Vì sao người da màu thống trị quần vợt nữ Mỹ?: Khi nhà Williams là tấm gương

29/01/2015 07:21 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Bán kết Australian Open 2015 là sự đối đầu giữa nội bộ Nga và nội bộ Mỹ. Trong khi cặp Maria Sharapova và Ekaterina Makarova là những tay vợt da trắng tóc vàng thì cặp Serena Williams và Madison Keys đều là những phụ nữ da màu.

Thành công quá lớn của chị em nhà Williams trong hơn một thập kỷ qua không chỉ mang lại niềm tự hào cho quần vợt Mỹ mà còn là một sự khích lệ rất lớn đối với các tay vợt da màu.

Những ngôi sao quần vợt Phi-Mỹ

Ở US Open 2013, Serena đã lọt vào vòng tứ kết bằng cách đánh bại tay vợt số 16 thế giới Sloane Stephens sau 2 set trắng. Đó là lần gần nhất mà các tay vợt Mỹ chạm trán nhau ở vòng 4 ngay tại Flushing Meadows kể từ năm 2008 khi chị em nhà Williams phải “giải quyết chuyện trong nhà”.

Đó cũng là màn “phục hận” của tay vợt số 1 thế giới trước Stephens bởi hồi tháng 1 đầu năm tại Australian Open, cô bị chính đối thủ tuổi teen ấy loại khỏi giải đấu. Ở thời điểm đó, người Mỹ đặt rất nhiều niềm tin và hy vọng vào Stephens.

Stephens giờ đã khác. Cô gái 21 tuổi này đang sa sút, tụt xuống thứ 33 thế giới và vừa bị loại ngay từ vòng 1 Australian Open 2015. Nhưng người Mỹ vẫn còn Madison Keys, một cô gái tuổi teen khác lại xuất hiện và sẽ đối đầu với đàn chị Serena ở bán kết này. Điều ấy đúng như dự đoán của báo chí Mỹ cách đây 2 năm. Họ nói rằng Mỹ sẽ có thêm nhiều Stephens khác theo sau Serena trong Top 100. Và điều đặc biệt là tất cả những cái tên ấy đều mang 2 dòng máu  Phi – Mỹ trong người.

Chị em nhà Williams đã mang một phong cách mới mẻ hoàn toàn cho quần vợt Mỹ. Trong khi những hậu bối của Andrea Agassi, Pete Sampras ngày càng tệ hại, thì Serena ở tuổi 33 vẫn cứ chinh phục hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác. Họ nhà Williams luôn khiến Hiệp hội quần vợt Hoa Kỳ phải nhắc tới mình một cách trọng vọng, kiêng nể không chỉ về chuyện thành tích, danh hiệu mà còn là tấm gương cho các học viện tennis trên khắp đất nước. Những cú trái tay, thuận tay, giao bóng của Serena trở thành một phần của giáo án giảng dạy.

Đợi chờ những Serena-Venus mới

Hãy lấy Sachia Vickery làm ví dụ. Dù rằng tay vợt 19 tuổi này vẫn chưa làm nên được chuyện gì nhưng chỉ khoảng 7 năm trước, cha của Serena và Venus, ông Richard Williams còn lớn tiếng khẳng định Vickery sẽ là Serena tiếp theo của thế giới. Trong khoảng một thập kỷ qua, việc xác định ai sẽ là tay vợt người Mỹ gốc Phi tiếp theo gặt hái thành công như cô em nhà Williams mỗi lúc càng trở nên khó khăn. Không phải vì sự khan hiếm tài năng mà là người Mỹ có quá nhiều sự lựa chọn.  

Ngoài Stephens, Vickery, người Mỹ còn đang trông chờ vào Victoria Duval, tay vợt 19 tuổi sinh ra ở Haiti nhưng lại được nuôi dưỡng tài năng ở học viện Atlanta’s RCS và IMG ở Bradenton, Florida. Cách đây 2 năm, Duval thậm chí còn gây sốc khi loại Samantha Stosur ngay trong lần đầu tham gia Grand Slam của mình đã khiến tất cả đều sững sờ. Thế hệ mới nhất gồm những Tornado Alicia Black và em gái của mình Trra Hurricane Black đều lấy cảm hứng từ cặp chị em Venus và Serena. Và biết đâu, trong tương lai những cô gái này có thể làm được kỳ tích tương tự?

Chuyện người da màu bị kỳ thị ở Mỹ vẫn là đề tài chưa bao giờ chấm dứt. Thế nhưng những tay vợt người Mỹ gốc Phi lại đang là tương lai của quần vợt đất nước này. 

Hiện trong Top 100 WTA, có tới 5 tay vợt là người Mỹ gốc Phi. Ngoài cặp chị em Serena và Venus Williams, đều là những cựu số 1 thế giới và nhà vô địch Grand Slam, còn có những Sloane Stephens (hạng 33), Taylor Townsend (hạng 99) và Madison Keys (hạng 35).

Trong khi Keys đã lọt vào bán kết Australian Open 2015 thì Stephens và Townsend đều đã bị loại ngay từ vòng 1. Cả Townsend và Keys đều là những tay vợt tuổi teen.


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm