Nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine phòng ngừa mọi biến thể của virus SARS-CoV-2

01/05/2022 15:19 GMT+7 | Tin tức 24h

Khi các nhà sản xuất vaccine gấp rút phòng chống các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, một số nhà khoa học đã "nhìn xa trông rộng" hơn với việc hướng tới nghiên cứu một loại vaccine phổ quát có thể ngăn chặn bất kỳ biến thể nào trong tương lai, thậm chí có thể ngăn chặn được một đại dịch khác.

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19; khắc phục bất cập trong khai báo điện tử tại khu vực cửa khẩu, sân bay

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19; khắc phục bất cập trong khai báo điện tử tại khu vực cửa khẩu, sân bay

Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; xây dựng kế hoạch tiêm phòng mũi vaccine thứ 4; khắc phục hạn chế, bất cập trong khai báo điện tử tại các cửa khẩu, sân bay.

Kể từ khi cuộc chạy đua nghiên cứu mũi vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 nhanh chóng cho ra đời một thế hệ công nghệ vaccine mới, đã có hàng loạt nỗ lực nhằm phát triển một vaccine có thể phòng ngừa mọi biến thể của virus SARS-CoV-2, còn được gọi là pan-coronavirus vaccine. Nhà nghiên cứu Drew Weissman tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), người đi tiên phong trong công nghệ mRNA được sử dụng cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng sản xuất dược phẩm Pfizer, đang dẫn đầu một dự án như vậy.

Chú thích ảnh
Ông Weissman cho biết theo kế hoạch do Pfizer công bố hồi đầu tháng 4 vừa qua, vấn đề cập nhật các vaccine hiện nay là nhằm nhắm vào những biến thể mới sẽ xuất hiện cứ mỗi 3-6 tháng. Ảnh minh họa

Theo ông, sau hơn 2 năm "chỉ đơn giản là lây nhiễm thêm nhiều người", virus SARS-CoV-2 đang bắt đầu đột biến đặc biệt để đương đầu với hệ miễn dịch được tạo ra từ các loại vaccine phòng bệnh, tương tự như các chủng cúm thay đổi liên tục đòi hỏi phải cập nhật các loại vaccine tiêm phòng hằng năm.   

Trước tính chất phức tạp này, nhà nghiên cứu Weissman và các cộng sự đang phát triển một loại pan-coronavirus vaccine và bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Trong nghiên cứu này, họ cố gắng tìm ra các chuỗi epitope được bảo tồn cao. Đây là những phần không thể thiếu của virus vốn không dễ dàng biến đổi vì nếu thiếu các chuỗi epitope này, virus sẽ chết.

Tuy nhiên, ông Weissman cho rằng phải cần tới 2-3 năm, các nhà nghiên cứu mới có thể phát triển được một loại vaccine phổ quát như vậy. Chưa dừng lại tại đó, họ sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh theo thời gian để "đón đầu" virus. 

Virus SARS-CoV-2 không phải virus đầu tiên lây lan từ động vật sang người trong thế kỷ này mà còn có "họ hàng" trước đây của chúng là virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS) đã khiến gần 800 người tử vong trong giai đoạn 2002-2004 và virus gây bệnh Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông (MERS) xuất hiện vào năm 2012. 

Khi công ty công nghệ sinh học VBI Vaccines có trụ sở tại Mỹ công bố dự án nghiên cứu pan-coronavirus vaccine trong giai đoạn đầu đại dịch vào tháng 3/2020, họ đã nhắm mục tiêu vào cả ba chủng virus nói trên. Công ty này hy vọng sẽ có thể điều chế được các loại kháng thể không chỉ giúp phòng chống các chủng này mà còn phòng ngừa được nhiều virus gây bệnh khác. Nói cách khác, Giám đốc Diaz-Mitoma cho biết VBI đang cố gắng "dạy hệ miễn dịch mở rộng khả năng ngăn chặn nhiều biến thể của virus bằng cách phát hiện chúng ngay từ ban đầu".

Theo ông Diaz-Mitoma, vaccine thử nghiệm của VBI trên dơi và tê tê cho đến nay đã thu được nhiều kết quả đầy hứa hẹn. Dự kiến, các nghiên cứu lâm sàng đối với vaccine này sẽ bắt đầu được thực hiện trong những tháng tới và nhiều khả năng, đầu năm 2023, công ty sẽ công bố các kết quả thu được. 

Chú thích ảnh
Bệnh nhân điều trị covid-19

Giám đốc VBI nhấn mạnh thêm rằng nếu một loại pan-coronavirus vaccine có thể thiết lập được một hệ thống miễn dịch cơ bản mạnh mẽ hơn phòng chống các biến thể của virus SARS-CoV-2, điều này sẽ cho phép toàn cầu tiến lên trước một bước trong đại dịch này, thay vì đi sau sự đột biến của virus như hiện nay.  

Trong khi đó, Liên minh Đổi mới Sáng tạo Chuẩn bị ứng phó với Dịch bệnh (CEPI) có trụ sở tại Mỹ đã chi 200 triệu USD cho các nghiên cứu về vaccine pan-coronavirus. Ngoài ra, liên minh này còn có kế hoạch chi 3,5 tỷ USD nhằm hỗ trợ phát triển một loại vaccine nhắm mục tiêu vào "bệnh X tiếp theo" trong vòng 100 ngày kể từ khi căn bệnh lạ đó xuất hiện.

Có thể nói, việc mở rộng tầm nhìn nghiên cứu vaccine cũng là một cách khiến thế giới phải có sự chuẩn bị tốt hơn để lường trước mối đe dọa của những đại dịch thậm chí có thể trầm trọng hơn trong tương lai.

    Minh Tâm/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm