01/02/2021 20:25 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Những xuất bản phẩm gắn với khái niệm “sách Tết” đang nối nhau ra đời trong 3 năm qua và khiến người ta nói về sự trở lại của một trào lưu từ... gần 1 thế kỷ trước.
Chính xác, trào lưu này mở ra từ cuốn Sách xem Tết năm Mậu Thìn (1928) của Tân Dân Thư quán và được cho là kết thúc vào năm 1957 với Sách Tết 1957 của Nhà xuất bản Xây dựng. Trong hơn 3 thập kỷ ấy, dù không xuất hiện quá liên tục, những cuốn sách được biên soạn gắn với nội dung quanh chữ “Tết” vẫn luôn có một lượng độc giả nhất định cho mình.
Từ “cột mốc” Đông A
“Khi bắt đầu Sách Tết, chúng tôi muốn khôi phục lại một truyền thống làm sách chưa xa. Dự án hy vọng người đọc sẽ chia sẻ với một món ăn tinh thần vừa mang hơi thở hôm nay, vừa lưu giữ phần nào phong tục và hương vị Tết xưa để ta cùng lắng lại khi đón Tết” - bà Hoài An, đại diện truyền thông Công ty sách Đông A cho biết.
Không kể tới sự xuất hiện của ấn phẩm Caro - Vui như Tết do Công ty sách Phương Nam ấn hành năm 2017 (vốn không gây được nhiều tiếng vang), Đông A chính là đơn vị xuất bản đi đầu trong việc phục hưng dòng sách Tết sau hơn 60 năm vắng bóng với Sách Tết Kỷ Hợi 2019. Ấn phẩm này mang tính chất của một hợp tuyển văn, thơ, nhạc, họa chủ đề mùa Xuân và ngày Tết, trong đó sự giao thoa truyền thông - hiện đại luôn được ưu tiên. Và như lời người trong cuộc, dù không quá kỳ vọng, 2.000 bản Sách Tết Kỷ Hợi 2019 của đơn vị xuất bản này lập tức được bán hết chỉ sau 2 tuần đã cho thấy tiềm năng đáng kể của thị trường.
Để rồi, trong năm 2020 tiếp theo, bên cạnh cuốn sách Tết thứ 2 của Đông A, người đọc được chứng kiến sự xuất hiện liên tiếp của những ấn phẩm mang dáng dấp sách Tết. Điển hình, cũng mang hình thức hợp tuyển thơ, văn, hội họa (nhưng dành cho... thiếu nhi), NXB Kim Đồng đưa ra Nhâm nhi Tết, như một sự nối tiếp cho những cuốn sách Tết vẫn thi thoảng được đơn vị thực hiện trong quá khứ. Thực tế, với sự tham gia của những tác giả có tiếng như Xuân Quỳnh, Trần Hoài Dương, Lý Lan… Nhâm nhi Tết năm 2020 cũng lập tức được in nối bản chỉ sau 2 tuần phát hành.
Ở mức độ đơn giản hơn, năm 2020 còn xuất hiện hợp tuyển Tết đoàn viên của Công ty Sống (thuộc AlphaBooks), với những bài viết về Tết từ góc nhìn của Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Đỗ Phấn, Văn Công Hùng, Nguyễn Trương Quý...
Đó là chưa kể một số ấn phẩm dù không theo hình thức tổng tập và bao quát như vậy nhưng cũng phù hợp với không khí ngày Tết như Tranh Tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt của Thái Hà Books hay Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa của Phương Nam…
Tới trào lưu sách Tết
Thực tế, việc tổ chức một xuất bản phẩm theo dạng sách Tết luôn gắn kèm những đặc thù riêng. Như chia sẻ từ những người trong cuộc, đây là dòng sách bán vào dịp năm mới nên có thời gian phát hành ngắn, và đòi hỏi sự chuẩn bị khá kỹ về nội dung để vừa mang không khí Tết, vừa có tính thời sự và nét độc đáo cho mình.
Đơn cử, để liên tục duy trì ấn phẩm này trong 3 năm qua, Công ty Đông A thường bắt đầu kế hoạch triển khai làm sách Tết ngay từ đầu năm mới. Ở đó, việc tuyển chọn nội dung được thực hiện bởi nhà văn Hồ Anh Thái, người có uy tín cao về chuyên môn lẫn khả năng phát hiện ra các tác giả mới. Còn ở phần mỹ thuật, Đông A thường mời những họa sĩ đương đại nổi tiếng như Thành Chương, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn… lẫn những họa sĩ trẻ có sức sáng tạo như Tạ Huy Long, Kim Duẩn, Thăng Fly… để minh họa cho các ấn bản.
“Trong ấn bản năm nay, bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như Ma Văn Kháng, Phạm Duy Nghĩa, Lương Xuân Đoàn, ấn bản của chúng tôi cũng xuất hiện một số cây bút lần đầu góp mặt như Yên Ba, Uông Triều, Đạt Nhân, Văn Thành Lê” - bà Hoài An cho biết. “Rồi, Sách Tết 2021 mở thêm chuyên mục Mỗi năm một họa sĩ từ năm nay, với những bức vẽ về trâu của họa sĩ Thành Chương là điểm khởi đầu. Ngoài ra, nếu 2 năm trước Sách Tết giới thiệu các bản nhạc vui tươi khi Xuân về, thì năm nay các bài bình nhạc lại mở ra khoảng lặng để suy nghĩ về số phận long đong của những nhạc phẩm như Mùa Xuân gọi của Trần Tiến, hay Mùa Xuân đầu tiên của Văn Cao”.
Tương tự, với ấn phẩm Nhâm nhi Tết Tân Sửu năm nay, NXB Kim Đồng cũng đưa vào những sáng tác mới của Trần Đức Tiến, Mã A Lềnh, Dương Thuấn… bên cạnh những cái tên đã quá quen thuộc như Tô Hoài, Võ Quảng, Huy Cận. Ngoài ra, những ấn phẩm Tết của đơn vị xuất bản này còn có thêm This is Tết, bản dịch tiếng Anh cuốn Đúng là Tết của Mai Ngô và Bùi Phương Tâm. Như chia sẻ, đây là bước đi cần có, sau khi Đúng là Tết được đón nhận rất tốt vào đầu năm 2020, với ý tưởng giới thiệu về cái Tết truyền thống cho tất cả trẻ em Việt Nam tại mọi nơi trên thế giới.
Sự nở rộ của sách Tết tại thị trường xuất bản có thể phần nào giải thích bằng việc văn hóa đọc tại Việt Nam đang bắt đầu đi lên trong những năm qua. Bên cạnh đó, sự xuất hiện liên tục của những “Hội chợ sách Xuân” hay “đường sách Xuân” tại các đô thị lớn trong thời gian vừa qua cũng là một nền tảng khá tốt để những cuốn sách này bán chạy.
Nhưng, việc duy trì những cuốn sách Tết thường niên có nội dung độc đáo, và không nhàm chán vẫn sẽ là một thách thức không nhỏ với các đơn vị xuất bản trong trào lưu này. Điển hình, năm 2021 này, nếu sách Tết có thêm sự góp mặt của những Mai Hà Books với Tết Việt Nam xưa hay Nhã Nam với truyện tranh Tết là nhất, nhất là Tết! thì Công ty Sống đã rút lui sau khi ra mắt Tết đoàn viên vào năm ngoái…
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất