Thế giới hơn 204 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 4,3 người tử vong

11/08/2021 08:57 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 11/8 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 204.722.966 ca mắc COVID-19 và 4.325.692 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 183.855.131 ca.

Dịch Covid-19 hôm nay: Thêm 4.802 ca mới, kỷ lục tiêm hơn 1,4 triệu liều vaccine trong 1 ngày

Dịch Covid-19 hôm nay: Thêm 4.802 ca mới, kỷ lục tiêm hơn 1,4 triệu liều vaccine trong 1 ngày

Bản tin dịch COVID-19 sS19, TP Hồ Chí Minh nhiều nhất với 2.128 ca. Trong ngày có 1.408.453 liều vaccine COVID-19 được tiêm, nâng tổng số liều đã được tiêm ở nước ta lên hơn 11,3 triệu

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với 36.891.931 ca mắc, trong đó 634.662 ca tử vong. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh của một số nước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo cập nhật thông tin về cảnh báo đi lại đối với một số quốc gia này.

Theo đó, Mỹ đã hạ cảnh báo đi lại tới Canada từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2 trong khi đó lại nâng mức độ cảnh báo đi lại đối với một số quốc gia bao gồm Áo, Kenya và Việt Nam lên cấp độ 3.

Tại khu vực châu Á, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới vượt 2.000 ca. Theo hãng thông tấn Yonhap, trong vòng 24 giờ tính đến 21h ngày 10/8 (giờ địa phương), Hàn Quốc có thêm 2.021 ca mắc mới, tăng gần 50% ghi nhận cùng thời điểm của một ngày trước đó. Trong số các ca mắc mới có 1.380 ca thuộc khu vực đô thị Seoul. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc hiện là 2.134 ca.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại thành phố Ulsan, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Ở châu Âu, Anh ngày 10/8 ghi nhận 146 ca tử vong, đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất tại nước này kể từ ngày 12/3, do tác động của sự gia tăng các ca mắc mới vào tháng trước. Theo số liệu của Chính phủ Anh, số ca mắc mới trong ngày 10/8 tại nước này đã giảm xuống còn 23.510 ca, so với 25.161 ca vào ngày 9/8.

Con số này chưa bằng một nửa so với mức đỉnh 54.674 ca được ghi nhận vào ngày 17/7, 2 ngày trước khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ hoàn toàn tại vùng England. Tuy nhiên, các ca mắc mới bắt đầu tăng trở lại, với 196.047 người Anh mắc COVID-19 trong tuần qua, cao hơn 7% so với tuần trước và là số ca mắc trong tuần cao nhất trong tháng.

Tại khu vực Trung Đông, số ca nhiễm mới tại Israel đã tăng cao trước ngày tựu trường với hơn 6.000 ca/ngày trong bối cảnh nhiều trường học đã kết thúc kỳ nghỉ Hè nhưng số lượng công dân được tiêm phòng vẫn chưa đạt tỷ lệ yêu cầu. Theo thống kê của các cơ quan chức năng Israel, nước này đã ghi nhận 6.275 ca mắc mới, cao nhất kể từ đầu tháng 2, khi Israel đang ở thời kỳ đỉnh dịch. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính lên tới gần 5% cũng là mức cao nhất trong 5 tháng qua. Số ca nặng cũng tăng 394 ca, trong đó 64 ca đang phải dùng đến thiết bị trợ thở.

Giới chức Israel hiện đang lo ngại làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta gây ra sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát khi mùa tựu trường của các học sinh, sinh viên đang đến gần sau kỳ nghỉ Hè. Mặc dù đã có 63% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine, song học sinh dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm và đang là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chưa kể hiện vẫn còn hơn 1 triệu người trưởng thành dù thuộc diện phải tiêm phòng nhưng vẫn không chịu đi tiêm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Ramat Gan, Israel. Ảnh: THX/ TTXVN

Ở khu vực Nam Mỹ, Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou thông báo sẽ mở cửa trở lại biên giới cho những người nước ngoài sở hữu bất động sản tại quốc gia này kể từ ngày 1/9 tới và 2 tháng sau đó sẽ cho phép tất cả các công dân nước ngoài được nhập cảnh trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát và chương trình tiêm chủng đã đạt được những kết quả khả quan.

Theo quyết định của Chính phủ Uruguay, quyết định trên sẽ được áp dụng cả đối với vợ hoặc chồng và con cái của các chủ sở hữu bất động sản người nước ngoài trên lãnh thổ nước này. Cùng với đó, những đối tượng này khi nhập cảnh đều bắt buộc phải có xác nhận đã hoàn tất chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và kết quả xét nghiệm PCR âm tính, trừ trường hợp các bé nhỏ tuổi chưa được phép tiêm vaccine.

Trong giai đoạn 2, kể từ ngày 1/11 tới, tất cả những người nước ngoài đã hoàn tất việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được phép nhập cảnh bình thường. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Mỹ Latinh hồi tháng 3/2020, Chính phủ Uruguay đã đóng cửa biên giới hoàn toàn với tất cả các đối tượng là người nước ngoài. Tổng thống Lacalle Pou cũng cho biết sẽ cho phép một số lượng khán giả nhất định được vào sân cổ vũ các trận đấu bóng đá kể từ tuần tới, sớm hơn so với dự định được đưa ra ban đầu là cuối tháng 8 này.

Hiện nay có 73% trong tổng số 3,5 triệu người dân Uruguay đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và có tới 65% đã hoàn tất 2 mũi vaccine. Tổng thống Lacalle Pou khẳng định nước này cũng chuẩn bị nhập thêm gần 1,5 triệu liều vaccine của Pfizer nữa trong thời gian từ nay đến tháng 9 và số người được hoàn tất chương trình tiêm chủng sẽ lên tới trên 75% khi bắt đầu mở cửa cho người nước ngoài nhập cảnh.

Cùng với đó, Chính phủ Uruguay cũng dự kiến sẽ triển khai chương trình tiêm mũi thứ 3 tăng cường bằng vaccine của Pfizer cho tất cả những ai đã được tiêm vaccine của CoronaVac do Trung Quốc sản xuất. Đến nay, Uruguay đã ghi nhận 382.607 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.989 trường hợp tử vong. Điểm đáng chú ý, hôm 7/8 là ngày đầu tiên trong năm nay quốc gia Nam Mỹ này không ghi nhận bất kỳ trường hợp mắc mới nào.

Tại châu Phi, giới chức Nigeria cho biết nước này sẽ tái khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 16/8 tới sau khi nhận 4 triệu liều vaccine của Moderna, trong khi các lô vaccine của Johnson & Johnson cũng sắp được bàn giao. Cho đến nay, chỉ một phần nhỏ trên tổng số hơn 200 triệu người dân của Nigeria được tiêm vaccine, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn cung.

Dữ liệu mới nhất vào tháng 6 cho thấy chỉ khoảng 2 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi, trong đó 700.000 người đã tiêm đủ 2 liều. Việc triển khai tiêm vaccine tại Nigeria đã bị tạm dừng vào ngày 9/7 vì cạn kiệt nguồn cung. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, đến nay Nigeria đã ghi nhận khoảng 175.000 trường hợp nhiễm COVID-19 và hơn 2.000 trường hợp tử vong, nhưng số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều do quá trình xét nghiệm không đồng bộ.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm