Dự án phim Lý Công Uẩn có nguy cơ bị dừng lại?

17/06/2008 15:14 GMT+7 | Phim

(TT&VH Online) - Trong số báo ra ngày 8/6, ĐD Đỗ Minh Tuấn đã lên tiếng “phàn nàn” việc Giám đốc Hãng phim Truyện VN (HPTVN) Lê Đức Tiến triệu tập cuộc họp Ban Giám đốc và một số thành viên khác đề nghị chấp thuận việc ông sẽ làm Tổng ĐD phim Thái tổ Lý Công Uẩn và gửi kịch bản (KB) văn học và KB phân cảnh (KBPC) lên TP.Hà Nội.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc Lê Đức Tiến:

* Đã loại KBPC của Lưu Trọng Ninh và Đỗ Minh Tuấn

Ông Tiến cho biết:

- Ngày 4/6/2008, Hãng PTVN đã nộp lên TP.Hà Nội KBVH đã được chỉnh lý, nâng cao và rút gọn quy mô cùng với KBPC và tổng dự toán phim...

Đạo diễn Lê Đức Tiến
* Ông nghĩ thế nào về việc trong lúc các ĐD và các phó GĐ chưa được họp lại để góp ý sau khi nhận được 3 KBPC ông đưa (của các ĐD Lê Đức Tiến, Lưu Trọng Ninh, Đỗ Minh Tuấn) mà ông đã cho gửi một KBPC khác lên TP Hà Nội? Trong khi cuộc họp trước đó đã thỏa thuận: trong trường hợp KBPC của ông Tuấn không thể sửa chữa thì Hãng mới gửi KB khác. Liệu ông đã làm đúng với thoả thuận trong biên bản?

- Theo quyết định của Hãng, ĐĐ Lưu Trọng Ninh được phân công phụ trách chính, được giao viết KBPC. ĐD Đỗ Minh Tuấn được giao phụ trách phần kỹ xảo và chiến tranh. Tuy vậy 2 anh đã không cộng tác với nhau và cũng không hoàn thành trách nhiệm được giao. Anh Ninh không bám vào KB văn học, sau 4 tháng vẫn trình KB tương tự như KB của anh trình Hà Nội cách đây 2 năm và đã bị Hội đồng bác bỏ. Anh Tuấn cũng vậy, khi được giao viết phân cảnh đã đưa rất nhiều phần trong KB trước đây của anh đã trình Hà Nội không phù hợp với cấu trúc và chủ đề phim.

Ban Biên tập đã loại KB của hai anh. Tôi với tư cách Giám đốc Hãng và Chỉ đạo nghệ thuật của bộ phim cũng không thể trình Hà Nội các KB này. Các ĐD trong Ban Chuẩn bị Dự án phim do tôi Chủ biên đã soạn KBPC trên cơ sở KB đã trình TP Hà Nội, và cũng là cơ sở để lập tổng dự toán phim. KBPC này sẽ được Hội đồng tư vấn do TP Hà Nội lập ra để thẩm định trước khi trình các cấp Lãnh đạo. Điều này không có gì trái với những thỏa thuận trong cuộc họp.

* Ông khẳng định là KB mới không sử dụng những sáng tạo mới và cách trình bày trong KBPC của ông Tuấn? Xin ông cho biết các ĐD trong Ban soạn thảo KBPC để gửi lên TP.Hà Nội là những ai?

- KBPC trung thành KB văn học và nếu có chi tiết nào trong KB văn học của anh Ninh và anh Tuấn thì đều hợp lệ vì các anh đã bán bản quyền KB văn học cho Hãng phim truyện VN.

Các ĐD trong Ban chuẩn bị dự án gồm 5 người: tôi, anh Vũ Xuân Hưng, anh Vương Đức, anh Lưu Trọng Ninh và anh Đỗ Minh Tuấn. Khi soạn thảo KBPC thì không có hai anh Ninh và Tuấn mà chỉ có tôi là chủ biên và hai anh Hưng và Đức tham gia góp ý.

* Việc tôi muốn làm Tổng ĐD sẽ không xảy ra, nếu...

* Ông lý giải ra sao việc ông với tư cách GĐ sản xuất tự đề xuất làm công việc Tổng ĐD mà trước đó đã giao cho các ĐD trong hãng?

- Tôi chưa có quyết định nào về việc tôi làm Tổng ĐD mà còn phải xin ý kiến Bộ VH-TT&DL, TP.Hà Nội và Cục Điện ảnh. Với tư cách Giám đốc Hãng, tôi muốn tận dụng và phát huy mọi tiềm năng của anh chị em cán bộ, nghệ sỹ trong toàn Hãng. Tôi đã bố trí hai anh Ninh và Tuấn cùng làm ĐD. Nhưng anh Ninh đã tự ý gửi KB lên TP Hà Nội, còn anh Tuấn cho rằng KB của mình hay và mình phải là ĐD chính của phim. Là Giám đốc Hãng và Giám đốc sản xuất của phim, tôi nghĩ cần phải tính thêm các phướng án nhân sự dự phòng. Chúng tôi sẽ chính thức báo cáo Bộ VH-TT-DL, Cục Điện ảnh và Lãnh đạo TP Hà Nội về vấn đề này.

Việc tôi muốn làm Tổng ĐD phim này sẽ không xảy ra nếu thời gian vừa qua hai anh Ninh và Tuấn hoàn thành trách nhiệm của mình. Nếu có sự thay đổi nào, thì cũng là vì lợi ích thiết thực của dự án. Công việc ĐD phim này rất nặng nề. Khi tình hình khó khăn thì Ban Giám đốc, và cá nhân Giám đốc Hãng phải lãnh trách nhiệm và gánh vác công việc nặng nề nhất. Vì sự sống còn của Dự án và danh dự của Hãng phim, nên nếu tôi có nhận trách nhiệm ĐD chính và các anh trong Ban Giám đốc nhận trách nhiệm công tác Đạo diễn, Giám đốc sản xuất,... thì đó là hành động tích cực và cần thiết.

Chúng tôi đang cân nhắc mời ĐD Hàn quốc trực tiếp làm ĐD chính hoặc cố vấn ĐD, hoặc mời một ĐD Việt kiều... Ban Giám đốc và Hội đồng nghệ thuật của Hãng đang bàn bạc, cân nhắc các phương án đã nêu để xin ý kiến Bộ VH-TT-DL và TP Hà Nội, trước khi quyết định.

Phác thảo bối cảnh thành Thăng Long trong phim Lý Công Uẩn.

* Tổng dự toán dự kiến là hơn 118 tỷ đồng!

* Vậy Tổng Dự toán cuối cùng của phim là bao nhiêu? Và với số tiền này, quy mô bộ phim, các phương án nhân sự sẽ ra sao?

- Theo KBPC, độ dài bộ phim từ 135 đến 140 phút, với khoảng 25 phút kỹ xảo. Tổng Dự toán phim là 118,8 tỷ đồng, sẽ được một Hội đồng gồm các chuyên gia kinh tế thẩm định trước khi trình các cấp Lãnh đạo. Giá thành các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật rất đắt. Giá làm âm thanh đã trên 500.000 USD, còn giá thành trung bình 1 phút kỹ xảo là 50.000 USD. Phần giành cho công tác cải tạo bối cảnh, phục trang, đạo cụ, vũ khí,...khoảng 34 tỷ đồng, chi phí Ngoại cảnh tại Việt Nam và Trung Quốc khoảng 25 tỷ đồng, v.v.... Sẽ có rất nhiều chuyên gia nước ngoài tham gia bộ phim trên các lĩnh vực: Đạo diễn, quay phim, hóa trang, âm thanh, dựng phim, hậu kỳ, kỹ xảo... Lương trả cho đội ngũ chuyên gia nước ngoài cũng không nhỏ.

Trong điều kiện đất nước còn nghèo như hiện nay, chúng tôi hiểu đây là một số tiền lớn. Nhưng đây là bộ phim lịch sử đầu tiên của điện ảnh Việt Nam mà người xem đang trông đợi, nên bộ phim làm ra phải xứng tầm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đạt tiêu chuẩn quốc tế về nghệ thuật và kỹ thuật. Hãng PTVN đang liên hệ với một số Công ty phát hành phim tại Mỹ và Hàn Quốc, để có thể có nguồn thu từ tiền tạm ứng của các Công ty này, góp phần giảm chi phí đầu vào của bộ phim.

* Dự án phim đang đứng trước nguy cơ bị dừng lại. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?

- Làm phim kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, ngoài trách nhiệm của Hà Nội đứng ra chủ trì, tôi nghĩ đó là công trình của cả nước, mà trước hết là trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL, của Cục Điện ảnh và các Hãng phim, chứ không nên khoán trắng cho Hà Nội, lần đầu tiên tổ chức một phim đặt hàng lớn…

Việc lớn nào cũng không tránh khỏi dư luận bàn ra tán vào. Việt Nam mình là vậy. Điện ảnh Việt Nam cũng không tránh khỏi những "tập quán" đó, nên mới là nền điện ảnh lạc hậu, cần đổi mới và hội nhập.

* Có người cho rằng, việc ông tham gia vào dự án trong 3 năm này là tham quyền cố vị vì sang năm ông đã đến tuổi nghỉ hưu. Ông nghĩ gì về ý kiến này?

- Tôi chưa có quyết định là Tổng ĐD. Đây là dự án lớn nên phải xin ý kiến cấp trên về phương án nhân sự. Chúng tôi sẽ có văn bản giải trình về phương án nhân sự và sẽ làm việc với Cục Điện ảnh, Thứ trưởng Bộ VH phụ trách điện ảnh và với TP.Hà Nội nếu có yêu cầu.

* Xin cám ơn ông!

Hải Đông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm