17/07/2023 20:24 GMT+7 | Văn hóa soi đường
Hơn một năm qua, kể từ khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố từng bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường.
Thương hiệu mới của thành phố đang dần được hình thành với nền tảng là văn hóa và sáng tạo, một xu thế tất yếu của thời đại.
Trung tuần tháng 7/2023, Nhà hát Chèo Hà Nội đã tổ chức công diễn vở chèo "Nắm xôi kỳ diệu" (tên gọi khác là "Chuyện thằng Bờm"), được phỏng tác theo bài ca dao “Thằng Bờm có cái quạt mo”. Vở diễn đã tái hiện không gian truyền thống của nông thôn miền Bắc trước Cách mạng tháng Tám với những nhân vật: Thằng Bờm, ông bà phú nông, những người nông dân, con trâu, con rắn; trong đó lồng ghép nhiều trò chơi dân gian, những câu đố, bài đồng dao…
Vở diễn “Nắm xôi kỳ diệu” ra đời phục vụ đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở chèo được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Vở diễn đã nhận được những lời khen ngợi của Hội đồng Nghệ thuật thành phố và nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, nội dung của khán giả, đậm chất chèo và rất hài hước, dí dỏm. Vở diễn đã đề cao tình cảm bạn bè, tình yêu lao động, trân trọng lẽ phải của người nông dân.
Đây là một trong những vở diễn mới do các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội dàn dựng, công diễn theo chương trình hoạt động của đơn vị và theo định hướng phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố. Hơn một năm qua, các nhà hát của thành phố tiếp tục dàn dựng 18 vở diễn mới, biểu diễn 1.688 buổi, trong đó biểu diễn doanh thu với 1.023 buổi, đạt trên 26 tỷ đồng. Từ tháng 1 đến giữa tháng 6/2023, các đơn vị đã biểu diễn 1.062 buổi, doanh thu đạt 134% chỉ tiêu được giao cả năm. Đó là tín hiệu đáng phấn khởi khi thời gian dài các đơn vị nghệ thuật chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 làm gián đoạn hoạt động. Cùng với đó, việc kéo khán giả trở lại sân khấu cũng gặp khó khăn khi nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân đã thay đổi.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển nghệ thuật ca kịch truyền thống của Thủ đô. Các đơn vị đã sưu tầm và bảo tồn 5 điệu chèo cổ, phục dựng các trích đoạn chèo cổ, cải lương, vở kịch tiêu biểu. Đồng thời, ngành xây dựng các chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật trong không gian phố cổ, phố cũ với nhiều chương trình hấp dẫn khách tham quan.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng: Để phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, thành phố còn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa. Một số sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế diễn ra tại Thủ đô như: Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI, Liên hoan Xiếc quốc tế - 2022, Photo Hanoi’23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế. Các sự kiện trong nước gồm: Lễ hội áo dài Hà Nội, Lễ hội quà tặng Du lịch Hà Nội, chương trình âm nhạc “Hà Nội mùa Thu”… Thông qua các hoạt động này, hình ảnh Hà Nội được nhiều bạn bè trong và ngoài nước biết tới, uy tín của thành phố ngày càng được củng cố hơn.
Ứng dụng rộng rãi công nghệ số
Xác định trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động bảo tồn, quảng bá di sản, đa dạng hóa các hoạt động nghệ thuật, tăng thêm tiện ích cho công tác phục vụ... đang được các đơn vị quản lý rốt ráo thực hiện. Đặc biệt, công tác số hóa di sản vật thể, phi vật thể trên địa bàn Thủ đô được một số di tích thực hiện tốt như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội...
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, hệ thống 82 bia tiến sĩ, các tư liệu lịch sử, những thông tin liên quan đến di tích đều được số hóa 3D, giúp quản lý, tra cứu dữ liệu được dễ dàng, phục vụ có hiệu quả công tác bảo tồn một cách khoa học, toàn diện. Tiếp đó, Trung tâm xây dựng hệ thống tương tác trên thiết bị thông minh, ứng dụng QR code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, trải nghiệm đa phương tiện... Khách tham quan chỉ cần tải ứng dụng là có thể tương tác, tham quan về Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngay trên điện thoại thông minh với không gian 3 chiều, xem các nội dung đa phương tiện, giao tiếp với trợ lý “ảo” thông qua công nghệ AI, định vị GIS.
Tương tự, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tích cực ứng dụng công nghệ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi, việc tiếp cận ứng dụng công nghệ nhằm phát huy giá trị của Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được đẩy mạnh. Cùng với ứng dụng công nghệ trong trưng bày, triển lãm, ứng dụng công nghệ còn được thực hiện trong tái hiện công trình kiến trúc cung điện tại Hoàng thành Thăng Long và tiêu biểu nhất là điện Kính Thiên. Không gian Chính điện Kính Thiên tái hiện trên phối cảnh 3D mới được công bố mang lại hình dung gần nhất về Chính điện thời Lê và củng cố cơ sở cho việc phục dựng di tích này. Trung tâm còn tích cực ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone, màn hình tương tác diễn giải lịch sử...
Nhiều di tích trên địa bàn thành phố đã tạo app ứng dụng dành cho điện thoại thông minh bằng nhiều ngôn ngữ phục vụ quảng bá, xúc tiến hình ảnh và sản phẩm, xây dựng hệ thống bán vé điện tử...
Trong giai đoạn tới, Hà Nội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, thu hút được các nhà đầu tư trong nước, quốc tế xây dựng cơ sở vật chất, công trình hạ tầng kỹ thuật, tổ hợp vui chơi giải trí và thể thao có quy mô, tiêu chuẩn quốc tế phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa. Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Hà Nội là Thành phố sáng tạo của UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azouley đã công nhận Thủ đô Hà Nội là Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004, với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia trên thế giới. Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy "nguồn lực văn hóa" và "sáng tạo văn hóa" làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.
Có thế mạnh ở nhiều mảng sáng tạo nhưng Hà Nội vẫn quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện ứng cử bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại, sẽ thể hiện được đa dạng tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong phát huy sức sáng tạo. Hà Nội cũng bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên…
Hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì thực hiện với sự tham vấn, phối hợp của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và các sở, ban, ngành liên quan. Bên cạnh công tác điền dã, thu thập tư liệu, thành phố còn tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề, hội thảo quốc tế nhằm tham khảo ý kiến xây dựng từ các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước cho hồ sơ ứng cử.
Cùng với việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, những kế hoạch được thành phố hoạch định cho những năm tiếp theo, như: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ… sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế tiếp tục được nâng tầm trong thời gian tới, đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Là nơi sẽ thí điểm những ý tưởng và thực tiễn đổi mới, các Thành phố sáng tạo của UNESCO hứa hẹn mang đến những đóng góp thực tế nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc thông qua tư duy và hành động đổi mới. Thông qua cam kết của mình, các thành phố trong mạng lưới theo đuổi nỗ lực phát triển bền vững, qua đó đem tới lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư trong đô thị.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất