25/10/2020 22:23 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 25/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 43.058.623 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.156.243 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 31,7 triệu người.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với 8.831.449 ca nhiễm và 230.086 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 88.973 ca mắc COVID-19 và 906 người tử vong. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày. Ông Marc Short, Chánh Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là quan chức mới nhất trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump bị virus này tấn công.
Colombia đã trở thành quốc gia tiếp theo ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt qua mốc 1 triệu, cụ thể là 1.007.711 ca, trong đó có 30.000 ca tử vong. Như vậy, tính đến nay, Colombia là nước đứng thứ tám trên thế giới về số ca mắc, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga, Argentina, Tây Ban Nha và Pháp.
Hiện châu Á là khu vực đứng thứ hai thế giới về tổng số ca mắc COVID-19, chỉ sau khu vực Mỹ Latinh. Theo trang thống kê worldometers.info, với trên 13 triệu ca mắc, châu Á chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 43 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Với hơn 233.000 người tử vong, châu Á chiếm khoảng 21% tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu.
Khu vực Nam Á đứng đầu là Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 khi ghi nhận gần 21% tổng số ca mắc toàn cầu và số ca tử vong chiếm 12%. Tuy nhiên, các ca nhiễm tại Ấn Độ đang có chiều hướng giảm. Số liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết sáng 25/10, nước này ghi nhận 50.129 ca trong 24 giờ qua. Hiện tổng số người mắc COVID-19 ở nước này là hơn 7,86 triệu, trong đó có 118.534 trường hợp tử vong, tăng thêm 578 ca so với 1 ngày trước đó.
Indonesia, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 tại Đông Nam Á, ghi nhận thêm 3.732 ca mắc mới trong ngày 25/10, nâng tổng số ca mắc lên 389.712 ca. Số ca tử vong tại nước này tăng thêm 94 ca lên 13.299 ca.
Bộ Y tế Philippines công bố thêm 2.223 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 370.028 ca. Số ca tử vong tại quốc gia này tăng thêm 43 ca lên 6.977. Trong khi đó, số ca bình phục tăng thêm 14.944 người lên 328.036 ca.
Châu Âu đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai và nhiều nước buộc phải áp đặt một loạt các biện pháp chống dịch mới. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, theo đó hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép mở cửa từ 5h - 18h hằng ngày, với tối đa 4 người mỗi bàn. Sắc lệnh cũng cấm các khu vui chơi giải trí, nhà hát, rạp chiếu phim, phòng tập thể thao, bể bơi, … hoạt động. Tính đến ngày 25/10, tổng số ca mắc COVID-19 tại Italy là 504.509 trường hợp, trong đó có 37.210 ca tử vong.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia, trong đó tất cả các vùng, trừ quần đảo Canary, sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 23h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Tây Ban Nha là một trong những nước có số ca mắc cao nhất tại Tây Âu với tổng cộng ca 1.110.372 ca mắc, trong đó có 34.752 ca không qua khỏi.
Một số nước châu Âu khác ghi nhận số ca mắc mới tăng hơn 10.000 ca trong ngày. Nhà chức trách Nga xác nhận thêm 16.710 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.513.877 ca kể từ đại dịch bùng phát. Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 229 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 26.050 ca. Giáo sư nghiên cứu về virus Viktor Zuev tại Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh quốc gia Gamaleya (Nga) cho rằng dịch COVID-19 có thể ổn định vào mùa Hè tới.
Viện Robet Koch Đức thông báo số ca mắc tại nước này tăng thêm 11.176 ca lên 429.181 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng lên 10.032 ca sau khi ghi nhận thêm 29 ca mới.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Lan tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, với hơn 10.203 ca trong 24 giờ qua. Như vậy, quốc gia Tây Bắc châu Âu này đã ghi nhận tổng cộng 291.254 ca mắc, trong đó có 7.046 tử vong.
Trong khi đó, Chính phủ Hungary thông báo đã ghi nhận thêm 3.149 ca mắc mới trong ngày 25/10. Đây là ngày Hungary xác nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay và lần đầu tiên vượt 3.000 ca/ngày. Theo đó, tổng số ca mắc tại quốc gia 10 triệu dân này tăng lên 59.247 ca.
Bộ Y tế Slovakia công bố thêm 3.042 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới tại nước này tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đến nay, Slovakia có tổng cộng 43.843 ca mắc, trong đó có 159 ca tử vong.
Cùng ngày 25/10, Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov đã trở thành lãnh đạo chính trị mới nhất có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây COVID-19.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo hiện có quá nhiều quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân các ca mắc COVID-19 và điều này khiến các bệnh viện và hệ thống chăm sóc đặt biệt đang phải hoạt động gần bằng hoặc quá công suất. Người đứng đầu WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động lập tức để ngăn chặn những cái chết không đáng có tiếp theo.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất