Hai nữ VĐV lọt vào Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019: Những đóa hồng 'thép'

08/03/2019 07:37 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes vừa công bố, có lẽ thể thao là lĩnh vực gây ấn tượng đặc biệt nhất khi bất ngờ có tới hai đại diện: Nhà vô địch nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo và Á quân đường chạy ASIAD Quách Thị Lan. Càng lý thú hơn bởi hai nữ tuyển thủ này còn là hai người đồng đội ở cùng đội tuyển quốc gia điền kinh.

Bùi Thị Thu Thảo - Từ cô gái chân ngắn trở thành nhà vô địch ASIAD

Bùi Thị Thu Thảo - Từ cô gái chân ngắn trở thành nhà vô địch ASIAD

Bùi Thị Thu Thảo đã làm nên lịch sử cho điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung khi lần đầu tiên đem về một tấm HCV ở môn điền kinh - một trong hai môn thể thao cơ bản của Olympic trên đấu trường ASIAD.

Chính hai cô gái con nhà nông nghèo này, bằng khát khao, ý chí, sự bền bỉ và nhất là hành trình vượt khó bứt phá phi thường của mình, đã tạo nên một mẫu hình tuyệt đẹp, một niềm cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, mà trước hết với những em gái, người trẻ đam mê, gặp hoàn cảnh. Họ xứng đáng là những đóa hồng "thép".

Từ “Nữ hoàng"... bán khoai lang

Là con gái út của một gia đình nông dân nghèo ở đất khoai lang Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội), Bùi Thị Thu Thảo - cô gái chân ngắn có dáng vẻ khắc khổ này từng phải làm đủ thứ việc để giúp bố mẹ, từ làm đồng, đóng gạch tới phu hồ. Cũng chưa có VĐV nào phải trải qua nhiều “món” như Thảo, từ đá cầu, bơi, nhảy cao, chạy ngắn, 7 môn phối hợp trước khi trụ lại ở nhảy xa.

Ngay cả khi đã ổn định với nhảy xa, Thảo cũng phải mất 6 năm mới giành được thành tích quốc tế đầu tiên, với tấm HCĐ SEA Games 2015. Thậm chí lúc đã tạo nên bước ngoặt với cú nhảy xuất thần đoạt HCB ASIAD 2014 thì phận “bạc “ tiếp tục đeo bám Thảo, đơn giản bởi chị luôn phải chạm trán với “cơn ác mộng” mang tên Maria Londa người Indonesia. Liên tiếp các giải đấu sau đó, ví như SEA Games 28, Thảo phải rơi nước mắt nhận HCB.

Phận “bạc” ấy không thể làm Thảo nhụt chí, mà ngược lại càng khiến cho cô gái vàng của hố nhảy xa càng trở nên mạnh mẽ, xuất sắc. Thảo lao vào tập luyện, với quyết tâm và nỗ lực cao độ, được thể hiện qua 5-7 tiếng đồng hồ mỗi ngày phơi mặt bên hố nhảy. Thậm chí, lúc đã kết hôn, vợ chồng chị cũng chấp nhận cảnh xa nhau biền biệt, “nhịn” sinh con cũng để Thảo tập trung hết tâm sức cho cuộc chinh phục Vàng.

cả được kết đọng bằng bước đột phá về chuyên môn, cũng như bản lĩnh thi đấu của Thảo, kể từ 2017, với thông số trong tập luyện đã vượt mức đỉnh cao châu lục tới cả chục cm. Và theo một cách vô cùng đẳng cấp của một đấu thủ luôn làm chủ cuộc đấu, nữ tuyển thủ chỉ cao 1m65 ấy đã giành những chiến thắng liên tiếp, từ giải châu Á ngoài trời lẫn trong nhà, SEA Games cho tới ASIAD. Trong đó, tấm HCV của Thảo tại SEA Games được đánh giá góp phần quan trọng mang tới vị thế, diện mạo mới cho thể thao nước nhà.

Còn nhớ sau khi đăng quang tại ASIAD, Bùi Thị Thu Thảo không cầm được những giọt nước mắt, với tiếng hét lên thật to, cùng với lời chia sẻ “con đã làm được rồi cha ơi”. Thảo tâm sự, trong mỗi buổi tập, nhất là trước khi thi đấu, bao giờ cô cũng nhớ đến hình ảnh người cha đau yếu luôn phải chống chọi với những cơn đau nhức xương tủy, trong căn nhà nhỏ ở vùng quê nghèo. Mục tiêu của Thảo khi đến với thể thao, đơn giản trước hết là để được lo ăn ở, có thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng đỡ đần bố mẹ. Ngay cả khi đã có thể tranh chấp thành tích, Thảo phấn đấu có huy chương cũng là để có tiền thưởng có tiền mua thuốc cho bố.

Nguồn sức mạnh, động lực ghê gớm để cô gái có biệt danh Thảo “Bò Vàng” cắn răng lao vào luyện tập trong cả chục năm ròng có một khởi nguồn đơn sơ, tự nhiên như thế. Trước Tết nguyên đán vừa rồi, mọi người đã dậy sóng trước cảnh “nữ hoàng nhảy xa” phải đi bán khoai. Còn với cô gái chân chất tuổi 27 này, điều đó cũng hoàn toàn bình thường với suy nghĩ đơn giản - Muốn có thêm thu nhập để lo cho cái Tết của gia đình.

Đến cô gái xứ Mường từ lưng trâu bay tới “đỉnh” châu lục

Tuy không phải đối mặt với những thử thách tới tận cùng như đàn chị Thu Thảo, song cô em ở cùng đội tuyển điền kinh Quách Thị Lan cũng tạo nên một hành trình chinh phục, một giấc mơ có thật, để từ đất Mường xứ Thanh “bay” tới đỉnh châu lục.

Cuộc sống của cô gái con nhà nông dân nghèo người dân tộc Mường này bị bó chặt với cuộc sống đầy lam lũ, vất vả, thiệt thòi, mà từ nhỏ đã phải làm đủ thứ việc giúp gia đình,chăn trâu, kiếm củi hay nấu mấy nồi cám khổng lồ cho đàn lợn cả chục con. Người dân nơi đây quá quen với hình ảnh Lan trên lưng trâu, với một bó củi to đùng phi từ đồi về nhà.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Được phát hiện từ một giải phong trào cấp huyện năm 14 tuổi, thiếu nữ sinh 1995 đã lập tức đồng ý rời nhà lên tỉnh tập luyện vì vừa được bao cấp ăn ở, lại có thêm vài trăm nghìn mỗi tháng gửi về nhà. Cũng chính từ suy nghĩ giản dị ấy, Lan lao vào tập luyện miệt mài đến mức mê mải, để rồi những tố chất cùng sức vóc hơn người đã sớm phát lộ một cách đáng kinh ngạc.

Năm 2012, tức chỉ sau đúng 3 năm ăn tập, thiếu nữ có sức vóc hơn người ấy đã đạt tới trình độ đủ để được giao phó trọng trách giành Vàng SEA Games, thậm chí châu lục. Và kể từ đây, nghiệp đầu của tuyển thủ họ Quách đã luôn song hành giữa ranh giới của chiến thắng cùng thất bại.

Kỳ SEA Games đầu tiên của mình, năm 2013, tài năng 18 tuổi đã phải nếm trải nỗi đau và sự nuối tiếc để đời khi để vuột tấm HCV 400m rào nữ tưởng như trong tầm tay. Dù sớm vượt lên dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ song chẳng hiểu tại sao Lan lại đuối sức trong những mét cuối, quỵ ngã ngay trên vạch đích, bất tỉnh.

Chân chạy xứ Mường đã có thêm rất nhiều động lực, quyết tâm sau cú ngã đớn đau ấy, được thể hiện trong những buổi tập có khối lượng liên tục được nâng cao. Để rồi đúng một năm sau, tại ASIAD 2014, chị đã tạo nên cơn địa chấn với tấm HCB lịch sử ở đường chạy 400m nữ khi chỉ chịu thua đối thủ người Bahrain nhập tịch từ châu Phi.

Như một nghịch lý, từ kỳ tích châu lục, Lan được đầu tư chuyên biệt hơn, được kỳ vọng hơn, vẫn tập luyện hết sức chuyên nghiệp mà lại luôn bị thành công ngoảnh mặt. Sự xuống phong độ kéo dài tới 4 năm, có thời điểm tưởng như không thể cứu vãn. Việc không thể giành nổi tấm HCV cá nhân nào ở SEA Games là nỗi ám ảnh với Lan.

Điều quan trọng, Lan không bao giờ nản, thay vào đó cứ lặng lẽ rèn điểm mạnh, vượt điểm yếu cho một sự trở lại. Đó chính là 2018, khi Lan đã tạo nên một cuộc bùng nổ khó tin. Trong vai người đóng thế Nguyễn Thị Huyền bất ngờ nghỉ thi đấu, Lan đã có một màn trình diễn siêu hạng trên đường chạy 400m rào, để giành tấm HCB, cũng chỉ chịu thua một đối thủ người Barain nhập tịch châu Phi khác. Ngoạn mục không kém, Lan còn làm đầu tàu để mang về cho điền kinh Việt tấm HCĐ nội dung tiếp sức 4x 400m nữ.

Thành quả phi thường của Lan có thể còn ngọt ngào hơn nhiều với cơ hội lớn để trở thành nhà vô địch ASIAD khi đối thủ người Barain nhập tịch châu Phi giành Vàng trên đất Indonesia có mẫu thử A dương tính với chất bị cấm, đối diện với việc bị tước huy chương.

Trước bộ đôi Thảo – Lan, thể thao Việt Nam từng vinh dự có một đại diện được Forbes bình chọn vào danh sách 50 phụ nữ Việt Nam có ảnh hưởng nhất, chính là siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, năm 2007. Khi đó, ở tuổi 20, tuyển thủ đoạt tới 8 HCV SEA Games 28, có sức lan tỏa và hiệu ứng vô tiền khoáng hậu này cũng là gương mặt trẻ nhất được vinh danh.

Tường Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm