Primera Liga: Giải mã Barca

20/12/2008 19:15 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH cuối tuần) -  Tháng dông bão sắp qua đi và Barcelona của HLV Josep Guardiola vẫn băng băng về phía trước. Tưởng như khi phải đối đầu với các đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp, Barca sẽ chững lại thì ngược lại, họ càng tăng tốc dữ dội hơn nữa.

Hạ Sevilla 3-0, Valencia 4-0 và Real Madrid 2-0, Barca chỉ còn một trở ngại duy nhất là Villarreal trong trận đấu cuối tuần này. Thế nhưng không mấy ai tin “Tàu ngầm vàng” sẽ chặn được “viên đạn” Liga. Không chừng chính Barca sẽ “tiễn” Villarreal ra khỏi Top 4 trước kỳ nghỉ Giáng sinh.
 
Barcelona đang là đội có hiệu suất ghi bàn cao nhất Liga và cả châu Âu. Ghi 46 bàn sau 15 vòng, nghĩ là cứ trung bình một trận Barca ghi 3,06 bàn. Tiền đạo Samuel Eto’o đang dẫn đầu danh sách dội dom với 15 bàn. Nghĩa là tiền đạo người Cameroon luôn đảm bảo hiệu suất mỗi trận một bàn. Tại vòng bảng Champions League, Barca cũng ghi 18 bàn sau 6 lượt trận, trung bình 3 bàn/trận. Đó là chưa kể các chân sút Barca đã 17 lần đưa bóng chạm xà ngang hoặc cột dọc. Tại sao một đội bóng mà mùa trước chỉ đứng thứ 3, kém Real Madrid đến 8 điểm lại có thể lột xác nhanh vậy? Tại sao Barca lại có thể ghi nhiều bàn thắng đến như vậy. Hãy cùng giãi mã họ.
 
Tập trung vào tấn công, Eto’o và Messi đều bùng nổ

1. Vấn đề chiến thuật

Guardiola cho Barcelona chơi theo đội hình 4-3-3, và đó là đội hình 4-3-3 nguyên thủy, không phải là biến thể của 4-5-1. Ba cầu thủ trên hàng công của Barca là 3 tiền đạo đúng nghĩa, họ chỉ có nhiệm vụ áp sát vòng cấm địa đối phương và gây áp lực. Việc được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự giúp Lionel Messi và Samuel Eto’o bùng nổ. Cả hai đều đang có khởi đầu mùa giải tốt nhất trong sự nghiệp của mình.

Đội hình 4-3-3 của Barca trong một số thời điểm có thể chuyển thành 3-4-3. Đó là khi Daniel Alves bên cánh phải dâng cao đá như một tiền vệ. Eric Abidal sẽ được bó vào trung lộ đá như một trung vệ thứ 3. Trái với Alves, Abidal gần như chỉ lo phòng ngự và đẩy toàn bộ trách nhiệm tấn công cho Thierry Henry (chính vì vậy mà tiền đạo người Pháp than thở rằng chưa bao giờ trong sự nghiệp của mình, anh phải chạy nhiều như ở Barca). Những lúc Abidal không đá, Carles Puyol vẫn có thể đá tốt ở hành lang trái là vì vậy.

Với Henry (hoặc Iniesta), Eto’o và Messi trên tuyến đầu, Barca luôn đảm bảo là hàng hậu vệ của đối phương không dám vượt qua vạch vôi giữa sân, ngoài ra phải có ít nhất là một tiền vệ trung tâm lui về tham gia hỗ trợ. Chừng ấy người là vẫn còn ít nếu tính đến kỹ thuật cá nhân và tốc độ siêu hạng của 3 mũi nhọ nêu trên.

Tấn công là cách phòng ngự tốt nhất, chính việc 3 ngôi sao này túc trực trên phần sân đối phương đã là tuyến phòng ngự đầu tiên. Họ sẽ tích cực di chuyển để tranh cướp bóng. Do có 5 người ở phần sân nhà, nên 5 cầu thủ tấn công phía trên sẽ phải chống lại 3 tiền vệ và 4 hậu vệ bên phía Barca. Nếu tuyến sau muốn dâng lên hỗ trợ cũng không được bởi nhiều khả năng họ sẽ dính đòn phản công. Bằng cách đó, Barca đã phân tán được lực lượng của đối phương.
 

2. Vấn đề tốc độ

Hạn chế lớn nhất của thời Frank Rijkaard là tốc độ các pha lên bóng. Những ngôi sao như Messi, Ronaldinho, Deco rất thích cài bóng, làm vài động tác kỹ thuật trước khi chuyền hoặc sút bóng, như thế vô tình làm mất đi tính bất ngờ của các pha tấn công. Bây giờ mọi chuyện khác hoàn toàn. Guardiola yêu cầu tốc độ tối đa trong các pha lên bóng. Các cầu thủ phải di chuyển liên tục, phát huy hết sức các đường chuyền ngắn, trung bình và càng ít chạm càng tốt. Trong trận gặp Real Madrid, Barca chuyền bóng thành công trong 442 lần so với 171 lần của Real Madrid. Xác suất chuyền chính xác của Barca là 90%, của Real là 75% dù Barca tung ra số đường chuyền nhiều gấp 3 Barca. Muốn chuyền nhiều như vậy, Barca tất phải chuyển nhanh.

Việc các cầu thủ Barca liên tục di chuyển không chỉ làm cho hàng phòng ngự đối phương rối loạn mà còn giúp cho đồng đội có nhiều phương án để xử lý hơn. Barcelona có số pha tấn công gồm sự tham gia của từ 7 người trở lên nhiều hơn tất cả các đội tại Liga và chiếm hơn 50% các pha tấn công của họ. Đó là dấu ấn của lối đá tổng lực dưới thời Johan Cruyff đang được Pep Guardiola làm sống dậy.

3. Vấn đề con người

Guardiola có may mắn là khi ông tiếp quản Barca, các cầu thủ đều đang có phong độ cực cao. Thierry Henry phần nào tìm lại mình sau một mùa giải chệch choạc, Lionel Messi đang là cầu thủ tấn công hay nhất hành tinh, Samuel Eto’o quyết lấy lòng ông thầy mới còn Carles Puyol, Andres Iniesta và Xavi tiếp tục ổn định sau khi đã là nhà vô địch châu Âu. Seydou Keita và Daniel Alves thì tràn đầy khát vọng. Đó là chưa kể đến một Sergi Busquets đầy triển vọng.

Ba mắt xích yếu nhất trong mùa trước: Deco, Ronaldinho và Zambrotta đều được thay thế xứng đáng: Keita bở sung sức mạnh cho tuyến giữa, Iniesta (hoặc Henry) không rườm rà như Ronaldinho và Alves chắc chắn là trẻ hơn, nhanh hơn và tấn công tốt hơn Zambrotta nhiều.

4. Vấn đề thái độ

Sau chức vô địch Champions League 2006, khát vọng chiến đấu của các cầu thủ Barca đã giảm đi trong thấy. Nhưng vì đã hai năm trắng tay, lại đón chào một HLV mới trẻ trung và táo bạo, lại đón chào những tân binh đầy khát khao như Gerard Pique, Alves hay Keita, các cầu thủ Barca như được tiếp thêm một nguồn sinh khí mới. Việc Barca thắt chặt kỷ luật cũng khiến cho thái độ tập luyện và thi đấu của các cầu thủ được cải thiện. Những hành vi như bỏ tập, ăn chơi khuya như Ronaldinho và Deco khi xưa biến mất. Pep đưa ra chế tài: phạt 500 euro cho những ai bỏ ăn sáng cùng đội, 1.000 euro nếu về nhà sau 12 giờ khuya và 6.000 euro cho mỗi phút đến sân tập muộn. Pep còn dùng đến những liệu pháp tâm lý khác như âm nhạc. Chẳng hạn như trên xe bus trong các chuyến thi đấu sân khách, Pep chỉ cho các học trò nghe nhạc của Coldplay.

5. Đòn phủ đầu

Barcelona luôn cố tràn lên và ghi bàn thắng thiệt sớm nhằm 2 mục đích: thứ nhất, là tạo lợi thế về mặt điểm số và tâm lý, thứ hai hai là làm đảo lộn ý đồ chiến thuật của đối phương. Barca đang làm rất tốt điều này. Họ đã ghi bàn vào lưới Sevilla chỉ sau 20 phút, ghi 2 bàn vào lưới Sporting Gijon chỉ sau 43 phút, 2 bàn vào lưới Betis sau 23 phút, 2 bàn vào lưới Malaga sau 19 phút và 2 bàn vào lưới Valencia sau 28 phút. Sau 44 phút trận gặp Valladolid tỷ số là 4-0. Sau 36 trận gặp Almeria tỷ số là 5-0. Nhưng đòn “Tiên hạ thủ vi cường” của Barca trận gặp Atletico Madrid mới đáng ghi bàn sách giáo khoa. Sau 3 phút, 1 bàn. Sau 5 phút, 2 bàn. Sau 8 phút, 3 bàn. Sau 18 phút, 4 bàn và sau 28 phút: 5 bàn.

6. Làm cách nào đánh bại Barcelona?

Barca chỉ có thể ghi bàn vào lưới Real Madrid trong 7 phút cuối. Điều đó có nghĩa Real đã ít nhiều khắc chế được đội bóng này. Đó là nhờ họ đã khóa chặt được 2 vị trí chủ chốt trong đội hình Barca là Xavi Hernandez và Lionel Messi. Song nhiêu đó cũng chưa đủ bởi Barca hãy còn nhân tố gây đột biến khác.

Nếu xem cách Getafe cầm hòa Barca vòng 12 sẽ thấy một gợi ý. Getafe chơi treo tuyến giữa, chỉ cắm 2 hoặc 3 cầu thủ tấn công bên phần sân đối phương… chờ thời. Còn lại tất cả sẽ dồn về phần sân nhà để lo phòng ngự, để Barca chiếm tuyến giữa. Barca sẽ bối rối trước hàng phòng ngự đông người. Chỉ cần chơi tập trung, sẽ có cơ hội ăn bàn nếu các chân sút phía trên tận dụng được cơ hội hiếm hoi có được.

Còn một cách nữa: Barca thích ghi bàn sớm, bạn phải tràn lên và ghi bàn còn sớm hơn họ. Đó là lúc Barca chỉ vừa vào trận và chưa kịp ổn định lối chơi, là lúc thích hợp nhất để gây sức ép. Nói thì dễ, làm mới khó. Trong mùa này, chỉ có Numancia là phủ đầu Barca thành công qua đó giành thắng lợi nhờ bàn thắng của Mario.
 
Trần Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm