Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Viết nhạc từ những trang nhật ký ảnh của mẹ

16/04/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng gắn liền với những bài hit như Vầng trăng khóc, Chiếc khăn gió ấm, Mùa Đông không lạnh... Cứ tưởng đề tài tình yêu tuổi trẻ sẽ "giữ chân" anh, nhưng anh bất ngờ rẽ sang sáng tác cho thiếu nhi, gia đình và quê hương đất nước. Chủ đề này có bài Nhật ký của mẹ là một dấu son rất đẹp.

Bài hát này đã được chọn đưa vào sách Âm nhạc 7, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ngoài ra, một sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung có tựa Mẹ ơi có biết cũng đã được đưa vào sách Âm nhạc 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Ca khúc kể về hành trình làm mẹ

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói về lý do bài hát Nhật ký của mẹ ra đời: "Má tôi có thói quen cắt dán ảnh của 3 đứa con vào sổ. Bà có 3 cuốn sổ riêng cho từng đứa con của bà, dán ảnh từ khi còn ẵm ngửa cho đến khi con tốt nghiệp đại học, có gia đình riêng... Tôi xem đó là những cuốn nhật ký bằng ảnh. Má còn cắt dán tất cả những bài báo viết về tôi. Lần nào xem lại tôi cũng thấy xúc động, nên viết bài hát Nhật ký của mẹ vào năm 2008 như một món quà tặng cho người phụ nữ mà tôi kính yêu suốt đời".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Viết nhạc từ những trang nhật ký ảnh của mẹ - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Chung rất thương mẹ

Tuy vậy, anh đã khá "đau đầu" khi chọn hình ảnh hoặc giai đoạn nào của người mẹ thì dễ gây ấn tượng với khán giả? Cuối cùng anh quyết định "đổi vị trí", thay vì nói về tình cảm đứa con dành cho mẹ, thì ở đây người mẹ sẽ kể về hành trình yêu thương trải dài từ lúc hoài thai cho đến khi đứa con rời khỏi vòng tay cha mẹ.

Tác giả bài hát nói rằng anh cố gắng để Nhật ký của mẹ có ca từ thật đẹp - vì tình yêu của mình dành cho mẹ và cả tình yêu dành cho tiếng Việt - kết hợp với giai điệu viết theo nhịp 3/4 dễ hát và tông La thứ nhẹ nhàng, yên bình, như lời ru của mẹ. "... Một ngày tỉnh giấc rồi mẹ chợt nghe vụng về con nói câu mẹ ơi/ Chiếc môi bé nhỏ thốt lên bất ngờ khiến tim mẹ vui như vỡ òa/ Đây là mặt đất, đây là trời cao, là nơi đã sinh ra con...", cứ thế hành trình làm mẹ chính là hành trình dõi theo con làm lay động cả người hát lẫn người nghe.

Khi mạch cảm xúc về gia đình vẫn đang còn, Nguyễn Văn Chung viết tiếp Mẹ ơi có biết. Đây là bài hát thiếu nhi thứ 2 của Nguyễn Văn Chung sau thành công của Một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to và là món quà anh viết cho con gái nuôi để bé gửi tặng mẹ. Vì vậy, mọi thứ ở Mẹ ơi có biết đều hồn nhiên như con trẻ và bài hát này vẫn được hát rất nhiều ở các trường mầm non. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Viết nhạc từ những trang nhật ký ảnh của mẹ - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Đến trái tim khán giả

Khi hoàn thành, Nhật ký của mẹ có thời lượng dài 8 phút. Thoạt đầu, Nguyễn Văn Chung băn khoăn vì nó dài quá, sợ ca sĩ không chịu hát và khán giả cũng không chịu nghe, nhưng anh vẫn giữ nguyên, vì xác định đây là món quà dành cho mẹ, phải làm trọn vẹn như ý mình.

Anh hào hứng kể về việc làm MV Nhật ký của mẹ, với phần biểu diễn tranh cát: "Sau 2 năm nằm chờ, Nhật ký của mẹ được trình bày bởi ca sĩ Hiền Thục - người có giọng ca đẹp như tôi mong muốn. Tiếp đến, tôi lại muốn bối cảnh và nhân vật trong MV không phân biệt cha mẹ giàu hoặc nghèo, nông thôn hoặc thành phố, trí thức hoặc lao động phổ thông... để không ai thấy những hình ảnh đó xa lạ với họ. May mắn, tôi gặp nghệ nhân vẽ tranh cát Trí Đức và anh đã có phần thể hiện quá đẹp, phải nói bài hát này có số phận may mắn". Nguyễn Văn Chung tiết lộ kinh phí làm MV Nhật ký của mẹ chỉ 3 triệu đồng, nhưng đã thành bản hit suốt một thời gian dài.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Viết nhạc từ những trang nhật ký ảnh của mẹ - Ảnh 3.

Hai ca khúc trong hai sách "Âm nhạc"

Dĩ nhiên, với sự lan truyền rộng rãi như vậy, Nhật ký của mẹ đem lại cho tác giả của nó một nguồn thu nhập lớn và rất nhiều kỷ niệm khó quên. Nguyễn Văn Chung kể, trước đó, hầu hết khán giả của anh là những người trẻ tuổi, rồi một ngày anh bất ngờ nhận được E-mail của vị khán giả tuổi 80 viết rằng đã khóc khi nghe bài hát vì nhớ mẹ. Một bạn thanh niên nói vì giận gia đình nên bỏ nhà "đi bụi" đã 2 năm, sau khi nghe bài hát liền đặt vé xe trở về nhà. Bệnh viện Từ Dũ xin phép cho phát bài hát này ở phòng những người mẹ chờ sinh để họ bớt thấy đau và cảm nhận sự thiêng liêng khi chờ đón đứa con chào đời.

Không chỉ có bản tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa, Nhật ký của mẹ còn được Đại sứ quán Nhật xin phép để dịch sang tiếng Nhật, sau đó bài hát được đưa vào giảng dạy ở một số trường tiểu học ở Nhật Bản. Những điều này giúp Nguyễn Văn Chung thay đổi quan điểm sáng tác của mình, chính cái đẹp chân thật và giản dị mới dễ đến và ở lại lâu dài trong trái tim khán giả, chứ không phải là vẻ hào nhoáng của sự phô diễn kỹ thuật, hoặc dùng những kỹ xảo, hiệu ứng mới lạ trong việc dàn dựng khi quay MV.   

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Viết nhạc từ những trang nhật ký ảnh của mẹ - Ảnh 4.

Nguyễn Văn Chung cùng cha và hai con

"Bây giờ tôi thích sự trầm lắng"

Sau những bản tình ca luôn đứng vị trí cao ở các bảng xếp hạng và rất nhiều ca sĩ hát ở sân khấu, Nguyễn Văn Chung xây dựng hình ảnh một nhạc sĩ của những bài hát gia đình. Sự rẽ hướng này hợp với nội tâm của anh, nhưng nhiều lúc vẫn khiến anh hoang mang liệu mình đã chọn lựa đúng chưa? Anh ngơ ngác không hiểu thị trường âm nhạc hiện đang đi theo xu hướng nào, dù mình từng "rần rần" trong showbiz và chưa bao giờ bước hẳn chân ra ngoài.

"Tuy nhiên, nếu hơn 10 năm trước thì đúng là tôi có hoài nghi về mình, thậm chí tủi thân vì trước đó thường có tên trong các bảng xếp hạng và từ khi viết nhạc thiếu nhi thì chẳng được nhắc đến tên, nhưng hiện tại thì không. Trải qua nhiều biến cố từ cuộc sống tới gia đình và nhìn thấy những đổi thay của thị hiếu âm nhạc, bây giờ tôi thích sự trầm lắng, vì hiểu đâu là giá trị mình cần theo đuổi" - nhạc sĩ bộc bạch.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Viết nhạc từ những trang nhật ký ảnh của mẹ - Ảnh 5.

Những năm gần đây Nguyễn Văn Chung viết về đề tài quê hương đất nước và cho ra đời hàng loạt ca khúc như Viết tiếp câu chuyện hòa bình, Đẹp nhất áo dài, Bản tình ca giữa lòng thành phố, Những lá thư Trường Sa... Anh hào hứng làm việc với Đoàn thanh niên và các trường học khi họ muốn anh chia sẻ về các bài hát, hoặc gợi ý về cách dàn dựng, biểu diễn.

Hỏi anh: "Vậy thì anh có "lăn tăn" vì tên tuổi và thu nhập không bằng hồi "rất hot" không?". Nguyễn Văn Chung chia sẻ: "Tôi xuất phát là một nhạc sĩ không chuyên và nhìn lại những gì âm nhạc đem lại cho tôi như vậy là rất nhiều rồi. Nếu không có cha mẹ, các con và những người dốc lòng yêu tôi, thì tôi không làm được như vậy".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Viết nhạc từ những trang nhật ký ảnh của mẹ - Ảnh 6.

Nguyễn Văn Chung và hai con

Với âm nhạc, Nguyễn Văn Chung vẫn muốn chinh phục những thách thức mới bằng những bước đi được trang bị vững vàng. Nói rằng đây là thời điểm thích sự trầm lắng, nhưng thực chất với âm nhạc, cái tên Nguyễn Văn Chung hiếm khi trầm lắng. Anh vẫn hoạt động liên tục và mong muốn có những thành công khác trong âm nhạc như sáng tác 100 bài hát về quê hương đất nước, chinh phục giải Cống hiến - giải thưởng âm nhạc mà theo anh là rất danh giá.   

Theo dõi hành trình âm nhạc của Nguyễn Văn Chung sẽ thấy được "hành trình cảm xúc" cá nhân của anh qua mỗi giai đoạn khi sôi nổi, lúc bất lực, định buông xuôi, hoặc suy ngẫm chiêm nghiệm. Âm nhạc mang luôn con người Nguyễn Văn Chung vào đó. Nhưng sau cuộc hôn nhân thất bại, anh thấy không có nghĩa là một gia đình thất bại. Anh nuôi con và làm bạn với con - hai đứa trẻ đang ở tuổi dậy thì, cần xây dựng giá trị cốt lõi, yêu thương và trách nhiệm. Anh dạy con những kỹ năng sống, "con tôi khờ như tôi khi xưa vậy, nên tôi phải dạy chúng bằng sự kiên nhẫn và thường xuyên nhớ lại mình khi ở lứa tuổi đó để tránh gây tổn thương, giúp chúng không phải sống khó khăn như tôi khi xưa".

Mẹ anh rời cõi tạm vào năm ngoái. Mẹ không còn, nhưng mẹ vẫn là lời nhắc nhở để Nguyễn Văn Chung đặt những mục tiêu xa hơn. Anh phấn đấu để tiếp tục có những thành quả từ âm nhạc, thay mẹ cắt những bài báo viết về mình dán vào sổ của mẹ và xây căn nhà trồng thật nhiều hoa như mẹ đã mơ ước.

Vài nét về Nguyễn Văn Chung

Sinh năm 1983 tại TP.HCM. Hiện đang điều hành Công ty Dịch vụ - Giải trí Sư tử bạc. Các giải thưởng tiêu biểu: Giải thưởng Làn sóng xanh, hạng mục Nhạc sĩ được yêu thích nhất (các năm 2009, 2010, 2011, 2012), Giải thưởng VHNT TP.HCM 5 năm lần 2 dành cho bài hát Nhật ký của mẹ, Giải thưởng Khát vọng Dế Mèn cho chùm ca khúc thiếu nhi năm 2020, giải thưởng Hội Âm nhạc TP.HCM (2020, 2021, 2022, 2023, 2024)…

Lâm Hạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm