Karatedo có mặt ở Olympic 2020: Thêm cơ hội huy chương cho Việt Nam

14/08/2016 06:25 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Chia sẻ với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, Trưởng bộ môn karatedo Vũ Sơn Hà và nhà vô địch 3 kì SEA Games liên tiếp Bùi Việt Bằng đều chung nhận định, karatedo Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc cạnh tranh huy chương khi môn thể thao này chính thức có mặt tại đấu trường Olympic kể từ 2020.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: “Karatedo Việt Nam có trình độ cao”

Bắt đầu từ năm 2000 Liên đoàn karatedo thế giới đã nhiều lần đề nghị Ủy ban Olympic cho phép karatedo là môn thi đấu chính thức tại Olympic. Và cuối cùng, karatedo cũng có một cái kết đẹp khi môn võ có nguồn gốc từ Nhật Bản trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic 2020.

Đây không chỉ là một tin rất vui với Liên đoàn karatedo thế giới nói chung mà đối với chúng ta đây cũng là 1 tin rất tốt lành và mở ra thêm nhiều hy vọng bộ môn karatedo sẽ đem về vinh quang cho thể thao nước nhà tại Olympic 2020.

Trong những năm vừa qua, karatedo Việt Nam đã vươn lên tới trình độ cao khi có nhiều VĐV đạt thành tích xuất sắc. Ví dụ như là những nhà vô địch ASIAD Vũ Thị Nguyệt Ánh, Vũ Kim Anh hay Nguyễn Trọng Bảo Ngọc hay nhà vô địch thế giới Nguyễn Hoàng Ngân. Chính vì vậy, có thể khẳng định karatedo của Việt Nam đã đạt được trình độ tầm châu lục, thế giới.


Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh kỳ vọng karatedo Việt Nam có thể gặt hái được thành tích tại Olympic 2020.Ảnh: V.S.I

Kể từ khi thể thao Việt Nam nêu khẩu hiệu tập trung cho các bộ môn Olympic nên trước đây karatedo còn chưa nhận được sự quan tâm quá đặc biệt. Tuy nhiên, chắc chắn từ nay sẽ có những sự đổi thay bởi karatedo sẽ là môn thi đấu chính thức tại Olympic 2020.

Ngay từ thời điểm này karatedo đã phải có sự chuẩn bị tổng lực cho ASIAD 2018 và sau đó là Olympic 2020. Rõ ràng, trong thời gian qua với việc karatedo giành được nhiều thành tích rất đáng tự hào và qua đó cũng chứng tỏ các kế hoạch, chính sách phát triển karatedo tương đối hiệu quả.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho những đấu trường lớn như Olympic chúng ta cần đề ra những kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn để có thể hy vọng karatedo Việt Nam có thể tranh chấp thứ hạng cao ở những đấu trường mang tầm thế giới.

Trên nền tảng thành tích đã có, karatedo cần phải tập trung và đầu tư hơn nữa để phát huy khả năng, thế mạnh của mình. Tôi rất có niềm tin và hy vọng karatedo Việt Nam có thể gặt hái thành tích cao tại Olympic 2020.

Ông Vũ Sơn Hà (Trưởng bộ môn karatedo Tổng cục TDTT): “Karatedo đang có nhiều VĐV tài năng”

Đối với những người làm công tác chuyên môn như chúng tôi cảm thấy rất vui mừng và hào hứng khi đón nhận thông tin karatedo là môn thi đấu chính thức tại Olympic 2020. Tất nhiên, ngay từ thời điểm bây giờ chúng tôi sẽ phải xây dựng những chiếc lược, kế hoạch chi tiết nhằm hướng tới Olympic 2020.

Trước hết, chúng tôi rất muốn karatedo nhận được sự đầu tư một cách đột phá từ phía Tổng cục TDTT và Chính phủ. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng một lứa VĐV trẻ karatedo của đội tuyển quốc gia bao gồm 2 nội dung là kumite (thi đấu đối kháng) và kata (thi đấu quyền biểu diễn). Lứa VĐV được giới chuyên môn đánh giá là rất tài năng, các em sẽ là nòng cốt của karatedo Việt Nam tham dự các đấu trường như SEA Games 2017, ASIAD 2018 hay xa hơn nữa là Olympic 2020.


Karatedo Việt Nam có phong trào phát triển.Ảnh: TTXVN

Dù các em còn rất trẻ nhưng lứa VĐV được lựa chọn này có trình độ chuyên môn rất tốt. Cụ thể ở nội dung kumite, tuổi đời trung bình của VĐV là 18 tới 20 tuổi. Còn ở nội dung kata tuổi đời của VĐV là từ 16 tới 18 tuổi.

Trong 2 năm vừa qua, tuy điều kiện kinh phí không phải là dồi dào nhưng chúng tôi cũng đã tạo điều kiện cho các VĐV trẻ này tham gia thi đấu cọ xát ở những giải quốc tế và các em cũng đã gặt hái được những thành tích nhất định.

Ở nội dung kata thì có VĐV Nguyễn Thị Phương (sinh năm 2000), Lê Thị Khánh Ly (sinh năm 1999), đây là 2 VĐV thuộc đội tuyển kata nữ đạt thành tích HCĐ tại giải trẻ vô địch thế giới năm 2015. Và lứa VĐV này còn được huấn luyện bởi “nữ hoàng kata” Nguyễn Hoàng Ngân. VĐV từng giành 2 HCV giải vô địch thế giới năm 2006, 2008, HCV đơn nữ tại World Games năm 2009, HCV Cup thế giới Kobe-Osaka tại năm 2007, HCB ASIAD 17…

Còn ở nội dung kumite, có VĐV Nguyễn Thị Ngoan,Trang Cẩm Lành, Bùi Thị Ngọc Hân, Nguyễn Thị Hải Yến đều đạt thành tích HCV Đông Nam Á, HCB giải trẻ thế giới. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng trong 2 năm qua, các em đã có sự tiến bộ và đạt được thành tích tốt. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, lứa VĐV này sẽ còn tiến xa trong thời gian tới.

Điều cần thiết với các em lúc này là có những chuyến tập huấn hay thi đấu cọ sát ở những giải đấu thực sự chất lượng. Đặc biệt, các em cần nhận được sự huấn luyện, chỉ dạy không chỉ của các HLV trong nước có trình độ cao mà còn cả những HLV karate cao cấp của thế giới.

Cựu VĐV karate Bùi Việt Bằng (Vô địch 3 kì SEA Game 22, 23, 24, HCB giải vô địch châu Á năm 2009): VĐV cần được tạo các điều kiện tốt nhất

Tôi nghĩ thời điểm hiện tại là giai đoạn vàng để phát triển và hướng tới thành cao. Bởi vì sao, ở thời điểm hiện tại, karatedo Việt Nam đang sở hữu lực lượng VĐV và HLV có trình độ cao, tiệm cận với thế giới.

Họ đều là những người trẻ nên khả năng tiếp cận và trao dồi thông tin rất nhanh. Và tôi có thể khẳng định, so với nhiều quốc gia phát triển về bộ môn karatedo, lực lượng VĐV, HLV có trình độ của ta không kém gì họ. Vấn đề là các nhà quản lí có tin tưởng và tạo điều kiện tốt nhất cho họ hay không mà thôi.

Karatedo thành môn thi đấu chính thức tại Olympic 2020

Karatedo thành môn thi đấu chính thức tại Olympic 2020

Ngày 4/8,Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) chấp thuận môn võ karatedo trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic Tokyo 2020.


So với những môn thể thao khác, các môn võ nói chung và karatedo nói riêng có những điều rất đặc thù. Trước hết, ngoài phẩm chất của VĐV thì karatedo đòi hỏi phải có những người thầy thật sự giỏi. Bên cạnh đó, để đạt được thành tích cao các VĐV cần nhận được sự đầu tư tối đa.

Trước đây, thế hệ chúng tôi, phần lớn các VĐV tập karatedo trong tình trạng cả thầy cả trò tự thân vận động. Ở thời điểm đó, việc tập huấn ở nước ngoài là rất hạn chế vì không có kinh phí. Thế mới có chuyện khi tôi được mời mời tham dự giải đấu trẻ châu Á, khi bước vào thi đấu thì cảm giác tim đập, chân run bởi choáng ngợp trước những khán đài đông khán giả hay phong thái tự tin của các VĐV quốc tế.

Có thể nói vấn đề tâm lí và kinh nhiệm thi đấu lại là yếu tố đặc biệt quan trọng với người tập võ. Để có tâm lí và kinh nghiệm thi đấu tốt, không còn cách nào khác là VĐV phải được thi đấu nhiều với các đối thủ và giải đấu có chất lượng.

Và cuối cùng, các VĐV phải được hưởng một chế độ đãi ngộ xứng đáng. Nó không chỉ gói gọn trong thời gian đầu tư trọng điểm mà nó còn phải đảm bảo trước, trong và sau quá trình thi đấu họ được hưởng những chế độ gì. Có như vậy, VĐV mới dốc sức, toàn tâm toàn ý cống hiến cho thể thao thành tích cao.

Huy Hùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm