Hạnh phúc khi biết sợ tiền!

16/01/2012 10:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vẫn giữ phong cách giản dị, Tiền là số 1 (KB: Hoàng Mẫn, ĐD: Công Danh) vừa công diễn ở cà phê Bệt (57A Tú Xương, TP.HCM) đã khá thông minh trong việc tái cấu trúc một motif cũ về “giấc mộng kê vàng”. Nếu nhìn một lượt các kịch Tết năm nay, vở này đã tìm được một lối đi riêng, khi pha trộn hài hòa được chất bi với hài.

1. Điều đáng khen đầu tiên là cấu trục kịch bản, nó không có gì lạ, nhưng được cái bất ngờ vào vài phút cuối, nên người xem thấy thú vị. Đây là câu chuyện của 4 nhân vật, gần như không có chính phụ, khi hai vợ chồng Phèn (Cao Tiến) và hai vợ chồng Tửng (Quốc Thịnh) khá cân phân về thân phận, ai cũng đủ đất diễn.

Phèn và Lúa (Thái Trang) nghe lời Tửng bỏ quê lên phố lập nghiệp bằng nghề kẹo kéo và vé số, cực quá, nên khi anh trúng số độc đắc, quyết đổi đời. Phèn gặp Hồng (Đoàn Thanh Phượng) theo sự sắp xếp của Tửng, rồi đem lòng yêu và quyết đánh đổi hạnh phúc gia đình cùng toàn bộ tài sản để có đứa con với Hồng. Khi trắng tay thì mới vỡ lẽ đứa con này của Tửng và đây là mưu kế chung của họ. Nếu vở diễn chỉ dừng ở đây thì mọi thứ khá ổn, kịch giải trí như vậy là được, nhưng Công Danh đã cho Phèn tỉnh “giấc mộng kê vàng” nên khán giả mới biết đây là chỉ mơ, hạnh phúc của họ vẫn nguyên vẹn. Thế nhưng trong giấc mơ ngắn ngủi, khi Lúa chưa ăn hết bát cơm thì Tửng hớt hải chạy về báo tin, 3 vé số của chị Lúa nhờ đi trả bị trễ giờ đã trúng 4,5 tỷ đồng, khiến Phèn tỉnh mộng và la lớn: Có ai cứu chúng tôi không?

Cảnh trong vở Tiền là số 1. Ảnh: TL

Mơ là thực, thực giống như mơ là ưu tư thường gặp của người Việt, nhưng Công Danh đã chọn cách kể thông minh, nên vẫn thu hút được người xem. Hơn nữa, trong bối cảnh sân khấu đang quá thiên về giải trí, kịch bản thường viết theo lối đơn tuyến, thắt nút và mở nút là xong, thì Tiền là số 1 quả là câu chuyện đa tuyến. Thế nhưng, nó không quá khó và khô khan, bởi hơn 90% thời lượng nó dành cho câu chuyện tuyến tính, phần nhỏ còn lại để mở rộng, nên nó vừa giản dị vừa đa nghĩa.

Thêm chút ý vị khi các tâm hồn trẻ trung và lãng mạn này cố chứng minh một điều ít ai tin: hạnh phúc khi biết sợ tiền.

2. Ý thức rõ về việc thiếu các diễn viên nổi tiếng, nên bù vào đó, Kịch Bệt đã chọn cách chăm chút cho từng vở dựng. Kể từ ngày ra mắt (15/11/2008) đến nay, dù không đủ tài lực để dựng những vở hoành tráng, nhưng trong khoảng 10 vở theo khuynh hướng giản dị của mình, họ luôn đảm bảo các yếu tố chính như diễn xuất, dàn dựng và thông điệp. Nói ra các yếu tố này tưởng bằng thừa, nhưng với vài sân khấu lớn, được đầu tư mạnh, một số vở đã không hội đủ các yêu cầu này, nên xem rất nhạt nhẽo.

Sau một năm bộn bề công việc, ngồi ở quán cà phê nhỏ (khoảng 90 chỗ), được xem một vở ý vị như Tiền là số 1, chắc cũng làm vơi đi chút mệt nhọc. Vở này sẽ được diễn luân phiên với Cô chủ quán ra chiêu (KB: Carlo Goldoni, ĐD: Tuyết Mai) tại Kịch Bệt từ mồng Một đến mồng Mười Tết.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm