào để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Bãi trồng đào đã mất đi sắc đỏ, mà thay vào đó là màu của đất, màu của những cây đào đã được cắt tỉa, tạo dáng và bắt đầu qúa trình chăm sóc mới. Lác đác đâu đó chỉ còn lại vài cây đào “ăn Tết muộn” đang khoe sắc, mang chút gì đó ấm áp xen lẫn trong sắc màu lạnh của đất.
Người trồng đào đang cải tạo lại đất để chuẩn bị cho một vụ mùa mới
Đây là lần đầu tiên tôi về làng đào Nhật Tân, vùng đất trồng đào nổi tiếng đẹp nhất nước, được tận mắt nhìn thấy một vùng trồng đào rộng lớn, cảm giác trải dài đến tận chân trời. Tôi không giấu được sự ngạc nhiên, cảm giác háo hức luôn tìm kiếm những điều mới mẻ, lắng nghe từng lời miêu tả về từng dáng đào, thế đào một cách chăm chú. Chỉ một ngày thôi, tôi đã học được rất nhiều kiến thức từ những người trồng đào nơi đây; cũng biết được thế nào là một thế đào đẹp, rồi ghép mắt đào ra sao, chăm sóc như thế nào,… tất cả như cuốn tôi vào những khám phá, những mong muốn tìm hiểu thật sâu về nghệ thuật trồng đào của các nghệ nhân nơi đây. Đào Nhật Tân được đánh giá là đẹp nhất trong tất cả các loại đào được trồng ở các vùng khác, chẳng thế mà người dân nơi đây vẫn lưu truyền mãi câu chuyện lịch sử Vua Quang Trung gửi tặng cành đào bích (được trồng ở làng Nhật Tân khi đó) vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa báo tin thắng trận, như một chứng tích lịch sử khẳng định cho những đánh giá đó. Người xưa nói rằng: Bích đào là hoa của trời, phải chăng vì lẽ đó mà tráng sĩ đất Bình Định đã gửi hoa của trời chỉ có ở đất Thăng Long vào đất Huế tặng cho người con gái hoàng tộc đất Bắc, công chúa Ngọc Hân được ví với loài hoa rực rỡ nhất, được nâng niu nhất triều Lê thời bấy giờ. Và đó như một niềm tự hào mà cho đến nay vẫn còn in đậm trong lòng người dân làng đào Nhật Tân.
Ngày nay, trong phong tục của người Việt, cứ mỗi dịp xuân về, mỗi gia đình đều có một cành đào để trong nhà, đó là biểu tượng của mùa xuân, biểu tượng đón chào một năm mới với nhiều hy vọng và thành công mới. Và để mang lại những sản phẩm tuyệt đẹp đó cho mỗi gia đình đón xuân, một phần đóng vai trò rất quan trọng đó là quá trình chăm sóc công phu của những người trồng đào, dường như mọi tâm huyết đối với cây đào đã được các nghệ nhân gửi trọn vào trong sản phẩm của mình. Đối với mỗi gia đình, họ đều có kỹ thuật chăm sóc riêng, đó được coi như là bí quyết riêng mà không ai giống ai. Chính vì vậy mà các sản phẩm được hình thành cũng rất khác nhau; có dáng đào trông lừng lững như vị anh hùng chỉ huy nghĩa quân, có cây lại yểu điệu như dáng thiếu nữ tuổi xuân. Từng hình dáng, từng thế đào tạo nên sự hấp dẫn ngay cả những vị khách khó tính nhất.
Mỗi người dân làng đào Nhật Tân dù có đi xa hay ở lại gắn bó với cây đào thì ai ai cũng luôn luôn tự hào là một thành viên của làng đào, vùng trồng đào nổi tiếng đẹp nhất nước. Và ẩn sâu trong những tâm hồn đó là sự tâm huyết với nghề, dành trọn tình cảm với cây đào và luôn mang trong mình sự khẳng định đào Nhật Tân là của người Nhật Tân, của người Việt Nam.
Đào Nhật Tân đẹp là vậy, con người Nhật Tân lại mến khách, tôi trở về với sự lưu luyến với cây đào, với tình người nơi đây; và mang theo lời hứa sẽ trở lại với làng Nhật Tân vào mùa sau để viết tiếp câu chuyện về cây đào.
Vũ Thị Thúy Vân