Các đoàn thể thao Ả rập bật đèn xanh cho VĐV nữ: Cách mạng về bình đẳng giới

26/07/2012 15:10 GMT+7 | Olympic 2012

(TT&VH)- Ngày 27/7 này, 204 đoàn thể thao sẽ diễu hành trong lễ khai mạc Thế vận hội London. Đằng sau mỗi quốc kỳ, ít nhất sẽ có một nữ VĐV vẫy chào. Olympic London đánh dấu một cột mốc mới về bình đẳng giới trong lĩnh vực thể thao.

Bên cạnh “kỷ lục” của đoàn Mỹ, với sự góp mặt của  268 VĐV thuộc phái đẹp, cao hơn cả số VĐV nam (261), có tới bảy nữ VĐV đứng dưới các lá cờ của các nước Ả rập vốn chưa bao giờ cho phép các VĐV nữ tham gia TVH, nhưng lần này đã phải nhượng bộ trước sức ép của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Olympic London là Thế vận hội có số VĐV nữ đông nhất từ trước tới nay, với 4.850, chiếm 46% tổng số các VĐV tham dự, từ các môn như điền kinh, thể dục dụng cụ đến... đấm bốc, so với 42% của TVH Bắc Kinh 2008.



Ảnh: Nữ kình ngư xinh đẹp Nada Arkaji của đoàn Qatar
- Ảnh: Getty

Nước Ả rập cuối cùng chịu nhượng bộ là Saudi Arabia. Sau một cuộc thảo luận gay gắt chỉ cách nay một tuần, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thông báo võ sĩ judo Wodjan Ali Sera Abdulrahim Shahrkhani và VĐV điền kinh Sarah Attar, sẽ là những người đầu tiên đại diện cho phái đẹp của đất nước giàu dầu lửa trên tại một kỳ TVH. Trước đó, Qatar cũng đã chọn 5 VĐV nữ, trong đó xạ thủ Al-Hamad thậm chí còn là người cầm cờ cho đoàn thể thao nước này, và Brunei, với một phụ nữ duy nhất là VĐV điền kinh Maziah Mahusin. 

Marisol Casado, một trong số ít phụ nữ trong BLĐ IOC, là người chủ trương tăng cường vai trò của phụ nữ từ thời của chủ tịch Samaranch khi thành lập ra một nhóm làm việc chuyên để vận động sự tham gia của các VĐV nữ. Phần lớn các nữ VĐV Ả rập đến với TVH đều qua con đường giấy mời hoặc qua “wild card” (thẻ đặc cách) chứ không phải qua các quá trình thi đấu chọn lọc mà đối với họ còn khó khăn và kiệt lực hơn bản thân các cuộc tranh tài tại Olympic.

Thí dụ như trường hợp của Noor Al-Malki, một cô gái chưa đầy 17 tuổi, cao chưa đến 1,60 mét, nhưng lại có vinh dự được tự hào là “nữ VĐV đầu tiên của Qatar tại Thế vận hội”. Chắc chắn Al-Maki sẽ không vượt qua vòng loại 100 mét nữ, bởi vì thành tích tốt nhất của cô còn chưa đạt chuẩn B. Nhưng sự hiện diện ấy đã là một thắng lợi, về mặt trận bình đẳng giới, không chỉ từ sự nhìn nhận của những quan chức thể thao mà còn chính từ sự thức tỉnh của xã hội.

Cuộc chơi dành cho tất cả

Sự có mặt của giới nữ bị gạt ra ngoài rìa, cho đến khi thế kỷ thứ XX đã đi được một chặng dài. Tại Roma 1960, trước khi xảy ra một “cuộc cách mạng nhỏ về những chiếc váy” và sự hồi sinh của phong trào nữ quyền, chỉ có gần 11,5% các VĐV Olympic thuộc phái đẹp. Hai thập kỷ sau, tại Moskva1980, sức nặng của nữ giới được tăng lên hai lần, chiếm 22% số VĐV tham gia, và tại Sydney 2000 chỉ số nói trên cũng gần tăng gấp đôi khi đạt 38%.

“Cách nay không lâu, tại Tây Ban Nha, sự góp mặt của phụ nữ vẫn còn khiêm tốn”, Mercedes Coghen, HCV Olimpic tại Barcelona 1992 nhớ lại. “Đó là một vấn đề văn hóa. Thể thao không hẳn là vấn đề riêng của đàn ông nhưng rõ ràng là một thế giới của phái mạnh”. Mặc dù có 4 tay vợt nữ TBN tham gia TVH Paris, sau này không một VĐV nữ xứ đấu bò tót nào được dự Olympic cho tới tận năm 1960, năm có sự góp mặt của 11 phụ nữ, trong đó 6 VĐV thể dục dụng cụ.

Tồn tại này còn kéo dài nhiều năm, thậm chí tới thập kỷ 1980. “Tôi còn nhớ khi đi tiễn anh trai mình sang Moskva thi đấu, chỉ có 3 phụ nữ, trong một đoàn tới 150 VĐV”, bà Coghen nói tiếp. “Ngân sách dành cho nữ VĐV TBN là rất ít ỏi bởi vì chúng tôi không có thành tích thi đấu quốc tế”. Sự thay đổi kỳ diệu diễn ra năm 1992. Tại Barcelona đã có sự tham gia của 114 phụ nữ, gấp bốn lần TVH Seoul 1988. Từ đó nỗ lực duy trì sự tham gia của phái nữ tiếp tục được củng cố. Tại London, đoàn TBN có 112 phụ nữ so với 170 VĐV nam, chiếm khoảng 40%. Ngoài những những môn thi đấu  truyền thống của nữ như thể dục nhịp điệu hay bơi nghệ thuật, họ còn áp đảo ở môn khác. Thí dụ rõ nhất là nữ hoàng đường đua xanh Mireina Belmonte cùng 10 nữ VĐV bơi lội khác, so với chỉ có 2 nam giới.

Hiện tại, ngoài Isinbayeva (nữ VĐV nhảy sào), thể thao nữ cần một ngôi sao mới, giống như Bolt (chạy), hoặc Phelps (bơi lội) ở phái mạnh. Hoặc như Marisol Casado đã nói: “Đơn giản chỉ cần có nhận thức là một chiếc huy chương của phụ nữ cũng đáng giá như một chiếc huy chương của đàn ông”. Chỉ cần sự bình đẳng, thế là đã là đủ.


Con đường đi đến sự bình đẳng

Athens 1896. Không một phụ nữ nào tham gia vào những Thế vận hội đầu tiên của Kỷ nguyên Hiện đại.

París 1900. Những phụ nữ đầu tiên chỉ thi đấu tại các môn tennis, cricke và golf. Tay vợt người Anh Charlotte Cooper là nhà vô địch nữ đầu tiên của Olympic.

Stockholm 1912. Các VĐV nữ bắt đầu thi đấu ở các môn bơi lội và nhảy cầu.

Amsterdam 1928. Lần đầu tiên thể dục dụng cụ và điền kinh có sự tham gia của các VĐV nữ. Nữ VĐV điền kinh đầu tiên vô địch là Betty Robinson (chạy 100 mét). Tại đường đua 800 mét, nữ VĐV người Đức Lina Radke là người giành chiến thắng nhưng bị ngất sau đó, làm mở lại cuộc tranh luận thể thao là quá nặng với phụ nữ.

London 1948. Ngôi sao Olympic nữ vĩ đại đầu tiên là VĐV người Hà Lan Fanny Blankers-Koen, với việc giành 4 HCV tại các đường đua 100 mét, 200 mét, 80 mét vượt rào và chạy tiếp sức. Các VĐV nữ bị cấm tham gia quá ba môn cá nhân.

Helsinki 1952. Sự tham gia lần đầu của Liên bang Xô viết, trong đó có nữ VĐV thể dục dụng cụ Maria Gorkhovsskaya, người đoạt nhiều huy chương olympic nhất chỉ trong một TVH: hai vàng (cá nhân và đồng đội) và 5 bạc.

Montreal 1976. Nadia Comaneci trở thành nữ hoàng của Thế vận hội khi đặt dấu chấm hết cho sự thống trị của Liên Xô cũ ở môn thể dục dụng cụ và là người đầu tiên đạt điểm 10 tuyệt đối, trước cả các VĐV nam. Nữ VĐV người Rumania này chứng tỏ kể cả các em gái 14 tuổi cũng có thể thi đấu ở đỉnh cao

Los Angeles 1984. Nữ VĐV nhỏ bé người Mỹ Joan Benoit là nhà vô địch nữ đầu tiên của môn marathon, với thành tích 2 giờ 24 phút 52giây.

Sydney 2000. Bắt đầu có sự góp mặt của các nữ VĐV môn cử tạ.

London 2012. Môn quyền anh nữ được đưa vào thi đấu.

Khang Chi  

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm