Ghi chép: Tôi đi xem Kempo

19/12/2013 12:46 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Xuất phát từ Nhật Bản được đưa vào giới thiệu từ SEA Games 24, lúc ấy mới biểu diễn và SEA Games 26 là thi đấu chính thức, đây là môn thi đấu thú vị, nhiều cảm xúc đặc biệt. Ghi chép sau đây của chúng tôi sẽ giúp bạn khám phá một phần nào đó môn thể thao này.

Nhà thi đấu National Indoor lèn kín khán giả. Một không khí Nhật Bản bao trùm, mà kiểu cúi đầu rồi chắp tay chào nhau theo cung cách võ sỹ đạo đã nói lên tất cả.

Phong vị Nhật Bản

Trọng tài ăn mặc kiểu võ sỹ đạo, trước bụng mang cái thắt lưng to như sợi dây thừng. Mỗi tổ trọng tài gồm 5 người. 4 trọng tài biên ngồi 4 góc trên tay cầm hai lá cờ hai màu khá to (nội dung đối kháng), dùng để phất báo điểm cho trọng tài chính. Ở nội dung biểu diễn, 4 vị này lại đều sử dụng iPad để ghi chép thông số kỹ thuật và chấm điểm, sau đó trình lên trọng tài chính.

Mỗi lần hội ý, trọng tài lại di chuyển, mỗi trận đấu thì rất nhiều lần phải hội ý, cũng căng thẳng lắm. Trọng tài Kempo chấm điểm thiên về cảm tính, cả đối kháng lẫn biểu diễn. Mà đã cảm tính thì việc cảm tình hay không thiện chí là hoàn toàn có thể xảy ra. Tôi chứng kiến các cô gái Myanmar khóc như ri vì cho rằng trọng tài đã xử ép họ.



Kempo mà môn võ truyền thống xuất xứ từ Nhật Bản. Ảnh: Quang Nhựt

Ở nội dung đối kháng, mỗi trận đấu kéo dài 2 phút (không có nghỉ giữa trận). Mỗi đòn trúng đích được cộng 5 điểm. Nếu võ sỹ nào giáng hai đòn liên tiếp ghi 10 điểm (như đòn A-waya-ri) được xem như đòn ippon (knock-out) trong Judo thì thắng cuộc, bất kể thời gian thi đấu hết hay chưa. Nếu hòa thì đấu tiếp trận phụ cũng dài hai phút, cũng sử dụng luật như “bàn thắng vàng”, có nghĩa ai ra đòn ghi điểm trước sẽ giành phần thắng. Nếu vẫn hòa thì trọng tài xét ưu thế, võ sỹ nào chơi tấn công nhiều hơn sẽ thắng cuộc. Đặc biệt ở chỗ, Kempo cho đấm vào mặt thoải mái, đấm vùng khác không được tính điểm. Đòn đá cũng phải trúng giáp mới ghi điểm.

Shorinji Kempo là một môn võ đạo với kỹ thuật thiên về phản công - tự vệ, được trên căn bản  môn phái Bắc Thiếu Lâm Nghĩa Hòa Môn Quyền. Kempo kết hợp với các kỹ thuật đã được cải tiến từ một số môn võ lớn khác như Karatedo, Judo, Aikido và Boxing

Ở nội dung biểu diễn, các võ sỹ trông xinh xắn hơn. Các chị em võ sỹ thì trước, sau khi thi đấu hay trong giờ giải lao đều xúm lại làm đẹp cho nhau.

“Quân ta" làm Kempo kiểu  có một không hai

Tại SEA Games 2011, Kempo chính thức được đưa vào nội dung thi đấu, nên dĩ nhiên Indonesia là nước đầu tư bài bản và có chiều sâu nhất khi họ mang quân sang Nhật Bản thời gian khá dài. Thế nên, trong khu vực Đông Nam Á, Kempo giờ chẳng khác gì là võ của Indonesia. Có thể cảm nhận rất rõ cái sự “oai” của các võ sỹ Indonesia ở nhà thi đấu. Họ luôn biết cách biểu dương lực lượng, làm cho mình nổi trội nhất, cả trong và ngoài thảm đấu.

Trở lại câu chuyện Kempo ở ta. Năm 2011, muốn có đội tuyển Kempo sang dư SEA Games 26, các vị lãnh đạo vò đầu xới tung cả làng võ lên để tìm HLV trưởng. Tìm mãi, cuối cùng HLV taekwondo lẫy lừng Hồ Nhất Thống được chọn.

“Đang yên lành, tự dưng phải làm thủ lĩnh môn lạ lẫm này là điều không phải dễ chịu với Thống. Sau SEA Games 2012, Ông rủ thêm vợ là Huyền Diệu (4 lần vô địch SEA Games) cùng “chung thuyền”. Và rồi, hai vợ chồng chiêu mộ quân kiểu “thập cẩm”, taekwondo, karatedo, võ cổ truyền, boxing, pencak silat… Chuẩn bị chớp nhoáng, thầy trò kéo nhau sang Indonesia. Thật bất ngờ khi đoạt được đến 4 tấm HCV.

Hôm qua HLV Hồ Nhất Thống nói rất thật rằng, vì có thành tích nên mới thực sự gắn bó với môn này. Hiện tại, nói là đội tuyển quốc gia nhưng quân toàn phía Nam, trong đó số đông có quê ở tỉnh lẻ. Tiền ăn mỗi tháng 3 triệu đồng, không còn khoản nào, nên các võ sỹ tỉnh lẻ đều phải sống nhờ tiền gia đình gửi hàng tháng.

Tân nhà vô địch Phạm Thị Kiều Duyên (Long An) là điển hình phải xin tiền gia đình hàng tháng. Tấm HCV này được 45 triệu đồng thưởng khung, rồi tiền thưởng lặt vặt chia ra 12 tháng trở nên rất quý giá với Duyên.

“Tôi dự định sẽ phát triển Kempo Việt Nam thật bài bản, muốn có thêm nhiều người học. Bởi, đây là môn võ đạo, chủ trương đào tạo những thanh niên có lòng dũng cảm, sức mạnh, sự khoan dung và tình yêu công lý để góp phần tái thiết quê hương”- Hồ Nhất Thống tâm sự.

Đúng thế, Shorinji Kempo là sự kết hợp độc đáo giữa võ đạo với giáo dục và tôn giáo. Đây là môn võ đạo duy nhất trên thế giới có trường đại học riêng và các kỳ thi lên cấp cho võ sinh có cả phần thi tự luận (thi viết, nội dung xoay quanh giáo lý Kongo Zen và triết học Phật giáo). Tất cả là để phục vụ mục tiêu ban đầu của “Khai tổ”, và cũng là mục tiêu duy nhất mà môn phái đã trung thành theo đuổi trong 64 năm qua.

Hôm qua sau khi giành HCV, Phan Thị Kiều Duyên và Phạm Thị Mão cũng có ước nguyện như thầy mình, mở lò đào tạo Kempo. Tôi thấy nhiều đồng nghiệp từ bỡ ngỡ cũng bắt đầu thích thú với Kempo.

Shorinji Kempo là một môn võ đạo với kỹ thuật thiên về phản công - tự vệ, được trên căn bản môn phái Bắc Thiếu Lâm Nghĩa Hòa Môn Quyền. Môn phái được Khai Tổ So Doshin- võ sư, nhà triết học, nhà giáo dục người Nhật Bản, truyền dạy như một phương pháp thực hành triết học Phật giáo, mà chủ yếu là giáo lý Kongo Zen (Kim Cương Thiền) do chính ông sáng lập.



HỮU QUÝ (Từ Yangon)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm