Từ 'chảo lửa' Mỹ Đình đến giấc mơ SVĐ mang tầm World Cup

13/12/2023 06:45 GMT+7 | Thể thao

Cho tới thời điểm này, Mỹ Đình vẫn là SVĐ lớn nhất cả nước dù đã được đưa vào sử dụng tròn 20 năm. Tuy nhiên, khi xã hội nói chung và thể thao nói riêng ngày càng phát triển, "chảo lửa" này đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu cũng như đòi hỏi ngày càng cao.

Từ đề xuất của TP.HCM

Tại kỳ họp thứ 13 của HĐND TP.HCM khóa X sáng 6/12 vừa qua, UBND TP.HCM đã có tờ trình ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó có 6 dự án y tế, 12 dự án giáo dục và 23 dự án thể thao, văn hóa.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, TP.HCM đề xuất xây dựng mới học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời với 1.000 tỉ đồng và đặc biệt là xây dựng mới SVĐ chính có bố trí đường chạy điền kinh ở thành phố Thủ Đức với 7.000 tỉ đồng (sức chứa 50.000 chỗ).

Nếu đề xuất này thành hiện thực, SVĐ mới ở Thủ Đức sẽ vượt qua Mỹ Đình (sức chứa 40.000 người) để trở thành sân lớn nhất Việt Nam. Với riêng TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ có một SVĐ xứng với quy mô của thành phố bởi bao năm qua, sân Thống Nhất đã xuống cấp cộng với sức chứa quá nhỏ (gần 14.400 chỗ sau khi lắp ghế ngồi). Vì vậy, các trận đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam hiếm khi được đưa về TP.HCM để phục vụ nhu cầu của người hâm mộ thành phố.

Sân Thống Nhất hiện tại chuẩn bị cải tạo khán đài B, nâng sức chứa lên khoảng 19.000 chỗ ngồi. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất lẫn sức chứa hạn chế của sân Thống Nhất vẫn là điều cản trở bóng đá TP.HCM cất cánh. Chưa kể, đường chạy điền kinh xuống cấp tại đây cũng là một hạn chế khác.

Vì thế, dự án xây mới SVĐ chính có sức chứa 50.000 chỗ, có bố trí đường chạy điền kinh tại TP Thủ Đức với diện tích gần 11 ha được kỳ vọng rất nhiều. Một SVĐ mới hiện đại không chỉ dùng tổ chức thi đấu điền kinh, các giải bóng đá lớn của thành phố, trong nước và quốc tế mà còn là chất xúc tác để bóng đá nói riêng và thể thao TP.HCM nói chung có thể tạo bước đột phá, đủ sức đăng cai, tổ chức các giải thể thao quốc tế lớn.

Việt Nam vẫn chưa có SVĐ tầm cỡ khu vực

Kể từ năm 1989, khi Thể thao Việt Nam chính thức trở lại với đấu trường thể thao quốc tế, việc xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là SVĐ hiện đại rất được chú trọng. Thời điểm đó, trên cả nước chỉ có rất ít sân có đủ điều kiện tổ chức như: Hàng Đẫy (Hà Nội), Thống Nhất (TPHCM) và Chi Lăng (Đà Nẵng)... nhưng cũng chỉ là quy mô trong nước.

Từ "chảo lửa" Mỹ Đình đến giấc mơ SVĐ mang tầm World Cup - Ảnh 1.

Sân Mỹ Đình không còn đáp ứng được nhu cầu cũng như đòi hỏi ngày càng cao của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Phải tới năm 2000, nhằm phục vụ việc đăng cai tổ chức SEA Games lần đầu tiên, Khu Liên hợp thể thao quốc gia đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng tại Mỹ Đình với trái tim là SVĐ quốc gia Mỹ Đình.

Được nhà thầu HISG của Trung Quốc thực hiện, sân Mỹ Đình có chi phí 1.300 tỷ đồng (gần 53 triệu USD, tỷ giá năm 2003) và chính thức được khánh thành vào tháng 9 năm 2003. Nơi đây là địa điểm tổ chức chính của Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games lần thứ 22 năm 2003, bao gồm tổ chức lễ khai mạc, bế mạc cũng như các nội dung thi đấu môn điền kinh và các trận đấu môn bóng đá nam.

Với sự ra đời của Khu liên hợp thể thao quốc gia và SVĐ quốc gia Mỹ Đình, diện mạo của Thể thao Việt Nam đã thực sự thay đổi khi đây là nơi tổ chức chính các kỳ SEA Games, Đại hội thể thao trong nhà châu Á, các giải bóng đá quốc tế lớn như AFF Cup, Asian Cup, vòng loại World Cup... cùng nhiều sự kiện thể thao trong nước và quốc tế lớn khác.

Tuy nhiên, khi xã hội, kinh tế và thể thao phát triển, sân Mỹ Đình với sức chứa vỏn vẹn 40.000 chỗ ngồi đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu của người hâm mộ cũng như đòi hỏi ngày càng cao về chuyên môn, kỹ thuật.

Còn nếu nhìn ra khu vực, thì rõ ràng, Thể thao Việt Nam cũng chưa có cho riêng mình một SVĐ thực sự tầm cỡ. Malaysia đang sở hữu sân Bukit Jalil, nằm trong Khu liên hợp thể thao quốc gia ở Kuala Lumpur. Đây là SVĐ đa năng và sân nhà của đội tuyển bóng đá quốc gia Malaysia. Với sức chứa 87.411, SVĐ quốc gia Bukit Jalil là SVĐ lớn nhất ở Đông Nam Á, lớn thứ ba ở châu Á và là SVĐ bóng đá lớn thứ tám trên thế giới. Trong năm 2018, Bukit Jalil đã được bình chọn là SVĐ của năm, xếp trên cả những SVĐ nổi tiếng của châu Âu. Ngoài Bukit Jalil, Malaysia còn có sân Shah Alam với sức chứa 80.372 người.

Trong khi đó, Indonesia có sân quốc tế Jakarta với 82.000 chỗ ngồi. Được biết, đây là sân mái vòm có sức chứa lớn nhất Châu Á. Sân quốc tế Jakarta mới chỉ đi vào hoạt động từ 13/4/2022 và được xây dựng theo tiêu chuẩn FIFA. Ngoài ra, Gelora Bung Karno cũng là một SVĐ lớn khác ở Indonesia với sức chứa 77.193 chỗ ngồi.

SVĐ có quy mô lớn nhất tại Campuchia là sân Morodok Techo, với sức chứa khoảng 75.000 chỗ ngồi. Đây là một phần trong khu thể thao phức hợp Morodok Techo được xây dựng nhằm phục vụ cho SEA Games 2023, kỳ đại hội mà Campuchia là nước chủ nhà. Được biết, Trung Quốc đã tài trợ 160 triệu USD để xây dựng sân đấu này.

Không có sức chứa lớn như ở Indonesia hay Malaysia, nhưng Thái Lan và Singapore cũng có thể tự hào với các sân hiện đại bậc nhất khu vực là SVĐ quốc gia Singapore và Rajamangala.

Vì giấc mơ World Cup

Việc Liên minh các nước Đông Nam Á tham gia chạy đua đăng cai World Cup 2034 từng là một đề tài được thảo luận sôi nổi tại các diễn đàn bóng đá khu vực. Cũng theo tiêu chí của Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA hiện nay, một quốc gia (hoặc liên minh) chủ nhà của VCK World Cup 2034 phải có khoảng 20 SVĐ có sức chứa 40.000 chỗ ngồi trở lên.

Ngoài ra, họ còn phải có ít nhất một SVĐ 80.000 chỗ ngồi để tổ chức trận khai mạc và trận chung kết. Nghĩa là để được tổ chức một trận đấu lớn ở World Cup, hay thậm chí là đăng cai luôn giải thế giới, Việt Nam phải xây dựng ít nhất một SVĐ có sức chứa 80.000 người trở lên.

Nếu xét theo tiêu chí này, chưa có SVĐ nào ở Việt Nam, kể cả sân Mỹ Đình đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc xây dựng một SVĐ mới có quy mô lớn tầm cỡ khu vực và châu lục là một nhu cầu cấp thiết nếu thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng muốn nâng tầm.

Ngay việc chỉ có một Khu Liên hiệp thể thao quốc gia và sân Mỹ Đình cũng khiến các địa phương khác trong nước không có cơ hội tổ chức các đại hội thể thao, hay giải bóng đá lớn, kể cả TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn hàng đầu đất nước.

Vì vậy, việc TP.HCM xây SVĐ mới hiện đại là điều rất cần thiết và cấp bách. Bao năm qua, đội tuyển Việt Nam hầu như không thi đấu một giải chính thức nào tại TP.HCM vì sân Thống Nhất đã quá cũ kỹ, sức chứa nhỏ (chỉ còn hơn 14.000 chỗ). Ngoài ra, TP.HCM cũng vì cơ sở vật chất yếu kém không tổ chức được dù chỉ là SEA Games.

Vì vậy, một SVĐ lớn mang tầm cỡ châu lục được xây dựng ở TP.HCM sẽ không chỉ là mong mỏi của người dân thành phố mang tên Bác mà còn là của người hâm mộ thể thao cả nước.

Để tổ chức kỳ SEA Games đầu tiên trong lịch sử, sân Mỹ Đình đã được xây dựng nhưng rõ ràng quy mô của sân chưa đủ để tổ chức trọn vẹn một kỳ Asian Cup chứ chưa nói tới World Cup. Việt Nam từng tổ chức Asian Cup 2007 nhưng là đồng đăng cai cùng Indonesia, Malaysia, và Thái Lan. Trong đó, trận đấu lớn nhất mà sân Mỹ Đình tổ chức là một trận bán kết (Nhật Bản và Saudi Arabia), trong khi các trận khai mạc và tổ chức diễn ra ở Thái Lan và Indonesia.


Vũ Mạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm