CK bóng đá nữ Olympic Bắc Kinh: Tan giấc mộng Vàng

22/08/2008 10:10 GMT+7 | Olympic 2008

(TT&VH) - Một cái kết bi kịch cho một thế hệ tài năng. Ngày hôm qua, Marta đã khóc, những giọt nước mắt cho cả Sissi, Ronaldinho, Dunga, và vua bóng đá Pele. Những tiếc nuối cho sự vô duyên của các nghệ sĩ sân cỏ tại đấu trường Olympic.

Trong một bài phỏng vấn gần đây với tạp chí FIFA, tiền đạo Cristiane khẳng đinh "Chúng tôi khao khát vô địch thế giới để người ta biết rằng bóng đá Brazil không chỉ có các cầu thủ nam, để các nữ cầu thủ phải được đối xử bình đẳng hơn". Tại TVH lần này, trong khi những người đồng nghiệp nam gây thất vọng thì các cô gái Brazil đã chiếm trọn niềm tin của các CĐV bằng một lối chơi đậm chất cống hiến. Nhưng số phận vẫn phũ phàng với họ.

Nếu ai đã từng chứng kiến Brazil thi đấu tại VCK World Cup 2007, hẳn sẽ tìm thấy một sợi dây liên hệ nào đó giữa hai cú ngã của quá khứ và hiện tại. Tại sân Hàng Châu năm ngoái, sắc samba đã thiêu cháy những cô gái Mỹ bằng tỷ số đậm đà tới 4-0, để rồi lại bất lực và gục ngã trước Đức ở trận chung kết. Một năm sau, đã có một số thay đổi. Đức thay thế vai trò của Mỹ khi thảm bại 1-4 trước những màn trình diễn tuyệt hảo của Marta và Cristian còn Mỹ thì thế vai của chính Đức để trừng phạt Brazil ở trận chung kết bằng một bàn thắn
 
Nỗi buồn này biết đến khi nào nguôi ngoai?

Đối với những fan Vàng xanh, thất bại ngày hôm qua thật là khó hiểu. Thật khó tin rằng Brazil với đầy đủ những ngôi sao đang vào độ chín nhất lại có thể thua một đối thủ mà họ đã giã tới 9 bàn thắng (và giữ sạch lưới) ở 2 lần đụng độ gần nhất trong vòng 1 năm qua. Và cũng thật khó tin rằng ĐT Mỹ đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng và mất đi những chân sút giỏi nhất (Lilly, Wambach) lại có thể chuyển nguy thành nan như thế. Cũng thật khó tin rằng những cầu thủ Mỹ có thể vượt qua sức ép của hàng vạn CĐV Trung Quốc luôn miệng hô "Jia you, Brazil'' (Cố lên, Brazil).

Khi người Mỹ vượt khó

Nhưng nếu như các cầu thủ Brazil đổ lỗi hoàn toàn cho số phận thì họ đã sai lầm. Người Mỹ đã cực kỳ thành công với những tính toán chiến thuật của mình, và đó là một chiến công thực sự của HLV người Thụy Điển, bà Pia Sundhage.

"Biết mình, biết người", đó chính là phương châm quan trọng nhất trong sự chỉ đạo của Sundhage. Thảm bại xương máu 0-4 một năm về trước là một bài học để ĐT Mỹ hiểu rằng sẽ chẳng khác gì tự sát nếu chơi đôi công với các nữ cầu thủ Brazil giàu kỹ thuật và mạnh mẽ về thể lực, nhất là trong tình trạng hàng tiền đạo khá non nớt và thiếu kinh nghiệm. Ngày hôm qua, Mỹ chấp nhận đổ bê tông thực sự khi thường xuyên có tới 8 cầu thủ phòng ngự trước vòng cấm địa của đội nhà. Hàng phòng ngự nhiều tầng ấy đã hạn chế tối đa khả năng xuyên phá của các nữ cầu thủ Brazil.

Nhưng nếu chỉ đơn thuần áp dụng chiến thuật ấy, Mỹ khó lòng trụ vững trước sức tấn công mãnh liệt của Brazil bởi Marta và Cristiane thừa sức phá vỡ tuyến phòng thủ ấy nhờ kỹ thuật điêu luyện của mình. Sự vững chắc của hàng thủ Mỹ đến từ chốt chặn cuối cùng của họ: thủ thành Hope Solo. Giống như cái tên của mình (Hope: hy vọng), cô đã trải qua một ngày thi đấu cực kỳ xuất sắc khi cản phá nửa tá cú sút nguy hiểm, đặc biệt là tình huống Marta đi bóng rất khéo qua 2 hậu vệ Mỹ và tung sút ở khoảng cách chỉ chừng 8m trong hiệp hai.

Hope Solo không có mặt trong thảm bại 0-4 ở Hàng Châu năm ngoái. Ngày ấy, HLV Greg Ryan bất ngờ nhốt cô trên băng ghế dự bị và sử dụng lão tướng Briana Scurry. Mỹ đại bại, Hope Solo đã chỉ trích vị HLV này kịch liệt và bị đuổi ra khỏi đội tuyển. Một tháng sau, Ryan từ chức và Hope Solo đã được gọi trở lại. Phong độ tuyệt vời ngày hôm qua chính là sự khẳng định tư cách thủ môn số một trong khung thành ĐT Mỹ và cô sẽ là chỗ dựa vững chắc cho các đồng đội trong thời gian tới.

Nếu như hàng phòng ngự Mỹ đã chơi hết sức tập trung, thì Brazil đã phải trả giá khi những cái đầu đều đang hướng đến khung thành đối phương. Bàn thắng của Carli Lloyd là một biểu hiện của sự hời hợt trong hệ thống phòng ngự của các vũ công samba. Lloyd đã nhận bóng từ tuyến hai một cách dễ dàng trong khi cả 3 hậu vệ của Brazil chơi giăng ngang và không thể cản phá cú sút chìm hiểm hóc của cô.

Tại Athens 2004, Marta và đồng đội đã phải khóc hận bởi bàn thắng ở phút thứ 117 của Abby Wambach. 4 năm sau, lịch sử đã tái hiện và giấc mộng vàng của Brazil thêm một lần nữa tan vỡ. Ước vọng ấy lại phải chờ thêm 4 năm nữa, hoặc có thể chẳng bao giờ…

Chung kết

Mỹ - Brazil 1-0

Lloyd 96'

Tranh giải ba

Đức - Nhật 2-0

Bajramaj 68', 87'

Các danh hiệu của giải

HCV: Mỹ

HCB: Brazil

HCĐ: Đức

Vua phá lưới: Cristiane (Brazil), 5 bàn

Các trận chung kết trong lịch sử

Atlanta 1996 Mỹ - Trung Quốc 2-1

Sydnet 2000 Na Uy - Mỹ 3-2

Athens 2004 Mỹ - Brazil 2-1

Bắc Kinh 2008 Mỹ - Brazil 1-0
 
Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm