Phim 'Nymphomaniac': Gây tranh cãi nhất đầu năm 2014

12/02/2014 07:51 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp sau cuộc tranh luận kéo dài về phim Cành cọ vàng Blue Is The Warmest Color, sang năm 2014 báo chí quốc tế lại nóng lên với Nymphomaniac (Cuồng dâm) của Lars von Trier,  vừa chiếu phần 1 tại LHP Berlin hôm 9/2.

Nymphomaniac được thừa nhận là phim nghệ thuật nghiêm túc, với toàn bộ nội dung phim là hồi ức của một phụ nữ trung niên cuồng dâm. Đạo diễn nổi tiếng người Đan Mạch Lars von Trier đã bất chấp mọi rào cản, như ông vẫn làm ở các tác phẩm trước, mang đến cho khán giả chủ đề điện ảnh đáng bàn luận nhất trong đầu năm 2014,  khi giải Oscar vẫn chưa diễn ra.

Khi còn sản xuất, phim đã hứa hẹn cung cấp cho báo chí và giới phê bình một cuộc tranh luận rầm rộ và nay thì đúng thế. Mặc dù vậy, Nymphomaniac mới chỉ chiếu phần 1, tức một nửa của bản đầy đủ dài 5 tiếng đồng hồ. Cả 2 phần sẽ được chiếu hạn chế tại Mỹ vào tháng 3 và tháng 4.

“Kẻ không được chào đón”

Tại LHP Berlin mới đây, von Trier đã mặc chiếc áo phông có dòng chữ “Persona Non Grata”, có nghĩa "Kẻ không được chào đón", phía trên là logo Cành cọ vàng của LHP Cannes (ám chỉ việc ông bị đuổi khỏi LHP này hồi năm 2011 do phát ngôn về Hitler).

Nhưng thực tế hiện nay ngược lại so với thông điệp trên chiếc áo: cả vị đạo diễn và bộ phim Nymphomania đều được truyền thông chào đón nồng nhiệt, với vô số thông tin và bài bình luận từ đầu năm đến nay.


Đạo diễn Lars von Trier (giữa, phanh áo khoe dòng chữ) và dàn diễn viên (từ trái sang) Uma Thurman, Christian Slater, Stellan Skarsgard và Stacy Martin tại LHP Berlin hôm 9/2

Hồi tháng 1, phần 1 chiếu tại LHP độc lập Sundance (Mỹ), được đánh giá là “phá vỡ những điều cấm kỵ”. Và nay, đầu tháng 2, phim chiếu tại LHP Berlin (Đức) với phiên bản dài hơn.

Tóm lại Cannes có thể cấm cửa von Trier thật, nhưng các LHP khác vẫn mở rộng cửa đón ông. Nhưng vị đạo diễn này không một lần lên tiếng. Ông đã "giận" truyền thông kể từ LHP Cannes 2011 nên các báo đành đưa ý kiến của nhà sản xuất và dàn diễn viên.

Nhưng với Nymphomaniac, có thể sẽ không xảy ra kiểu tranh cãi "vô tiền khoáng hậu" như Blue Is The Warmest Color năm ngoái, khi các diễn viên chính đợi phim được chiếu, giành vinh quang (Cành cọ vàng ở LHP Cannes) xong xuôi rồi mới lên tiếng "tố" đạo diễn hành hạ họ trên phim trường.

Lars von Trier từng nổi tiếng vì hay hành hạ diễn viên nữ. Trong Dancer in the Dark, Bjork phải diễn cảnh bị treo cổ, còn trong Dogville, nhân vật của Nicole Kidman bị hiếp dâm tập thể.

Nhưng tại Nymphomaniac, dàn diễn viên luôn sát cánh bên đạo diễn von Trier trong quá trình ra mắt phim và tỏ ra khá vui vẻ. Họ cũng đã phát biểu về đạo diễn, không phải chỉ đưa ra toàn lời khen, nhưng có thể hiện sự kính trọng rõ ràng và khẳng định họ không hối hận khi đóng phim của ông.

Nữ diễn viên chính Charlotte Gainsbourg (vai Joe tuổi trung niên) nói với The Guardian: "Tôi phải chịu đau đớn nhưng đó là điều cần thiết khi cộng tác với Lars". Cả Gainsbourg và nam diễn viên Thụy Điển Stellan Skarsgard (vai người đàn ông già cứu sống Joe) đều từng đóng phim của von Trier trước đây. Vì yêu thích phong cách của đạo diễn nên họ tiếp tục cộng tác với ông.

Khi cú sốc không còn quá gây sốc

Chủ đề tình dục là một yếu tố hút khách hiệu quả, song cách thể hiện của Nymphomaniac mới đáng gây tò mò: một phim nghệ thuật nghiêm túc toàn cảnh nóng rất bạo. Nhưng, theo Los Angeles Times, khi đến giai đoạn này của sự nghiệp, đạo diễn quái kiệt Lars von Trier đã gây ra quá nhiều cú sốc đến nỗi giờ đây những cú sốc mới của ông không còn đáng kinh ngạc quá nữa.

Quả thực, chủ đề này giờ đây không còn là cấm kỵ, thậm chí nếu nhà làm phim không cẩn thận sẽ gây nhàm chán. Chủ đề cũng không hẳn là dễ dàng câu khách bởi nếu biết sơ qua nội dung của Nymphomaniac, khán giả sẽ bị chia thành 2 loại: những người háo hức muốn xem phim và những người hoàn toàn không muốn xem chút nào.

Nhưng chính nhờ điều đó, von Trier có thể chắc chắn rằng bất cứ ai đã chọn xem bộ phim đều có thể chấp nhận được nó. Bởi vậy, bộ phim nhiều khả năng không hứng chịu chỉ trích, nó được gán sẵn nhãn "người lớn" và gồm toàn những cảnh "nặng đô" rồi.

Vấn đề còn lại chỉ là phim có chất lượng nghệ thuật cao hay không. Rất tiếc các bài bình luận phim cho đến thời điểm này hầu như chưa chỉ ra được điều đó, mà lại đi quá sâu vào phân tích chi tiết. Tại LHP Berlin năm nay, Nymphomaniac được trình chiếu nhưng không dự tranh giải Gấu vàng.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm