29/06/2023 08:33 GMT+7 | Bóng đá Việt
Chanathip Songkrasin đã tạm biệt J-League để trở về Thai League. Quang Hải cũng đã rời trời Âu để về lại V-League. Với những lý do khác nhau, bộ đôi cầu thủ này đã quyết định "hồi hương" trong cùng thời điểm và để lại nhiều suy ngẫm cho câu chuyện xuất ngoại của bóng đá Việt Nam.
Chanathip đến Nhật Bản năm 2017 khi mới 23 tuổi. Sau nhiều năm tìm hiểu về chuyện xuất ngoại, anh quyết định đến Nhật Bản thay vì châu Âu. Trước Chanathip, đã có nhiều cầu thủ xuất sắc Thái Lan sang châu Âu thi đấu như Kiatisuk, Dangda nhưng đều không mấy thành công. Anh sớm thể hiện được năng lực, có vị trí tốt tại Sapporo. Năm 2019, sau 2 mùa mượn Chanathip, Sapporo đã chi tiền ra để mua đứt ngôi sao tấn công người Thái Lan. Ở Sapporo, Chanathip thậm chí là trụ cột không thể thay thế.
Thực tế đã cho thấy, quyết định đến Nhật Bản của Chanathip là vô cùng đúng đắn. Cầu thủ người Thái Lan đã có sự chuẩn bị tốt nhất, muốn bản thân phát triển tốt nhất, có phong độ đỉnh cao nhất thì mới "đem chuông đi đánh xứ người". Từ thành công của Chanathip, gợi mở một điều rằng những giải đấu châu Á phù hợp hơn cho những chuyến xuất ngoại của cầu thủ Việt.
Giấc mơ "vươn ra biển lớn" chưa lúc nào cạn đối với cầu thủ Việt. Phải khẳng định rằng đó là những khát khao chính đáng. Đầu năm 2023, Nguyễn Văn Toàn sang Hàn Quốc chơi bóng ở K-League 2, còn Công Phượng thử sức mình ở J-League 1 trong màu áo CLB Yokohama. Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức cũng đã từng khẳng định anh sẵn sàng thử sức ở các CLB nước ngoài nếu có cơ hội.
Hoàng Đức chia sẻ: "Văn Toàn, Công Phượng, Quang Hải lần lượt ra nước ngoài chơi bóng. Tôi nghĩ cầu thủ Việt Nam cần sẵn sàng, tự tin hướng ra môi trường lớn hơn. Nếu có cơ hội, tôi sẵn sàng xuất ngoại".
Nhìn lại sẽ thấy đã có khá nhiều cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài khởi nghiệp nhưng trong số đó thành công rất ít. Có nhiều lý do khác nhau được đưa ra để giải thích cho điều này. Đa số do sự chuẩn bị mọi mặt chưa được tốt, từ chuyên môn, tư tưởng đến câu chuyện hòa nhập.
Hay chuyện tìm kiếm "bến đỗ" quá sức như rào cản khó vượt đối với cầu thủ của chúng ta. Vì thế, chọn các giải ở châu Á được xem như vừa sức với cầu thủ Việt Nam.
Tiền đạo Công Phượng cũng đã có những trải lòng sau khi quyết định sang thi đấu tại Nhật Bản: "Tôi thích môi trường bóng đá Nhật Bản. Nơi đã giúp tôi trở thành một cầu thủ tốt hơn nữa. Tôi nghĩ rằng việc đến chơi bóng tại Nhật Bản sẽ giúp tôi hoàn thiện và phát triển bản thân, từ đó có thể cống hiến hết mình cho Việt Nam".
Từ chia sẻ của Công Phượng, mới thấy được khát khao được "vươn ra biển lớn" vẫn đầy ắp nơi cầu thủ Việt. Với Công Phượng và Văn Toàn, họ hoàn toàn có thể đầu quân cho một CLB trong nước, nhận số tiền chuyển nhượng lớn và cũng có vị trí chính thức tại CLB. Vậy nhưng, họ vẫn quyết tâm ra nước ngoài thi đấu với mong muốn giải phóng hết khả năng. Đấy là điều đáng trân trọng, cần cổ vũ.
Khi còn trợ lý cho ông Park ở đội tuyển Việt Nam, HLV Lee Young Jin đã từng nhấn mạnh: "Việc xuất ngoại chơi bóng là vấn đề quan trọng cho tương lai của bóng đá Việt Nam và thế hệ các cầu thủ trẻ. Tôi hy vọng các cầu thủ sẽ luôn có tinh thần phấn đấu, không chỉ cho sự phát triển của bản thân mà cho cả nền bóng đá Việt Nam".
Một khi bóng đá nước nhà có nhiều cầu thủ từng xuất ngoại, hẳn nhiên sẽ tạo vị thế, nâng tầm chất lượng. Gần nhất là World Cup bóng đá nữ 2023, sự xuất hiện của Huỳnh Như sẽ kích hoạt thương hiệu đội tuyển nữ Việt Nam, nhận được sự tôn trọng nhất định của các đối thủ.
Bóng đá Việt Nam vẫn cần những cầu thủ dám bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá giới hạn bản thân. Hòa nhập sâu rộng với bóng đá thế giới thông qua con đường "xuất ngoại" là cách tiếp cận tối ưu mà các nền bóng đá mạnh châu lục đang hướng tới, điển hình là Hàn Quốc, Nhật Bản. Những chiến tích ấn tượng ở đấu trường World Cup của 2 quốc gia này đã như minh chứng.
Nói thế để thấy, cầu thủ Việt vẫn luôn đau đáu với giấc mơ "xuất ngoại".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất