Tái khởi kiện vụ Thần đồng đất Việt (Kỳ 1)

27/08/2010 13:40 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Một vụ kiện về quyền tác giả đối với các nhân vật truyện tranh Thần đồng đất Việt từ năm 2006, tháng 4/2007 tòa chính thức thụ lý vụ án, tưởng nó đã chấm dứt vào tháng 8/2008, nhưng mới đây vụ kiện này lại “sống lại” và qua 3 phiên hòa giải bất thành, nguyên đơn và bị đơn chỉ chờ ngày chính thức dắt nhau ra tòa. Hãy nhìn lại vụ kiện từ cách đây gần 5 năm…

Tác giả Lê Linh kiện Công ty Phan Thị


Truyện tranh Thần đồng đất Việt

Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói Thần đồng đất Việt là bộ truyện tranh thiếu nhi Việt Nam dài nhất. Bộ truyện này đã tạo được dấu ấn tốt đẹp với độc giả “nhí”, được sự ủng hộ của công luận và khá thành công về mặt kinh doanh. Thần đồng đất Việt do tác giả Lê Linh (tên thật là Lê Phong Linh) và Công ty TNHH TM-DV-KT & Phát triển tin học Phan Thị (trong bài này gọi tắt là Công ty Phan Thị) thực hiện.

Tuy nhiên, sự hợp tác này bị “đứt gánh” giữa đường khi ông Lê Phong Linh không còn hợp tác với Công ty Phan Thị nữa, rồi kéo theo việc kiện tụng tranh chấp quyền tác giả. Năm 2006 những thông tin về việc tranh chấp quyền tác giả giữa ông Lê Phong Linh và Công ty Phan Thị đối với các nhân vật trong truyện tranh này đã xuất hiện trên các mặt báo và tạo nên sự quan tâm của giới văn học nghệ thuật, bởi lúc đó Công ước Berne với những quy định về việc bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật vừa có hiệu lực tại Việt Nam không lâu.

Tác giả Lê Linh đã chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị và tháng 4/2007 tòa có thẩm quyền đã chính thức thụ lý vụ án. Đơn kiện yêu cầu Công ty Phan Thị công nhận ông Lê Phong Linh là tác giả duy nhất đối với hình vẽ các nhân vật truyện tranh trong Thần đồng đất Việt chứ không phải đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh như trong đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả mà 2 người đã đăng ký và Công ty Phan Thị không được tiếp tục sáng tác bộ truyện tranh này (từ tập 79 trở đi). Đồng thời Công ty Phan Thị phải trả nhuận bút và chính thức xin lỗi trên một số báo theo đề nghị của ông Lê Phong Linh. Nhưng sau đó Lê Phong Linh rút lại khoản khiếu kiện về nhuận bút.

Công ty Phan Thị kiện Lê Linh

Trong lúc vụ kiện nói trên chưa đi đến hồi kết thì lại xuất hiện một vụ kiện khác, cũng giữa ông Lê Phong Linh và Công ty Phan Thị. Nhưng lần này Lê Phong Linh là bị đơn, chứ không phải nguyên đơn như vụ trước.

Cụ thể, Công ty Phan Thị kiện Lê Phong Linh đã dùng hình ảnh của nhân vật Trạng Tý (mà theo Công ty Phan Thị nó thuộc quyền khai thác của công ty) để tạo ra nhân vật Long Tinh trong truyện tranh Long Thánh do Lê Phong Linh thực hiện và đã được phát hành. Tuy nhiên, vụ kiện này phải tạm gác lại đợi kết quả của vụ kiện đầu tiên. Nhưng đỉnh điểm bất ngờ của vụ kiện này là ngày 6/6/2008, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ra “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, kê biên tài sản đang tranh chấp gồm 10.000 cuốn truyện tranh Hào quang trong cổ miếu (tập 1 của bộ truyện tranh Long Thánh) tại 2 địa điểm: Công ty Phát hành sách FAHASA TP.HCM, số 60- 62 Lê Lợi, TP.HCM và Công ty Phát hành Trường Phát, 179 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM.


Nhân vật Long Tinh (trái) được Công ty Phan Thị cho là xuất phát từ Trạng Tý (phải)
Lê Linh rút đơn kiện, Phan Thị phản tố

Như đã nói trên, với 2 vụ kiện trên thì vụ kiện thứ nhất được tiến hành trước bởi “khởi động” trước và cũng là để làm cơ sở giải quyết vụ kiện sau. Qua nhiều cuộc hòa giải theo đúng trình tự, hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung, nên Tòa Kinh tế của Tòa án Nhân dân TP.HCM ấn định ngày xét xử là 8/8/2008. Hai bên đều có luật sư được cho là “thiện nghệ” sẵn sàng đối chất để giành phần thắng về mình. Nhưng thật bất ngờ, trước ngày xét xử không lâu, nguyên đơn vụ kiện là ông Lê Phong Linh đã làm đơn xin rút lại những yêu cầu khởi kiện đối với Công ty Phan Thị. Vụ việc tưởng như kết thúc, nhưng một vụ kiện thứ ba lại xuất hiện. Công ty Phan Thị áp dụng hình thức phản tố, khởi kiện Lê Phong Linh, vì Lê Phong Linh đã làm phiền nhiễu gây cản trở việc thực hiện quyền tài sản của Công ty Phan Thị trong sản xuất kinh doanh và đòi ông Lê Phong Linh bồi thường thiệt hại (ước tính khoảng 350 đến 400 triệu đồng).

Tuy nhiên, khoảng 2 năm qua, các vụ kiện đã nêu trên dường như im ắng, trên thực tế nếu Lê Phong Linh không kiện Công ty Phan Thị nữa thì “việc ai nấy làm” chẳng có gì để nói. Nhưng không phải như thế, dưới mặt biển lặng yên là những cơn sóng ngầm đang chờ ngày bùng phát...

Lý do tại sao và cả hai phía đã chuẩn bị gì cho “cuộc chiến” mới? Tất cả sẽ được đề cập trong bài tiếp theo.

Kỳ sau: “Vũ khí” mới của đôi bên

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm