“Giải mật” Trân Châu Cảng sau 70 năm

08/12/2011 10:34 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 7/12, nước Mỹ đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày diễn ra vụ tấn công Trân Châu Cảng, sự kiện bị Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi đó gọi là “ngày ô nhục” và khiến đất nước cờ hoa buộc phải tuyên chiến với Nhật Bản, tham gia những cuộc giao tranh đẫm máu ở Thái Bình Dương. 

Sau 7 thập kỷ, ký ức của người Mỹ về cái ngày ê chề đó vẫn còn nguyên, cũng như rất nhiều thông tin hiểu lầm xung quanh sự kiện quan trọng này. Tờ Washington Post đã chỉ ra 5 hiểu lầm lớn nhất vẫn còn tồn tại.

1. Nước Mỹ không hề biết về khả năng Trân Châu Cảng bị tấn công

Dựa trên một số dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy Nhật Bản ngày càng tăng cường các hành động gây hấn, gồm vụ đánh chìm một tàu hải quân Mỹ trên sông Dương Tử và đứng về phe trục với Italia và Đức quốc xã. Washington đã gửi đi nhiều cảnh báo tới cho các chỉ huy quân đội ở khu vực Thái Bình Dương, khoảng vài ngày trước sự kiện 7/12.

Bộ Chiến tranh của Mỹ đã chặn và phân tích được nhiều đoạn tin mật gửi đi giữa Tokyo và Đại sứ quán Nhật Bản ở Washington. Dựa trên đó, cơ quan này từng cho rằng Nhật có thể tấn công Hawaii vào ngày 30/11/1941. Một tờ báo ở Hawaii thậm chí đã giật tít rất lớn, cảnh báo về khả năng xảy ra chiến tranh.

Vào ngày 4/12, Roosevelt đã nhận một bản ghi nhớ mật từ Phòng Tình báo Hải quân (ONI), mô tả các nỗ lực thu thập tin tức gián điệp của Nhật Bản. Khả năng nổ ra chiến tranh đã được ONI bàn tới và đưa ra nhận định: “Nhằm chuẩn bị cho khả năng gây chiến với chúng ta, Nhật Bản đang huy động toàn bộ các cơ quan của họ để thu thập các thông tin quân sự, hải quân và thương mại, đặc biệt tập trung ở khu vực bờ biển phía Tây, kênh đào Panama và vùng Hawaii".

Giới phân tích nói rằng những thông tin trên về bề ngoài tạo cảm giác nước Mỹ đã biết trước cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng. Thực tế chúng chỉ là các cảnh báo an ninh thông thường và Mỹ đã hoàn toàn bất ngờ khi hàng ngàn chiếc máy bay cùng một lượng lớn tàu chiến Nhật vượt qua hàng ngàn cây số tới Hawaii mà không ai phát hiện ra.

Trận Trân Châu Cảng đánh dấu việc Mỹ bắt đầu tham chiến
trực tiếp tại chiến trường Thái Bình Dương

2. Trong ngày 7/12, Nhật chỉ tấn công Trân Châu Cảng?

Mặc dù trận Trân Châu Cảng đã gây thiệt hại nặng nề cho Hải quân Mỹ và gây ra thương vong thuộc hàng lớn nhất, quân đội Nhật đã không dồn toàn lực cho trận này mà cùng ngày 7/12 còn tiến đánh Philippines,  đảo Wake, đảo Guam, Malaya, đảo Midway và Thái Lan. Chiến dịch Philippines kéo dài cho tới tận tháng 2/1942, khi đất nước này rơi vào tay người Nhật.  Tại đảo Wake, máy bay và tàu chiến Nhật đã thi nhau nã đạn cho tới ngày 11/12, mở đường cho bộ binh lên chiếm đảo. Guam bị chiếm vào ngày 10/12 và Malaya (giờ là Malaysia) rơi vào tay Nhật đầu năm 1943. Chỉ có Hawaii, Midway là các mục tiêu không gục ngã trước quân Nhật.

3. Quân đội Mỹ đã phản ứng nhanh và giành thắng lợi?

Thực tế trong nhiều tháng sau trận Trân Châu Cảng, quân Mỹ đã gặp hết thất bại này tới thất bại khác ở Thái Bình Dương. Có những tin đồn xuất hiện rằng ngay sau trận Trân Châu Cảng một hôm, Hải quân Mỹ đã truy đuổi các đội tàu tấn công của Nhật. Nhưng tin này hoàn toàn không chính xác. Tướng Douglas MacArthur, chỉ huy quân đội Mỹ ở Philippines, đã gửi cho Roosevelt một bức điện, khẩn cầu Hải quân hỗ trợ. Ông đề nghị các tàu ngầm Mỹ tấn công vào tàu Nhật đang đổ quân tới Philippines, nhưng đề nghị này đã không có hồi đáp. MacArthur nhận được rất ít sự hỗ trợ và Philippines nhanh chóng thất thủ.

Chiến thắng đầu tiên của Mỹ ở mặt trận Thái Bình Dương không xuất hiện cho tới tận tháng 2/1942, khi hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu tấn công các đảo Gilbert và Marshall.

Sự kiện đã khiến nhiều người Mỹ gốc Nhật bị phân biệt đối xử. Một người gốc Nhật đã thể hiện sự phản kháng bằng cách trưng lên tấm biển đề chữ viết hoa "Tôi là người Mỹ"  trước cửa hiệu của ông

4. Đòn trả đũa nhằm vào các công dân gốc Nhật

Nhiều người Mỹ tin rằng không có chuyện các công dân gốc Nhật bị trả đũa sau vụ Trân Châu Cảng. Song chỉ 48 giờ sau sự kiện trên, hơn 1.000 người Mỹ gốc Nhật, gốc Đức và Italia - tất thảy bị xem là "những kẻ ngoại lai tới từ đất nước của kẻ thù", đã bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ. Người gốc Nhật sau đó phải chịu những sự phân biệt đối xử tệ hơn cả.

Theo lệnh của Công tố viên trưởng Francis Biddle, tất cả người Mỹ gốc Nhật phải giao nộp cho nhà chức trách máy ảnh, thiết bị phát thanh truyền hình. Tài khoản ngân hàng của họ bị phong tỏa và họ bị giới hạn đi lại. Ngoài ra, họ còn thường xuyên bị nhà chức trách thẩm vấn hoặc giam giữ.

Tới cuối cuộc chiến, chính quyền Mỹ đã thẩm vấn, bắt giữ hoặc hạn chế đi lại của hàng trăm ngàn người. Người Mỹ gốc Nhật chiếm đa số trong 120.000 người bị Mỹ đưa tới các trại cải tạo giam giữ. Ngay cả các nhà ngoại giao tới từ Đức, Nhật Bản và Italia cũng bị bắt giữ và giam cầm.

5. Yếu tố thúc đẩy Mỹ tham gia Thế chiến II?

Vụ tấn công Trân Châu Cảng chỉ thuyết phục người Mỹ ủng hộ việc tham gia "một phần" Thế chiến II, chứ không dồn toàn tâm toàn ý cho nó. Nguyên nhân do trước đó, Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập và hoàn toàn không muốn dính líu tới một cuộc chiến khác ở chiến trường châu Âu. Phong trào America First (tạm dịch Ưu tiên nước Mỹ) cổ súy cho chủ nghĩa này đã nhận được sự ủng hộ của công chúng và nhiều nhân vật nổi tiếng như Charles Lindbergh, Walt Disney. Nhưng sau trận Trân Châu Cảng, họ đã ngừng hoạt động.

Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson từng thảo ra một bản tuyên chiến với Nhật Bản, Đức và Italia để Roosevelt chuyển tới Quốc hội trong ngày 8/12. Nhưng văn bản này sau đó đã bị hủy bỏ và đích thân Roosevelt chỉ yêu cầu một văn bản tuyên chiến với duy nhất Nhật Bản. Vì thế, trận Trân Châu Cảng là động lực khiến nước Mỹ thức tỉnh sau giấc ngủ dài để tham gia cuộc chiến Thái Bình Dương. Nhưng Mỹ không tiến vào chiến trường châu Âu, cho tới khi bị cả Đức và Italia tuyên chiến trong ngày 11/12, buộc Roosevelt phải có phản ứng cứng rắn đáp trả.

Tường Linh (Theo Washington Post)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm