Trẻ em chơi thể thao để học

24/12/2015 12:05 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Học mà chơi, chơi mà học, tưởng như phương pháp này chỉ áp dụng trong học tập văn hóa, thực tế chính những buổi chơi mà ở đây là chơi thể thao đã mang lại rất nhiều điều bổ ích cho trẻ từ các lứa tuổi nhỏ đến những lứa tuổi lớn hơn.

Kinh nghiệm từ nhiều bậc phụ huynh cho thấy, họ rất thoải mái trong việc để con cái mình được tự do trong các hoạt động ngoại khóa. Bởi trẻ dù bé hay lớn hơn đều thích tìm tòi và trải nghiệm với những điều mà chúng cho là thú vị. Có đứa thích vẽ, có đứa thích âm nhạc, có đứa thích thể thao và cũng có cả những đứa thích nhiều thứ.

Ở trường hợp cuối, điều này không có nghĩa là trẻ thiếu tập trung hay sở trường về một thứ bởi trừ một số ít trường hợp bộc lộ được năng khiếu rõ rệt, đây vẫn là giai đoạn xác định và định hình tính cách của trẻ. Vì thế, điều quan trọng nhất là hãy để chúng được bộc lộ những khả năng của chúng và niềm yêu thích của chúng trong một khuôn khổ nhất định.

Tham khảo ở nhiều mô hình từ nhiều nước, một điểm chung là trẻ con được tự do suy nghĩ, tự do lựa chọn trong những hoạt động ngoại khóa. Một bậc phụ huynh người Mỹ cho biết, con gái của anh, Gigi, rất tích cực trong những buổi sinh hoạt như thế này. Ngay từ bé, nó đã thích những trò như trượt băng, quần vợt, softball và hoạt náo viên.


Lớn lên một chút, nó có thêm các trò mới và cũng loại dần một số trò khác khỏi danh sách. Thực tế thì cô bé cũng rất may mắn khi có được cơ hội và điều kiện để trải nghiệm nhiều điều, để rồi khi lớn hơn và kinh nghiệm hơn, cô bé có thể quyết định xem mình thích cái gì nhất và cần theo đuổi nhất. Lúc này, vai trò của các bậc cha mẹ sẽ rất quan trọng vì họ có thể đưa ra những lời khuyên, những phân tích cho chúng.

Ngược lại, cũng có những trẻ mà chỉ cần một hoặc vài hoạt động thôi là đủ dạy cho chúng một số điều quan trọng sẽ theo chúng đến tuổi trưởng thành hay thậm chí là cả cuộc đời.

Chẳng hạn như thể thao có thể giúp trẻ những kỹ năng và rút ra được các bài học như:

1. Chậm mà chắc

Gigi đã mất hàng giờ đồng hồ trên sân trượt băng để cố thực hiện một động tác tưởng không có gì quan trọng nhưng thực tế đó là một động tác rất phức tạp. Cô bé đã nhận thấy rằng mình cần phải bước đúng nhịp như thế nào và ngay khi thực hiện được, cô có thể thực hiện tiếp những động tác sau. Ở trường hợp này, Gigi rõ ràng đã học được cách kiên nhẫn và tập trung.

2. Phối hợp nhóm

Nghĩa là cả một đội. Gigi có nhiều năm ở trong đội softball và hoạt náo viên nên cô bé hiểu rõ một trận đấu, một bài biểu diễn có thể thất bại nếu mọi người không phối hợp ăn ý vì cùng một mục tiêu. Ở trường hợp này, cô bé thấy rằng, mình nên đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

3. Không từ bỏ

Đây là một trải nghiệm mà gần như tất cả đều đã đối mặt và không chỉ trong thể thao. Thất bại có thể làm trẻ chán nản và buồn bực nhưng cũng là lý do giúp chúng nhận ra những khiếm khuyết. Như trường hợp của Gigi, đội hoạt náo viên của cô không thành công trong nhiều năm nhưng tất cả vẫn chăm chỉ tập luyện hai tiếng rưỡi mỗi tối và ba đến bốn buổi tối mỗi tuần trước cuộc thi.

Cuối cùng, họ giành vị trí thứ nhất và đoạt vé vào cuộc thi toàn bang. Những kỉ niệm và những bài học mà chúng học được khi đó sẽ là những điều chúng không bao giờ quên, cũng như là động lực để chúng sẵn sàng đối mặt với những khó khăn lớn hơn trong cuộc sống.

4. Sự tôn trọng

Những người thầy, những HLV, những giám khảo, các VĐV khác và các đối thủ, họ đều xứng đáng có được sự tôn trọng. Thất bại có thể tạo ra một cảm giác bực bội ở Gigi nhưng cũng là trải nghiệm để cô bé học được cách kiểm soát bản thân và trong các mối quan hệ.

5. Nỗ lực

Việc cân bằng giữa chơi và học là rất quan trọng cho trẻ, và đòi hỏi có sự can thiệp của các bậc phụ huynh. Việc Gigi thích chơi softball hay hoạt náo viên, trượt băng không sao miễn là cô bé không làm mình trở nên mệt mỏi hay xao lãng chuyện học hành.

Vì thế, các bậc phụ huynh cũng không nên xem việc trẻ ham mê một môn thể thao nào đó là tiêu cực bởi dần dần, chúng sẽ nhận ra rằng, muốn có được thành công phải chuyên tâm vào thứ đó. Không ai thành công mà không cố gắng. Trẻ phải biết học cách hi sinh và dành thời gian cho một môn thể thao giống như dành thời gian cho những bài tập về nhà để rèn luyện kỹ năng.

6. Tình bạn

Gigi đã nhận ra rằng, đôi khi cô bé và người bạn thân nhất của nó tỏ thái độ ghen tị nhau nếu có ai đó vượt trội hay xuất sắc hơn. Trong trường hợp này, cô bé cũng hiểu được là việc ai thắng không quan trọng bằng cách cô kiểm soát thất bại và chiến thắng như thế nào. Ở tuổi này, thể thao là rèn luyện sức khỏe chứ không phải là sự ganh đua về thành tích.

7. Đôi lúc cuộc đời cũng không công bằng

Có những thời điểm Gigi luyện tập chăm chỉ để chuẩn bị cho một cuộc thi và mọi thứ có vẻ diễn ra rất suôn sẻ. Cô bé có thể bước ra và hoàn tất bài trượt băng xuất sắc. Thế nhưng, vẫn có điều gì đó khiến các giám khảo không thích. Ở đây, Gigi sẽ phải học cách chấp nhận với thất bại và tiếp tục. Cô bé đã hiểu rằng, đôi lúc, dù cô cho điều này là rất hoàn hảo, cô có thể không có một ngày may mắn. Biết được như vậy sẽ giúp cô cảm nhận mọi việc dễ dàng và bình tĩnh hơn.

8. Giá trị của đồng tiền

Gigi đã được bố cô bé nhắc nhở rằng, cô được phép tham dự những hoạt động ngoại khóa mà cô bé thích. Ngược lại, nếu cô không còn thích những hoạt động như vậy, họ sẽ không mất thời gian nữa. Bởi Gigi cần hiểu rằng, cô không được phép lãng phí tiền bạc của bố nếu cô không còn cảm thấy hứng thú hay cố gắng như trước. Nghĩa là Gigi không bao giờ được lấy lý do mệt mỏi hay muốn tham dự tiệc tùng để bỏ một buổi tập hay một cuộc thi. Điều này sẽ giúp Gigi nhận ra rằng, khi lớn lên, cô bé sẽ không có nhiều lựa chọn theo ý mình.

Quốc Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm