Ông Đoàn Phú Tấn: 'VFF chưa có dấu ấn trong sự phát triển của trọng tài'

12/06/2013 13:07 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi bị VFF đình chỉ nhiệm vụ, trong khi Trưởng Ban Trọng tài Dương Vũ Lâm thể hiện sự bất bình, thậm chí dọa làm to chuyện với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thì Phó Ban Trọng tài Đoàn Phú Tấn lại im tiếng, liên lạc rất khó.

Cho đến hôm qua, ông Tấn mới đồng ý trả lời phỏng vấn của Thể thao & Văn hóa. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

"Đình chỉ nhiệm vụ - như phim hài"

* Ông đón nhận tin bị đình chỉ công việc với lý do “Vi phạm rất nặng nguyên tắc làm việc”, theo lời Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung, với cảm xúc nào? Lý do đó có thuyết phục không?

- Tôi đã cười rất to, như đang xem một đoạn phim hài vậy. Tôi nghĩ rằng, ông Nguyễn Lân Trung phụ trách phát ngôn của VFF nhưng không phải muốn nói gì thì nói. Ông ta phải biết rằng mình đang nói tiếng nói chính thức của một tổ chức cấp quốc gia. Vậy mà, trong bài “Trưởng và phó ban trọng tài vi phạm nguyên tắc làm viêc” đăng trên Thể thao & Văn hóa ngày 10/6, ông Trung đã có những phát biểu thật vô căn cứ.

Về tính thuyết phục của những lý do được đưa ra khi đình chỉ nhiệm vụ Trưởng và Phó Ban trọng tài, cá nhân tôi cho là chưa phù hợp và có gì đó thiếu đàng hoàng!

Thiết nghĩ, khi cơ quan điều tra còn chưa tiếp xúc với hồ sơ sự việc, chưa có yêu cầu đình chỉ hoặc cách ly một ai đó khỏi công việc đang đảm nhiệm, thì việc người đứng đầu tổ chức có vấn đề đang cần điều tra, tự ý quyết định ai đó rời khỏi chức vụ với yêu cầu “phục vụ công tác điều tra” là sự lạm dụng, nếu không nói là “lợi dụng”. Chẳng biết có phải thế không?

Đáng nói là, khi ra quyết định đình chỉ (Chủ nhật, ngày 9/6), những hồ sơ quan trọng nhất của vụ việc (giải trình của các trọng tài và báo cáo của Ban Trọng tài) còn chưa tới tay Chủ tịch VFF. Vậy thì, căn cứ nào để ra quyết định? Căn cứ vào “dư luận” chăng?


Ông Đoàn Phú Tấn

* Việc một ông Hiệu trưởng, một thầy giáo tầm cỡ của một trường tầm cỡ ở Hà Nội nhưng lại bị đình chỉ ở một lĩnh vực nhạy cảm như trọng tài, với lời phê của cấp trên như thế, liệu có ảnh hưởng đến uy tín và công việc của ông ở môi trường giáo dục? Trước đây, trong cơn bão trọng tài năm 2005, ông cũng bị điều tiếng sẽ bị công an bắt, thậm chí giới truyền thông đã đứng chờ sẵn nơi nhà riêng và cơ quan để xem “bắt ông Tấn”, nhưng rốt cuộc ông vô can. Bóng đá và công tác trọng tài nói riêng có xứng đáng khiến ông trả giá như thế hay không?

- Chính câu hỏi được đưa ra, đã trả lời nhiều điều. Tôi chỉ muốn nói thêm một điều: Nhiều khi, người ta đã lạm dụng sự đam mê công việc của chúng tôi, để dễ dàng xúc phạm chúng tôi. Họ không cần quan tâm đến chuyện chúng tôi đang cống hiến, chúng tôi là người lớn, có gia đình, có danh dự, ít nhất cũng bằng họ.

"Nếu có thể, tôi sẽ kiện VFF"

* Thực tế dư luận từng ầm ỹ việc cấp trên ông từng có chủ trương cải tổ một số chức danh chủ chốt của Ban Trọng tài, nhưng do Đại diện Tổng cục Thể dục Thể thao không ủng hộ nên ý tưởng đó không thành.

- Tôi chỉ phỏng đoán thôi nhé: Hình như họ “vớ lấy” cơ hội thật nhanh, để trả đũa cho những gì đã không làm được như câu hỏi đã nêu, để xử lý thật nhanh, thật ác liệt, không cần có nguyên tắc gì hết. Những cái lý họ đưa ra, thật vớ vẩn, và có cả ngụy tạo, bịa đặt. Nếu có một tòa án xem xét việc này, chúng tôi có thể kiện VFF.

Nhân danh “Thường trực”, họ vội vã ra một quyết định mà chưa hề hỏi chúng tôi câu nào về sự việc. Họ đã làm một việc, không phải là cần làm, mà chỉ nhằm hạ nhục chúng tôi trước khi loại trừ.

* Theo ông, muốn công tác trọng tài Việt Nam tốt lên, nhất là bộ máy lãnh đạo trọng tài Việt Nam tốt lên, thì VFF cần hỗ trợ gì thêm?

- Có thể nói rằng, Ban Trọng tài chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Đội ngũ trọng tài trong các giải bóng đá đã giúp cho sự sắp xếp thứ hạng các đội bóng là chính xác. Hình ảnh các trận đấu chuyên nghiệp cũng như ngoài chuyên nghiệp đều đã có sự cải thiện.

Có 2 điều đáng tiếc chưa khắc phục được: Một là, sự thiếu kiên nhẫn của các nhà tổ chức giải, của dư luận. Hai là, việc đoàn kết, đồng lòng chung sức của các thành viên Ban Trọng tài chưa được đầy đủ, khiến cho sức mạnh tập thể giảm sút, hình ảnh đội ngũ bị ảnh hưởng.

Nhưng để trọng tài ta tốt lên, phát triển nhanh, càng ngày tôi càng thấy không hy vọng gì ở những nhà lãnh đạo VFF hiện nay. Tôi không thấy nhiều sự ủng hộ của họ để công tác trọng tài Việt Nam tốt lên. Họ thờ ơ, quan liêu đến ngạc nhiên. Đơn cử 2 ví dụ:

+ Việc thứ nhất: Sự việc 2 trọng tài Nguyễn Phi Long và Nguyễn Văn Đông năm 2012, khi Hội đồng quản trị Công ty VPF đề nghị Ban trọng tài không sử dụng 2 trọng tài này ở 6 vòng đấu cuối. Đây là việc hệ trọng, Ban Trọng tài không thể tự ý quyết định. Chúng tôi đã lập tức gửi văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo từ Lãnh đạo VFF. Không ai thèm trả lời! Vài tuần sau, chúng tôi buộc phải một lần nữa làm báo cáo xin ý kiến. Nhưng rồi, vẫn chỉ là sự im lặng.

+ Việc thứ hai: FIFA khuyến cáo các tổ chức thành viên nên thành lập các học viện trọng tài để đẩy nhanh việc đào tạo các trọng tài trẻ. Đây là điều Ban Trọng tài và những giảng viên chúng tôi ao ước từ lâu. Ngay từ khi nhận được văn bản này của FIFA (năm 2011), trong các buổi làm việc với Lãnh đạo VFF, chúng tôi đã đề xuất cho phép tiếp xúc, học hỏi các tổ chức quản lý trọng tài trong khu vực và châu lục đã có học viện trọng tài, để chúng tôi xây dưng đề án. Lãnh đạo đồng ý liền. Rồi, im lặng kéo dài đến nay.

Tôi có suy nghĩ, hình như có những người chỉ muốn phá, chỉ muốn sự đổ vỡ... Ban Trọng tài chúng tôi luôn phải làm việc trong sự bất an.

"Chào thua kiểu bầu cử ở các kỳ Đại hội VFF"

Xem thêm

Ông Dương Vũ Lâm: 'Không bao giờ ngồi lại ghế trưởng Ban Trọng tài'

* Xin hỏi ông câu hỏi bên lề trước thềm đại hội VFF nhiệm kỳ VII, bao năm làm bóng đá, ông thấy tình trạng bầu cử ở tổ chức xã hội VFF như thế nào? Việc giới thiệu ứng viên, rồi nhiệm kỳ cũ bỏ phiếu tín nhiệm cho nhiệm kỳ mới có ổn không?

- Việc chọn người tham gia Ban Chấp hành khóa mới, chỉ thông qua thông tin báo chí, tôi thấy có vài điều chưa hiểu. Theo tôi hiểu, Ban Chấp hành khóa cũ chỉ có quyền giới thiệu những ai là Ban Chấp hành khóa cũ tiếp tục ứng cử khóa mới, chứ không có quyền xem xét những ứng viên được giới thiệu, để định hướng Đại hội (trừ khi, về tư cách, về tiêu chuẩn ứng viên, họ không đáp ứng).

Theo tôi, các ứng viên vào Ban Chấp hành khóa mới, do các tổ chức thành viên giới thiệu, là hoàn toàn bình đẳng với các ứng viên do Ban Chấp hành cũ giới thiệu, không ai có quyền dùng hình thức “lấy phiếu tín nhiệm" của Ban Chấp hành khóa cũ để định hướng, loại bỏ họ khỏi danh sách ứng cử khóa mới. Về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, tôi mới được chứng kiến 2 hình thức:

+ Một là: Cơ quan tổ chức cấp trên có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm cán bộ, xuống cơ sở để lấy phiếu tín nhiệm của quần chúng đối với những người có khả năng được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cơ sở, để xem xét quyết định bổ nhiệm. Phiếu tín nhiệm này là thông tin tham khảo và không công bố.

+ Hai là: Những người đã công tác một số thời gian sau khi được bổ nhiệm, trúng cử, sẽ trải qua việc đánh giá của quần chúng về năng lực, uy tín của mình thông qua hình thức lấy phiếu tín nhiệm của quần chúng dưới quyền. Cả hai loại phiếu tín nhiệm đó, đều là hình thức phát biểu, đánh gíá của quần chúng về những người sẽ hoặc đang lãnh đạo mình, hoặc đảm nhiệm những vị trí liên quan đến quyền lợi của quần chúng... Tôi chưa thấy có hình thức cấp trên bỏ phiếu tín nhiệm cấp dưới, khóa cũ bỏ phiếu sắp xếp khóa mới. Xin chào thua! Có thể, hiểu biết về luật bầu cử của tôi chưa đủ chăng?

* Tóm lại, ông cần chia sẻ thêm để khán giả hiểu về những suy nghĩ, tâm sự của ông về công tác trọng tài Việt Nam, bởi không phải ai cũng nắm rõ vấn đề như ông và ông Lâm...

- Chúng tôi, những người quản lý, đào tạo trọng tài, chúng tôi đã có tuổi, chúng tôi có thể dễ dàng đương đầu với các áp lực. Còn trọng tài, họ còn trẻ, họ phải trực tiếp đương đầu với các áp lực trên sân cỏ, từ dư luận, khó khăn với họ trong công việc là rất nhiều... Để họ có thể thoải mái, phát huy hết khả năng đóng góp cho môn thể thao cuốn hút số đông này, hãy đồng cảm, chia sẻ với họ; hãy coi họ như những người thân của mình đang tham gia công việc này. Từ đó, hãy đừng nhìn họ với con mắt ác cảm, đừng tạo thêm áp lực cho họ...

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thực hiện Ngọc Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm