Bóng đá phủi và những câu chuyện bên lề

16/05/2013 19:37 GMT+7 | Các giải khác

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ sau khi trào lưu mở hệ thống các sân bóng cỏ nhân tạo du nhập vào Việt Nam, bắt đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh, rồi nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc, bóng đá phong trào thực sự nở rộ.

Đẳng cấp như dân phủi

Một cầu thủ được cho là dân phủi, không thể chỉ khoác áo một, hai đội bóng phong trào quanh năm suốt tháng. Phủi chuyên nghiệp có giá chuyển nhượng đàng hoàng và có cả lương cứng, cũng như phí ra sân, gọi là xăng xe. TP.HCM, địa phương đi đầu cả nước trong việc phát triển bóng đá phong trào, cũng như hệ thống các giải đấu quy mô được tổ chức hàng năm, có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn “phủi thủ” chuyên nghiệp. Nhưng quy tụ lại, chỉ có chừng năm, bảy chục người được cho là có số má, là những người chiến thắng thường xuyên nhất tại các giải đấu mà họ nhẵn mặt.



Khai mạc giải Hà Nội Premier League 2013. Ảnh: V.S.I

Một câu chuyện có thật kể rằng, đội hình “tiểu” Arsenal (khu vực quận 12, TP.HCM), với tập hợp của rất nhiều những cầu thủ nhỏ con, nhưng kỹ thuật cực kỳ điêu luyện, đã có lần thách đấu đội tuyển futsal quốc gia đá “độ”, với tiền cược lên đến 30 triệu đồng/trận, nhưng đối tác đã lắc đầu. Theo tính toán của huấn luyện viên kiêm cầu thủ Huỳnh Anh Lộc (tức Lộc “ma”), nếu đá sân cỏ nhân tạo năm hay bảy người, “tiểu” Arsenal nắm chắc phần thắng, nhưng khi vào sân bóng trong nhà (tức futsal truyền thống), có thể họ sẽ đánh mất lợi thế so, bởi đội tuyển futsal quốc gia chuyên trị mặt sân này.

Bình thường khi không có giải đấu, những cầu thủ phủi “chuyên nghiệp” tản ra chơi cho rất nhiều các đội bóng khác nhau để duy trì thể lực, cũng như cảm giác bóng. Những đội bóng như Anh Em FC, Phi Mã FC, Báo Đáp FC (đội bóng là tập hợp của cộng đồng người gốc Báo Đáp, Nam Trực, Nam Định đang sinh sống tại TP.HCM), Tân Mỹ FC hay Đoàn Kết FC…, ở mạn Tân Phú, Bình Tân, tập hợp rất nhiều hảo thủ. Với quỹ đất rộng, khu vực này đang sở hữu rất nhiều hệ thống sân cỏ tự nhiên 11 người, mà cặp đôi sân bóng Tân Thắng - 19/5 (Tân Phú) là một ví dụ.

Khôn ngoan như phủi

Bóng đá phủi tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho những người tham gia địa hạt này theo kiểu bán thời gian. Tức là từ sân bóng đi thẳng vào công ty. Có thể là anh bảo vệ, cũng có thể là anh nhân viên bán hàng, thậm chí là trưởng phó phòng, với những dân phủi được ăn học tử tế. Trong hệ thống khách sạn Khải Hoàn, với nhân viên mát-xa hầu hết từng là cầu thủ của đội bóng này từng đá tới hạng Nhất quốc gia, nhà hàng Sơn Thủy (quận 3, TP.HCM) cũng thế, rồi nhân viên hệ thống các siêu thị Citi Mart, Coop Mart…

Dân phủi, sau khi đã định hình được đẳng cấp, rất nhanh chóng họ cũng được quy hoạch khu biệt hoặc tự quy hoạch. Một nhóm cầu thủ thường xuyên chỉ phục vụ cho một vài ông bầu, nhưng bất cứ lúc nào phát hiện có “lúa” (cách gọi tiền thưởng của dân phủi), là họ lại gọi nhau í ới về thi đấu. Muốn vậy, họ phải có những cánh chim đầu đàn. Nếu như Huỳnh Anh Lộc (“cơ trưởng” của “tiểu” Arsenal) được biết đến như anh cả nhóm mình, thì Tí Trung là “cap” của Heineken FC (đội bóng tập hợp toàn hảo thủ)… Tất cả đều rất nhạy trong việc săn tiền thưởng giải.

Nhưng ngay lúc này, những phủi chuyên nghiệp có thể ra đường, vỗ ngực và rằng: “Tôi làm nghề đá phủi”. Nghe hơi buồn cười, nhưng sự thật đấy! Dân phủi chuyên nghiệp, rất nhiều người đã từ chối cơ hội phát triển lên sàn diễn đỉnh cao, phần vì họ không muốn đánh cược với thời cuộc, nhưng cơ bản là sân chơi phong trào cũng có thể đem lại cuộc sống khá sung túc. Chỉ cần một lần đăng ký giải hạng Nhì trở lên, không phát tiết được, họ sẽ mất ít nhất hai năm ngồi chơi xơi nước, nếu muốn quay lại chơi hệ thống các giải đấu phong trào theo quy định. Thế nên chẳng dại!

Đằng sau vẻ hào nhoáng…

Là chấn thương và những hệ lụy kèm theo. Trong một chuyên đề cũng về bóng đá phủi cách đây vài năm, Thể thao và Văn hóa Cuối tuần từng đề cập đến hoàn cảnh của Đặng Quốc Trung, cựu cầu thủ MASECO, một dân phủi có số má, từng hai lần phải lên bàn mổ nối dây chằng chéo trước đầu gối. Quốc Trung khi ấy là ngôi sao của các giải đấu phong trào cho đến hạng A toàn thành, nhưng việc lạm dụng sức trẻ và không biết cách điều tiết mật độ thi đấu, khiến anh dính chấn thương nặng đầu đời. Sự nghiệp của Quốc Trung bắt đầu đi xuống từ đó. Bóng đá phủi cũng khắc nghiệt chẳng kém chuyên nghiệp.

Với những tiến bộ về y học thể thao, cùng quá trình tập vật lý trị liệu được nâng cấp, việc giúp một cầu thủ trở lại sân đấu sau phẫu thuật, không quá khó. Nhưng một ca nối dây chằng chéo trước hạng phổ thông lúc này, cũng có giá hơn 30 triệu đồng (không tính bảo hiểm) và đó là một số tiền đáng kể với dân đá phủi. Sau rất nhiều những tiền lệ, dân phủi bây giờ đã biết tính toán, điều tiết mật độ thi đấu hơn trước nhiều rồi.

Hà Nội Premier League (HPL) là giải bóng đá qui tụ 12 đội phủi hàng đầu Hà Nội, đá vòng tròn một lượt và có lên xuống hạng. Giải quy tụ nhiều gương mặt hảo thủ. Cường Quốc FC có Nguyễn Xuân Tú, Quốc Long (đang khoác áo Hà Nội T&T); Hanel có Thành Lương, Tuấn Thành (Công an Hà Nội cũ), Đặng Phương Nam (Thể Công cũ), cùng rất nhiều gương mặt đã và đang chơi chuyên nghiệp khác cũng đá giải này. Nói như thế để thấy, tỏa sáng ở sân chơi phủi chẳng phải đơn giản, đâu phải cứ ra chuyên nghiệp là vào đá phủi đã hơn hẳn về đẳng cấp, mà cứ vào sân là mướt cả mồ hôi, trầy vi tróc vảy chứ chẳng chơi.

Cùng thời điểm HPL được tổ chức tại Hà Nội, ở TP.HCM, Đại hội thể dục thể thao quận Phú Nhuận lần thứ bảy, Cúp TOTO, cũng diễn ra, quy tụ nhiều gương mặt gạo cội của bóng đá phủi Sài thành. Việc không giới hạn đẳng cấp chơi bóng (như HPL), khiến TOTO Cúp mùa này thực sự là sân sau cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Từ Duy Đông, Quốc Thanh, Mạnh Tú, Minh Chuyên, Minh Tuyên, đến Văn Khải, Lý Lâm Huy, Nhật Thanh, Ngọc Long… đều hội tụ về đây thi triển trong màu áo các câu lạc bộ khác nhau. Một giải đấu có chất lượng và một sân chơi bổ ích cho bóng đá cộng đồng.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm