Thể thao & Cuộc sống: Đừng để họ bị lãng quên

17/12/2015 11:18 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Như ngôi sao băng lao qua bầu trời, rất nhiều VĐV tài năng còn rất trẻ như Hoàng Hà Giang (Taekwondo, 24 tuổi), Đỗ Xuân Tâm ( xe đạp địa hình, 21 tuổi); Trần Thanh Ngời (judo, 21 tuổi), Trần Xuân Hiền (bơi, 31 tuổi)... đã ra đi.

Họ là những câu chuyện buồn về cuộc đời VĐV chuyên nghiệp đầy rẫy gian truân, rủi ro, nhưng lại dễ dàng bị lãng quên khi không còn ở đỉnh cao của sự nghiệp.

Đừng để họ bị lãng quên, bởi họ chính là minh chứng cho Thể thao Việt Nam ở thời kỳ đổi mới, hội nhập, mạo hiểm và còn nhiều thiếu sót. Họ cũng chính là bài học để Thể thao Việt Nam và cơ chế dành cho các VĐV phải được thay đổi. Có như vậy thì sự hy sinh, mất mát của họ mới có ý nghĩa.

Cô gái thanh xuân tại Bắc Kinh năm ấy

Ngày đó, người viết là phóng viên duy nhất có mặt trong đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. Được chứng kiến phút Hoàng Anh Tuấn tỏa sáng với tấm HCB cử tạ tuyệt vời như thế nào và cũng được nghe tâm sự của Hoàng Hà Giang ở những ngày đầu tiên cô được chuẩn đoán là mình bị Lupus ban đỏ - một loại bệnh rất hiếm gặp, còn được gọi một cái tên rất “liêu trai” là bệnh Ma cà rồng quý tộc. Tức là tuyệt đối không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và hoàn toàn không nên vận động mạnh.

Cái tin sét đánh đó được cả BHL cũng như lãnh đạo bộ môn Taekwondo đều biết rất rõ, nhưng vì vừa kết thúc đợt tập huấn tại Hàn Quốc (nơi các bác sĩ đã phát hiện ra bệnh của Hà Giang) lại rất sát với thời điểm Olympic Bắc Kinh diễn ra, nên Hà Giang phải tiếp tục thi đấu chứ không thể thay người. Hoàng Hà Giang đã thắng trận đấu đầu tiên, ngược lại đàn chị Hoài Thu và đàn anh Nguyễn Văn Hùng lại thua ngay trận đầu. Tôi còn nhớ cô gái ‘siêu gầy” này còn nói: “Đây là trận chiến cuối cùng rồi. Em đâu còn gì để mất.” HLV đội tuyển quốc gia Nguyễn Đăng Khánh nhìn học trò thi đấu trên sàn mà rớt nước mắt và anh đã làm đủ mọi trò hài hước để học trò của mình vui vẻ.


Hoàng Hà Giang (cầm cờ) ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ

Toàn bộ giai đoạn đỉnh cao nhất của Hoàng Hà Giang gần như chỉ gói gọn trong 2 năm, từ 2006 -2008. 15 tuổi đã là Á quân Asiad, ở nội dung 49kg nữ của môn Taekwondo. Mới 15 tuổi đã có HCV Đại hội võ thuật trẻ thế giới. Đến năm 17 tuổi, Hà Giang giành thêm 1 HCV trẻ thế giới nữa, giành luôn suất dự Olympic Bắc Kinh 2008.

Sau đó, Hoàng Hà Giang, mới 17 tuổi, tài năng đến vậy đã rời khỏi ánh hào quang của thể thao. Và quãng đời phía sau sự nghiệp thể thao đỉnh cao của Hoàng Hà Giang mới thực sự là chuỗi ngày cơ cực, là chuỗi ngày mà cô gái từng làm rạng danh cho thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế gần như bị lãng quên.

Ra đi có phải là bị quên lãng?

Hoàng Hà Giang dù rất khó khăn, sức khỏe suy sụp, kinh tế bấp bênh, nhưng cô luôn cố gắng vượt qua căn bệnh quái ác, vượt qua nghịch cảnh để vươn lên, cô có may mắn là được sống với mơ ước mới của mình suốt 8 năm – đó là nghệ thuật nhiếp ảnh, thời trang, thiết kế mẫu.

Nhiều tuyển thủ khác không được “may mắn” như vậy. Họ hoàn toàn chẳng có cơ hội thấy được những chân trời mới. Những Đỗ Xuân Tâm, Trần Thanh Ngời, Diệp Phước Lộc - họ là những VĐV đã có tiếng đã ra đi ngay trong lúc đang thi đấu, tập luyện.

Đỗ Xuân Tâm thậm chí còn tiếp tục cống hiến ngay cả sau khi anh chết khi gia đình thực hiện đúng tâm nguyện của anh, đó là hiến xác mình cho khoa học. Anh lặng lẽ nằm đó, trở thành tiêu bản mẫu cho Đại học Y thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2003 đến năm 2007.

Những người không may mắn khác có Lê Thị Huệ - cô mất 81% sức khỏe sau khi chấn thương đốt sống cổ khi tập luyện cho SEA Games 22, giờ cô sống cho qua ngày đoạn tháng với mẹ già.

Nhiều VĐV khác may mắn hơn, giành được nhiều vinh quang nhưng sau khi sự nghiệp VĐV chấm dứt, họ lại tiếp tục vật lộn với chấn thương cũ và mưu sinh. Bởi đời VĐV, có ai không phải là bệnh nhân chuyên nghiệp. Vinh quang và tỏa sáng như Vũ Thị Hương – nữ hoàng điền kinh Việt Nam hay Trương Thanh Hằng – huyền thoại tổ trung bình điền kinh, Trương Thanh Sang, Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (TDDC); Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), Diệu Hiền, Văn Ngọc Tú (Judo); Vũ Nguyệt Ánh (Karate)… vẫn từng ngày mưu sinh và chống chọi lại những chấn thương đã trở thành vĩnh viễn. 

Hoàng Hà Giang - Số phận đẫm nước mắt của một tài năng thể thao

Hoàng Hà Giang - Số phận đẫm nước mắt của một tài năng thể thao

"Khi bắt đầu uống thuốc chữa trị căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống, các bác sĩ đã nói rằng Hà Giang sẽ sống không quá 30 tuổi vì thuốc vào lâu dài sẽ dần phá nội tạng hết".


Đừng chờ chế độ, hãy tự chuẩn bị cho chính mình

Cứ những lúc như thế này, người ta lại đặt câu hỏi, trách nhiệm của ngành thể thao ở đâu?

Ngành thể thao – mỗi năm chỉ được cấp vài trăm tỷ, năm 2016 tới còn bị cắt giảm so với năm 2015 gần 40 tỷ đồng nhưng có nghĩa vụ phải lo cho cả nền thể thao hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Vậy nên đặt ra vấn đề phải quan tâm cả những trường hợp giải nghệ, hoặc đã ra khỏi ngành... là chuyện khó và tế nhị mà có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới hiểu nổi.

Khi đề cập đến trách nhiệm của ngành thể thao với những VĐV từng mang vinh quang về cho Tổ quốc, nhưng sau đó sống chật vật trong lãng quên, HLV Bùi Lương (huyền thoại của điền kinh Việt Nam) nói với người viết tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2014: “Chúng tôi không đổ tại ngành về điều gì cả. Chúng tôi chọn thể thao là nghiệp cả đời và sẵn sàng hy sinh vì nó. Đời người có may mắn, có vận rủi, thế mới là đời. Nhưng đúng là chúng tôi thiệt thòi, học trò của chúng tôi thiệt thòi lắm.Ngành thể thao còn khó khăn lắm mà thể thao thì cần xã hội quan tâm.

Chúng tôi như cái máy vận động hết công suất vậy, 30 tuổi là về hưu rồi, đặc biệt thế nên cái chúng tôi cần không chỉ là tiền thưởng tăng cao mà chính là hệ thống chế độ về bảo hiểm và đảm bảo các chế độ tối thiểu cho những VĐV thành tích cao đã giải nghệ. Có vậy, các cháu nó mới yên tâm mà quyết chí vậy”.

Nhưng vì chưa có chế độ đặc thù như vậy, nên trước hết, các VĐV phải tự thương lấy mình mà thôi. Đương nhiên, không phải là chấm dứt sức nghiệp hay thi đấu cầm chừng, đi học lấy cái bằng cho sớm để làm HLV, mà các VĐV, đặc biệt là những tài năng tuyệt vời, có hàng trăm tấm huy chương, có tiền thưởng “khủng”, nên tự chăm sóc mình với những hợp đồng bảo hiểm tốt nhất về y tế. Mức phí bảo hiểm ở mức dưới 10 triệu/ năm nhưng quyền lợi về y tế thì lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Số tiền đó không phải là quá lớn so với mức thưởng 1 tấm HCV SEA Games là 45 triệu đồng.

Đương nhiên, đó là việc nên làm của các VĐV chuyên nghiệp, thế nhưng ngành thể thao vẫn phải làm tốt trách nhiệm của mình là xây dựng chính sách để những người từng hy sinh tuổi trẻ, sức lực cho thể thao, mang vinh quang về cho tổ quốc không có cảm giác bị bỏ rơi.

Như Hoa
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm