50 ngàn người đi cướp mộ cổ…

29/10/2012 10:31 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Nằm bên bờ sông Danube, khu vực Tây Bắc Bulgaria là phế tích còn lại của một khu định cư La Mã cổ đại mang tên Ratiaria, nơi chứa những di sản văn hóa vô giá. Thế nhưng nơi này đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi những kẻ đào mộ.

Tới Ratiaria những ngày này, người ta có thể thấy nơi đây xuất hiện chi chít các miệng hố, bằng chứng của một tai họa đang đe dọa kho báu cổ vật có giá trị thuộc hàng lớn nhất thế giới.

Cuộc chiến không cân sức

Nhà khảo cổ Krasmira Luka, người lãnh đạo một đội khảo cổ đang nghiên cứu phế tích rộng 80 ha này, cho biết nó thường xuyên bị những tên cướp mộ tấn công.

Bọn cướp thường đào vào trong các ngôi mộ để tìm kiếm các đồng tiền và đổ trang sức cổ có giá trị cao. Những thứ khác, bao gồm nhiều vò gốm vô cùng quý giá và các hiện vật chứa nhiều thông tin lịch sử khác, thường bị những kẻ xấu này đập thành nhiều mảnh nhỏ.

“Ratiaria có giá trị vô cùng lớn lao về mặt khảo cổ như lịch sử, không chỉ có tầm quan trọng đối với nhà nước Bulgaria mà còn với khu vực và cả cộng đồng quốc tế trong việc nghiên cứu Đế chế La Mã” - Jamie Burrows, một nhà khảo cổ ở Đai học Nottingham đã dành vài năm làm việc ở Ratiaria cho biết.

Còn với Luka, "phá hủy di chỉ Ratiaria không chỉ là một tội ác, đó là một thảm kịch không thể sửa chữa được”. Bà chỉ cho phóng viên AP thấy những mảnh gốm hoặc mảnh thủy tinh, những gì còn lại sau màn đập phá của bọn cướp mộ, đang nằm vung vãi ở di chỉ. Bà cho biết, ban ngày các nhà nghiên cứu làm việc tại phế tích, ban đêm những kẻ cướp tìm tới đây đập phá. Đó là một cuộc chiến không cân sức.

Những đồng tiền vàng và đồng nằm trong số 5.000 cổ vật giá trị thời La Mã mới được chính quyền Bulgaria thu hồi từ tay bọn cướp mộ và trưng bày vào tháng 10 vừa qua
Cướp phá di sản

Nằm ở điểm giao cắt của nền văn minh cổ, Bulgaria được các học giả đánh giá là chỉ đứng sau Hy Lạp và Italia về sự giàu có của các cổ vật ở châu Âu. Ngoài một lượng lớn các phế tích của những khu định cư thời Neolithic, Chalcolithic và thời Đồ Đồng, còn có các di chỉ khảo cổ thuộc về thời La Mã, các trung tâm đô thị thời Byzantine.

Có lẽ đáng chú ý nhất trong các di chỉ khảo cổ ở Bulgaria là những gì còn sót lại của Thracia, một vương quốc hùng mạnh chỉ chịu khuất phục dưới bàn tay Alexander Đại đế và người La Mã. Các di chỉ Thracia nổi tiếng nhất ở Bulgaria là những hầm mộ và những gò mai táng, vốn chứa nhiều hiện vật chôn kèm người chết bằng vàng và bạc có thể khiến người ta sửng sốt.

Nhưng Bulgaria đã bất lực trong việc ngăn chặn hoạt động cướp bóc di sản văn hóa của nước này, vốn còn khiến ngành công nghiệp du lịch ở quốc gia vùng Balkan chịu thiệt hại lây. Các báo cáo của cảnh sát cho thấy mỗi ngày có tới 50.000 người tham gia vào các cuộc cướp mộ trên khắp đất Bulgaria, một quốc gia chỉ có vẻn vẹn 7,3 triệu người.

Theo Angel Papalezov, một sĩ quan cảnh sát cao cấp, hàng trăm ngàn cổ vật đã bị tuồn ra khỏi đất nước này mỗi năm và các tay buôn bán chợ đen đã mua lại số cổ vật trị giá tới 40 triệu USD mỗi năm.

Trong khung cảnh đó, Ratiaria là bằng chứng sống động nhất về nạn cướp phá các di chỉ khảo cổ đã diễn ra trong vòng 20 năm qua.  Hồi đầu tháng 10, khoảng 5.000 hiện vật thời La Mã đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Sofia. Chúng đã được thu giữ tại một điểm giao biên giới với Serbia, chỉ cách Ratiaria có vài cây số. Khi giới thiệu về bộ sưu tập, Giám đốc Bảo tàng Bozhidar Dimitrov nói rằng ông rất vui vì đã lấy lại được những cổ vật quý giá này. Nhưng ông cũng rất buồn vì nó là bằng chứng về việc nạn cướp phá di sản quốc gia ở Bulgaria đã lớn tới đâu.

Tổ chức thành băng nhóm mafia

Trước đây, các di chỉ khảo cổ ở Bulgaria được bảo vệ khá chặt và kẻ nào phạm luật sẽ bị trừng phạt nặng. Kể từ khi chính quyền cũ ở Bulgaria sụp đổ, sự quản lý chặt không còn nữa và nhiều người đã coi cướp mộ là nguồn kiếm sống chính của họ.

Được tổ chức bởi các băng mafia địa phương, các nhóm cướp mộ đã mọc lên như nấm trên khắp đất nước và thậm chí được trang bị rất tốt với máy dò kim loại, máy ủi, máy kéo và thậm chí là các xe quân sự đã bị thải loại.

Luka cho biết việc chống lại những kẻ cướp mộ rất khó khăn. Nếu bị bắt quả tang đang vận chuyển cổ vật, chúng thường giải thích rằng mình đang mang cổ vật tới giao nộp cho nhà chức trách. Do không ngăn chặn được nạn cướp mộ nên các đồng tiền vàng và nhiều cổ vật thời La Mã ở Ratiaria đã được tìm thấy trong các nhà đấu giá và các bộ sưu tập cổ vật trên khắp thế giới.

Luka đã lể lại chuyện về 3 người đàn ông từ làng Archar gần đó đã tìm thấy một đồng tiền vàng và bán nó lại cho các tay buôn lậu với giá 1.500 euro, một số tiền bằng với 4 tháng lương trung bình ở Bulgaria. Nhưng chỉ vài tháng sau, cũng chính đồng xu này lại được bán ở Đức với giá cao hơn thế rất nhiều lần.

“Nhưng không chỉ có những kẻ cướp mộ phải chịu trách nhiệm cho sự mất mát di sản. Có rất nhiều nằm trong đường dây và họ được sự bảo vệ cao nhất” - Luka nói.

Bà Luka cho biết trong 2 thập kỷ qua, các băng tội phạm có tổ chức thường hối lộ cảnh sát, các cơ quan công tố và giới chức địa phương, những người đã bao che cho hành vi phạm pháp của chúng. Những kẻ bị bắt và bị tuyên án thường chỉ là những “con tốt” trong đường dây của tội phạm có tổ chức. Vì lẽ đó, việc ngăn chặn và tiêu diệt những đường dây tội ác đang phá hủy di sản văn hóa giá trị của Bulgaria đã chỉ còn là giấc mơ xa xôi với những con người tâm huyết với việc bảo vệ văn hóa nơi đây.

Tường Linh (Theo AP) 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm