Vẫn còn một “kho vàng” ảnh chiến tranh

18/06/2010 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Một “kho vàng” đang bị lãng quên - đó là lời của nhà báo Chu Chí Thành khi nói về kho ảnh chiến tranh của TTXVN được chụp bởi hàng trăm phóng viên chiến trường, trong đó có nhiều người đã hy sinh, trên khắp các mặt trận. Nhưng đáng mừng là từ “kho vàng” ấy đã bắt đầu có những bức ảnh quý giá, ghi lại khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ được trưng bày, được in sách... Cuốn sách ảnh Ký ức chiến tranh của nhà báo Chu Chí Thành vừa ra mắt hôm qua (17/6) nhân ngày Báo chí Cách mạng VN là một trong số đó.


Nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Phượng
 phát biểu về cuốn sách ảnh của Chu Chí Thành. Ảnh: Bích Ngọc
Những tác phẩm trong bộ ảnh Ký ức triến tranh được Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM triển lãm tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam từ tháng 12/2007. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, GĐ Bảo tàng, triển lãm đã đón hơn 500.000 lượt người xem/năm. Triển lãm mang lại hình dung cho người dân miền Nam về những ngày tháng chiến tranh phá hoại miền Bắc khốc liệt, mà trong đó nạn nhân chủ yếu là trẻ em, người già, phụ nữ... Các trường học ở TP.HCM cũng rất quan tâm tới bộ ảnh này như một tư liệu trực quan cho các bài giảng về lịch sử dân tộc. Đặc biệt, dịp 26/3 vừa qua, bộ ảnh được triển lãm tại Trung tâm Cai nghiện Phú Vang (tỉnh Bình Phước)... Bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết thêm, ý tưởng in bộ ảnh thành sách xuất phát từ mong muốn chuyển thông điệp lên án chiến tranh tới bạn bè quốc tế. Nếu chỉ 70% số khách quốc tế tham quan triển lãm mua sách, thông điệp này sẽ có thể đi rất xa...

Tuy nhiên, không nhiều bức ảnh trong kho tư liệu của TTXVN được chụp trong thời kỳ trước năm 1975 có may mắn như bộ Ký ức chiến tranh của nhà báo Chu Chí Thành. Ông Trần Mai Hưởng - Tổng Giám đốc TTXVN - chia sẻ, nhiều khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ đã được các phóng viên nhiếp ảnh chiến tranh của TTXVN ghi lại. Song tiếc là, khi nhiều người đã ra đi mà những bức ảnh họ chụp vẫn chưa thể in thành sách. Cố nhà báo Lâm Hồng Long (1925 - 1997) đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên (1996) với tác phẩm Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn (chụp năm 1960) và Mẹ con ngày gặp mặt (chụp năm 1975). Ngoài hai tác phẩm ấy, ông còn chụp nhiều bức ảnh rất có giá trị. Nhưng do điều kiện chưa cho phép, nên những bức ảnh này vẫn nằm yên trong kho tư liệu. Ông Trần Mai Hưởng hy vọng, sẽ có thêm những “bà đỡ” giúp cho việc biên soạn, phát hành những cuốn sách này.

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm