Ai sẽ minh oan cho Trịnh Công Sơn?

15/04/2011 13:56 GMT+7

Một lần nữa, cách làm báo kiểu “giật gân”, “câu khách” lại bị cộng đồng mạng phê phán khi động chạm đến tên tuổi của một cây đại thụ làng âm nhạc Việt.

Ngày 13/4 vừa qua, một tờ báo mạng Việt Nam đã làm người đọc ngỡ ngàng với một bài viết có tiêu đề “Trịnh Công Sơn dính nghi án đạo nhạc?”. Nội dung bài viết đưa ra nghi vấn ca khúc Con mắt còn lại của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giống một tác phẩm âm nhạc cổ điển của Mỹ.

Bài viết nhanh chóng được nhiều báo khác đăng tải lại và trở thành đề tài tranh cãi trên nhiều diễn đàn trực tuyến. Trong các cuộc tranh luận, vấn đề chính được đặt xoay quanh chuyện bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “giống” hay “khác” bản nhạc của Mỹ. 



Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2/1939 - 1/4/2001).

Nhưng còn một vấn đề khác không kém phấn quan trọng cũng được rất nhiều người bàn luận. Đó là cách ứng xử của những người đưa tin đối với một nghệ sĩ lớn của đất nước, khi những thông tin nhạy cảm được đưa ra vào thời điểm kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông mới diễn ra cách đây ít ngày.

Với những chứng cứ mơ hồ, chưa qua thẩm định của các chuyên gia âm nhạc mà cái gọi là “nghi án đạo nhạc” đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã xuất hiện tràn làn trên mặt báo là một điều khó có thể chấp nhận. Nhiều bạn trẻ bất bình khi một số tờ báo vừa qua đã đưa nghệ sĩ đáng kính Trịnh Công Sơn, người đã về với đất mẹ, để đặt ngang hàng với mấy ca sĩ, người mẫu "dính nghi án" đạo nhạc, lộ ảnh nóng. Trên trang Wordpress, một blogger bày tỏ quan điểm: “Biển trời âm nhạc mênh mông, có vô tình chạm nhau một chút là lẽ thường tình. Nhạc sĩ Trịnh tài hoa chưa hẳn viết cho mọi người thưởng thức mà chủ thể nói lên tiếng lòng của mình. Không nên dùng từ “đạo”, thế là hết sức xúc phạm”.

Lấy làm buồn vì chuyện tên tuổi Trịnh Công Sơn bị xúc phạm, blogger doidau tâm sự trên Blog Yume: “Sáng nay, mở các trang báo mạng, thấy la liệt những tin dạng: Trịnh Công Sơn dính nghi án đạo nhạc, Trịnh Công Sơn cũng đạo nhạc?... Là một người yêu Trịnh, thông tin trên khiến tôi thật sự ngỡ ngàng. Trịnh mất đã 10 năm rồi, ai sẽ giải thích hay minh oan cho ông đây?

Đạo có nghĩa là ăn cắp, chôm chĩa. Giới văn nghệ sĩ người ta có thể bỏ đi tất cả chỉ để giữ lại riêng mình chữ "sĩ”. Vậy khi mình chưa khẳng định được điều gì mà lại giật cái tít "đạo nhạc" vào cái tên Trịnh Công Sơn, các bạn có còn đạo đức nghề để thấy lòng áy náy?”.

Blogger này kết luận: “Với công chúng yêu nhạc thật sự, Trịnh có "đạo" hay không bài hát ấy, cũng sẽ không làm suy giảm chút nào lòng mến mộ mà họ đã dành cho ông. Lòng mến mộ - nó quá nhỏ bé và tầm thường so với những gì ông đã sống, đã để lại cho đời”.

Trên diễn đàn Aeguitar.org, thành viên ktslevanhoc nhận định: “Trong suy nghĩ giữa người với nhau luôn có đồng cảm, luôn có những suy nghĩ cùng bộc phát giống nhau. Âm nhạc cũng vậy. Việc hai tác phẩm âm nhạc giống nhau một nét nào đó là chuyện bình thường. Chỉ có một bài nhạc mà gán ghép tên bác Trịnh Công Sơn với từ “đạo nhạc” thật là bất công”.



Trịnh mất đã 10 năm rồi, ai sẽ giải thích hay minh oan cho ông đây?

Ngay cả cách sử dụng ngôn từ “dính nghi án” dường như cũng chứa đựng sắc thái thiếu tôn trọng cố nhạc sĩ. Thành viên Lam_blue (diễn đàn Linkhay) bảy tỏ: “Ghét cái từ ’dính nghi án’ quá. Đưa người đang nằm dưới ba tấc đấc lên để đặt ngang hàng với mấy ca sĩ, người mẫu dính nghi án đạo nhạc, lộ ảnh nóng thì có chấp nhận được không?”.

Thành viên luclac2009 (diễn đàn Web trẻ thơ) không giấu nổi sự ngán ngẩm: “Ôi lại một chiêu ăn theo người nổi tiếng. Cái đáng nói là đặt ra cái gọi là ’nghi án đạo nhạc’ với một người đã khuất là chẳng ’chơi đẹp’ chút nào…”.

Đồng tình với nhận định trên, thành viên Euphoria webtretho chia sẻ: “Không thần thánh hóa, nhưng không có nghĩa là mang tên tuổi người ta (nhất là người đã khuất) ra gán với những thông tin nghe hơi nồi chõ rồi xào lại thành bài. Một nửa cái bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật, nữa là đây còn chả có mẩu bánh nào”.

Nghi vấn Trịnh Công Sơn đạo nhạc được nhà văn kiêm blogger Trương Thái Du đặt ra trên blog cá nhân của mình vào ngày 10/4. Để viện dẫn cho nghi vấn, blogger này đã đưa ra bản phối tác phẩm The Syncopated Clock của Leroy Anderson sáng tác năm 1945 và được Gontiti phối khí năm 1983 và bản phối Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1992 để so sánh với bản phối acappella do 5 Dòng kẻ trình bày. Trước một tượng đài âm nhạc và có nhiều fan như nhạc sĩ họ Trịnh, Trương Thái Du đã rất thận trọng cho rằng, có thể trong vô thức, tác phẩm này được đạo lại mà tác giả không hay. Theo blogger này, khi tiếp xúc hai bản nhạc, người nghe dễ dàng nhận thấy sự giống nhau giữa giai điệu hai ca khúc, đặc biệt ở đoạn dạo đầu.

Theo Đất Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm