Theo dấu chân thầy cô giáo lên đỉnh trời dạy học

14/05/2009 18:07 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Những cơn mưa rừng xối xả lẫn trong đám sương mù trắng xóa che kín cả khúc đường trước mặt, ở độ cao gần 1000 mét so với con sông Nậm Cắn một màu đỏ cuồn cuộn từ biên giới nước bạn Lào đổ về, tôi bắt đầu cảm nhận được cái ớn lạnh, rùng mình, lo âu giữa núi rừng bao quanh… Theo chân đoàn giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, tôi mới cảm nhận được phần nào sự gian nan, khổ cực, vất vả của các thầy, cô giáo vùng cao miền Tây xứ Nghệ.



Theo dấu chân thầy cô giáo lên đỉnh trời dạy học - Phan Bá Mạnh
Bài viết này đã được chương trình Let’s Càphê của
Kênh truyền hình Let’s Việt - VTC9 giới thiệu vào ngày 21/02/2009

Bạn có thể nhấn vào đây để xem từ nguồn


Gian nan đường cõng chữ lên đỉnh trời

Đoàn của chúng tôi gồm 10 thầy cô giáo bắt đầu con đường lên trường với hành trang là những chiếc xe “min - khờ” với trang bị đầy đủ đồ ăn, thức uống. Nằm cách trung tâm thị trấn Mường Xén 12 cây số, thế nhưng đường lên Tây Sơn từ bao đời nay luôn là nỗi kinh hoàng, sợ hãi, khiếp đảm của bất cứ người dân xứ Nghệ nào. Đường núi cứ cao dần, cao dần, băng qua 10 con dốc cao dựng đứng, 3 con suối, thầy trước, cô sau đẩy xe lê từng bước chân mềm nhũn, thấm mồ hôi ướt nhễ nhãi. Đường lên trường không khác gì đường hành quân bộ đội Trường Sơn ngày xưa, trơn trượt, ướt át, dính bùn nhão, đất đỏ… ngoái đầu nhìn xuống 2 bên là vực sâu thăm thẳm, đen ngòm, hun hút những cơn gió lạnh ùa về khiến con người ta có cảm giác rùng mình, sợ hãi.
 
 
Nối tiếp bao thế hệ thầy cô giáo khác trong trường, 4 năm nay cô giáo trẻ Phan Thị Huyền (27 tuổi) giáo viên môn Lịch Sử vẫn ngày ngày băng rừng lên trường dạy học cho các em học sinh dân tộc người Mông. “Đường này còn ăn thua gì, bọn em còn một mình băng đèo, lội suối, sống cắm trong rừng cả mấy tháng trời liền, nhịn ăn, nhịn uống để tới vận động các em tới trường cực lắm!” – cô Huyền tâm sự. Ở bên kia khu rừng là đất bạn Lào, rừng âm u, cùng cốc nhưng nỗi sợ lớn nhất luôn rình rập vẫn là núi cao sạt lở.

Lên bản, cuộc sống đồng bào dân tộc người Mông đã thay da đổi thịt, họ có cơm trắng, muối mặn, nhà nào cũng bò, dê cả đàn, cái ăn, cái mặc với họ giờ đã không còn như xưa. Ấy vậy mà cái chữ của họ vẫn còn “lơ ngơ” “láo ngáo” lắm! Gieo được cái chữ cho đồng bào, học sinh người Mông cũng khó như gieo hạt ngô, trỉa hạt bắp trên núi khô, đất đá vậy.
 
 
Cuộc sống của 43 giáo viên trường Tây Sơn nằm tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, ngước đầu lên tưởng chừng với tay chạm được mây trắng mù vèo vèo băng qua, xung quanh là màu xanh của núi rừng hùng vĩ, thỉnh thoảng lại được nghe tiếng gầm thét của thiên nhiên, thú rừng. Ngôi trường “2 trong 1” nằm lọt thỏm giữa núi, một vách lều tạm đã cũ nát dường như có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Lớp học giữa núi rừng của các em học sinh người Mông ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa hết dột góc này, lại dột góc kia, mùa lạnh gió ùa về khiến cả trò cả cô co rúm trong chiếc áo mỏng manh giữa đất trời. Vậy mà cả thầy cả trò vẫn cứ bám lấy nhau ê a đánh vần, học chữ.
 
Thương lắm thầy, trò Tây Sơn!

Mùa đông, cái lạnh như thấm vào từng mảnh da, miếng thịt trên cơ thể, lạnh buốt đến thấu xương, mùa hè nóng, gió Lào ùa về, táp vào da mặt rát cháy cả người, quanh năm suốt tháng khí hậu thất thường mưa, nắng, gió. Trò, để đến lớp học phải băng đèo, xẻ rừng cuốc bộ cả chục cây số đường rừng… mùa rẫy phải bỏ lớp, bỏ trường ở nhà giúp cha, phụ mẹ lên nương cấy cày, đào, cuốc, lớp học vắng tanh chỉ có dăm ba em ngồi xếp xó dưới góc lớp. Cái chữ với người Mông còn khó lắm, nhiều em học tới lớp 9 nhưng ngoài giờ dạy chính các thầy cô giáo còn phụ đạo thêm môn…“tiếng Việt” đánh vần chữ, đọc không thông, viết không thạo thầy cô giáo phải xuống từng bản hướng dẫn, bày dạy từng nét chữ cho các em.

Thương trò, thầy cô giáo lại gói cơm nắm, xuyên rừng một mình băng băng lên từng bản xa xôi nhất, tới từng gia đình vận động phụ huynh cho học sinh tới trường mặc cho muỗi rừng, vắt rừng, sên, rắn nguy hiểm trên đường đi. Trên khuôn mặt những người thầy Tây Sơn ai ai cũng đầy vết sẹo ngắn, sẹo dài - đó là chiến tích của những lần “nằm vùng”,“cắm bản” theo trò lên nương làm rẫy để được mau mau quay lại lớp học.
 
 
Trong căn nhà xệp xệ, méo mó, xiêu vẹo nghiêng ngả bằng gỗ mục, 2 bên vách hở trước, hở sau là “ký túc xá” của các thầy cô giáo, tối tối soạn bài giảng. Bữa cơm của họ, thức ăn chính là mỳ tôm, cá kho mặn độn cơm, bữa nào sang thì có thêm món rau rừng độn. Dẫn tôi đi khắp quanh trường, thầy giáo Nguyễn Văn Tám - Phó hiệu trưởng nhà trường, người đã có nhiều năm gắn bó với học sinh người Mông như gánh nặng thêm bao nỗi ưu tư, lo âu “Lớp học cứ vào mùa lại vắng tanh trò, thầy cô giáo thì sống khổ sống cực cũng chỉ biết bám dân, bám bản để dạy chữ cho các em”

Hầu hết, các thầy cô giáo trường Tây Sơn còn đang rất trẻ, chưa lập gia đình không ít thầy cô giáo lo cho tương lai của bản thân, "sợ… ế" giữa núi rừng hoang vu nhưng mỗi khi nghĩ về các em học sinh người Mông lại thương. Bỏ trường, bỏ lớp đi rồi còn ai ở lại dạy chữ cho các em... Các em học sinh người Mông đã trở thành người thân trong gia đình, gánh nặng cuộc sống cứ đè nặng lên các thầy cô giáo trẻ với đồng lương ba cọc, ba đồng. Nếu không có lòng yêu nghề và một trái tim biết yêu thương, một tấm lòng bao la thì tôi tin chắc rằng các thầy cô giáo nơi đây sẽ không dám hy sinh cả tuổi xuân ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Tuổi trẻ và khát vọng, niềm tin và tình yêu nghề đã chiến thắng sự run sợ trước khó khăn, gian nan, và vất vả ở các thầy cô giáo trẻ - những người quyết tâm gieo chữ vào tận trong những bản làng xa xôi nhất của vùng cao Tây Sơn.
Phan Bá Mạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm