Phân loại rác tại nguồn ở Hải Châu - Đà Nẵng: Phải trở thành thói quen tốt trong đời sống người dân

02/10/2020 22:23 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/10, UBND quận Hải Châu, Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Sơ kết Kế hoạch 6 tháng đầu năm 2020 về Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn quận Hải Châu.

Đà Nẵng ra quân thu gom rác thải hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020

Đà Nẵng ra quân thu gom rác thải hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020

UBND thành phố Đà Nẵng ngày 24/9 đã ban hành văn bản về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020.

Công tác phân loại chất thải rắn tịa nguồn được triển khai trên toàn quận Hải Châu tuy nhiên phường Hải Châu 1 và phường Hòa Cường Nam  được chọn làm 2 phường triển khai thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn theo Kế hoạch số 4356/KH –UBND ngày 1/7/2019 của UBND TP. Đà Nẵng.

Theo báo cáo của UBND quận Hải Châu, thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn, Phòng TN&MT quận đã xây dựng chi tiết phương án phân loại, thu gom, vận chuyển đối với 04 nhóm rác thải: rác tái chế (giấy, nhựa, kim loại); rác nguy hại, chất thải rắn xây dựng và rác còn lại. Đồng thời hướng dẫn, đề nghị UBND 13 phường xây dựng phương án và mạng lưới thu gom, vận chuyển, xử lý rác tái chế; rác thải nguy hại và chất thải rắn xây dựng phù hợp với từng phường.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị Sơ kết Kế hoạch 6 tháng đầu năm 2020 về Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn quận Hải Châu

Hội Phụ nữ quận đã triển khai mô hình RTN1 - HĐT đối với phương thức phân loại, thu gom rác tái chế; xây dựng mạng lưới thu gom, phân loại tịa khu dân cư; tổ chức các buổi tuyên truyền vận động cho hội viên.

13/13 phường của quận Hải Châu đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Đối với nhóm rác tài nguyên 11/13 phường lựa chọn mô hình RTN - HĐT; 1/13 phường lựa chọn mô hình RTN - DN; 2/13 phường thực hiện song hành 2 mô hình; 4/13 phường vẫn còn duy trì hình thức tự bán hoặc cho công nhân.

Ngoài ra, phường Hải Châu 2 và Thạch Thang đã truyền thông hướng đến các em học sinh tiểu học và THCS. Học sinh bước đầu đã hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động phân loại rác và phong trào chống rác thải nhựa; nhận biết và thực hành phân loại được 03 nhóm rác thải.

Trong 6 tháng đầu năm, quận Hải Châu đã nhận và tiến hành bàn giao 185 thùng rác phân loại 3 ngăn và 39 thùng đựng rác nguy hại cho UBND 13 phường; nhận và bàn giao 5 thùng rác và 4 xe thu gom rác tài nguyên do JICA tài trợ cho 4 phường; bàn giao 1.049 sổ ghi chép và 1.359 sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải cho các phường; phát tờ rơi, tờ dán hướng dẫn tại hộ gia đình; hoàn thành và bàn giao 44.100 túi đựng rác tài nguyên cho 13 phường.

Chú thích ảnh
Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hải Châu thu gom rác tài nguyên tại nguồn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thu gom CTRSH tại nguồn trên đại bàn quận Hải Châu vẫn còn một số khó khăn. Năm 2020, Sở TN&MT đã xây dựng quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý nhóm chất thải xây dựng (CTRXD) và rác thải kích thước lớn tuy nhiên khi tiến hành triển khai vẫn còn những khó khăn.

Đối với hoạt động cải tạo, sữa chữa công trình nhỏ của hộ gia đình thì lượng CTRXD không cao, mang tính chất nhỏ lẻ, phân tán nên khó thu gom vì để tiết kiệm chi phí vận chuyển, đơn vị dịch vụ thu gom CTRXD phải đạt ít nhất 1 xe tải (3-5 tấn) mới tiến hành thu gom vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình đổ trộm CTRXD tại các lô đất trống, khu vực không có dân cư gây mất cảnh quan đô thị.

UBND thành phố chưa ban hành quy trình và bộ đơn giá thu gom, xử lý nhóm rác thải kích thước lớn, chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với việc quản lý và thu gom…

Chú thích ảnh
Việc thu gom và vận chuyển rác thải xây dựng và rác thải lớn ở các hộ gia đình nhỏ lẻ vẫn còn khó khăn

Kết thúc hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Võ Nguyên Chương đề nghị, thời gian đến các địa phương có phương thức triển khai tập huấn phù hợp bối cảnh hiện nay, xây dựng các chương trình với quy mô nhỏ nhưng chất lượng cao. Sớm khảo sát, xác định các địa điểm tập kết thu gom các nhóm CTRSH, công bố quy trình chi tiết thực hiện thu gom sau khi phân loại trên địa bàn theo từng phường, xã; Thường xuyên kiểm tra, theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện.

Đối với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, ông Chương đề nghị phải đảm bảo bố trí nguồn lực thực hiện tốt công tác thu gom, vệ sinh môi trường tại các địa bàn; cam kết không để phát sinh những điểm ô nhiễm môi trường do rác thải; sớm nghiên cứu mô hình hoạt động của đơn vị tham gia trong kế hoạch triển khai phân loại rác của thành phố.

Giao Chi cục Bảo vệ môi trường tổ chức, hỗ trợ các địa phương thực hiện tuyên truyền, phân loại; Xây dựng hướng dẫn chi tiết việc phân loại và thu gom CTRSH tại hộ gia đình và khu dân cư…

"Việc phân loại rác tại nguồn nhằm mục đích bảo vệ môi trường, phát triển bền vững;  giảm lượng rác phải xử lý đưa lên bãi rác và tái chế rác tài nguyên phục vụ đời sống xã hội. Công tác này phải được thực hiện bền bỉ, lâu dài để trở thành thói quen tốt trong  đời sống mỗi  người dân - ông Võ Nguyên Chương nhấn mạnh.

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, sâu rộng,  không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về  mục đích, yêu cầu mà cần mang tính chất hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách thức thực hiện, người dân phải được biết về thời gian, lộ trình thu gom rác, phải được biết phản ảnh khi có vấn đề phát sinh, hạn chế cần khắc phục. Sau một thời gian cần có điều tra xã hội học, thống kê về hiệu quả công tác tuyên truyền thông qua số lượng rác tài nguyên được thu gom, thông qua tỷ lệ người hiểu biết về công tác này. Cần nghiên cứu, tiếp cận cụ thể các mô hình hay về thực hiện công tác thu gom, phân loại rác tại nguồn để  triển khai nhân rộng.

Ngọc Huy

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm