Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mỹ là nước dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nhất thế giới

10/03/2015 13:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1982, 7 năm sau ngày quân đội Mỹ hoàn toàn biến mất tại Việt Nam, cánh cửa giao thương Việt - Mỹ vẫn đóng chặt với chính sách cấm vận Việt Nam được đưa ra từ phía bên kia.

Nhưng một cánh cửa đã mở ra, từ William Joiner Centre, một trung tâm đặc biệt thuộc Đại học Massachusetts, Boston, do các cựu binh Mỹ sáng lập, hướng tới sự giao lưu văn hóa giữa nhà văn hai nước. Nhà văn Lê Lựu cùng nhà biên kịch Ngụy Ngữ là những người làm văn nghệ Việt Nam đầu tiên đến Mỹ qua lời mời của William Joiner. Tiểu thuyết Thời xa vắng là cuốn sách đầu tiên được William Joiner dịch và giới thiệu tại Mỹ…

Là một trong những người tham gia tích cực vào quá trình xây dựng mối quan hệ giữa các nhà văn hai nước thông qua “cánh cửa” William Joiner, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết:

- Phải nói rằng, quan hệ của văn học Việt - Mỹ khởi sự ngay từ trong chiến tranh, khi những nhà văn nhà thơ Mỹ như: Kevin Bowen (Giám đốc Trung tâm William Joiner - TT&VH Cuối tuần), Bruce Weigl, Larry Heinemann... những người có sách viết về Việt Nam. Ngay khi họ nhận ra cuộc chiến phi lý của Chính phủ Mỹ, họ đã bắt đầu tìm hiểu về văn hóa Việt Nam ở những nơi mà họ đóng quân và nghĩ lại về dân tộc mình. Khi trở về Mỹ họ tìm hiểu nhiều hơn và đã tham gia vào những phong trào phản chiến.

Nhưng khi quay trở về họ bắt đầu thấy rằng cũng cần phải biết, cần phải viết về dân tộc Việt Nam và họ cầm bút viết văn. Trong số rất nhiều cựu binh, lính Mỹ ở Việt Nam đó, nhiều người đã đoạt giải Pulitzer, trở thành ứng cử viên giải Nobel. Họ đã dùng văn chương là phương tiện uy quyền nhất để nói về dân tộc Việt Nam, cuộc chiến ở Việt Nam từ ngay trong chiến tranh.


Nhà văn Lê Lựu và cuốn tiểu thuyết Thời xa vắng của ông là “sứ giả văn chương” Việt Nam đầu tiên đến Mỹ theo lời mời của Trung tâm William Joiner (năm 1987)

Chiến tranh kết thúc, họ đã rất nhiều lần trở lại Việt Nam, mang những điều họ viết về Việt Nam và dịch những điều gì người Việt Nam viết về dân tộc của mình để xuất bản ở bên kia. Cho đến khi Trung tâm William Joiner thành lập… Đây phải nói là một  trung tâm đặc biệt nhất ở Mỹ và trên thế giới vì nghiên cứu hậu quả chiến tranh và xã hội qua con đường thơ văn và Việt Nam là một trong những mục tiêu lớn nhất của họ để làm thế nào truyền bá văn hóa, văn học Việt Nam vào Mỹ, để cho người Mỹ từ một người bình thường, một cựu binh Mỹ, các nhà văn  hóa, các giáo sư, các nhà hoạch định chính sách của Nhà Trắng hiểu về Việt Nam một cách kỹ lưỡng hơn.

Lặng lẽ và bền bỉ, ngay sau tháng 4/1975, các nhà văn cựu binh Mỹ tìm mọi cách trở lại Việt Nam và thực hiện những nhiệm vụ mà lương tâm họ tự đặt ra cho mình. Nhưng cuộc gặp gỡ đầu tiên của các nhà văn cựu binh Mỹ và các nhà văn Việt Nam chính thức diễn ra năm 1990 khi được Nhà nước Việt Nam cho phép và các nhà văn cựu binh Mỹ đã gặp gỡ các nhà văn Việt Nam để cất tiếng nói về những vấn đề về chiến tranh và bày tỏ lời xin lỗi đối với dân tộc Việt Nam vì đã mang bom đạn đến.

* Những năm 90 thế kỷ trước, Việt Nam còn trong tình trạng bị cấm vận kinh tế với nhiều nước trên thế giới, chắc hẳn việc giao lưu này không hề dễ dàng?

- Đúng vậy. Khi các nhà văn cựu binh Mỹ sang Việt Nam giao lưu, ông Kevin Bowen đã mang 10.000 USD để giúp  đỡ các nhà văn Mỹ cùng đi để chi tiêu cho việc của họ. Khi trở về Mỹ ông phải điều trần trước Chính phủ Mỹ rằng tại sao lại đi mang tiền cho một nước cộng sản, một nước đang là kẻ thù của Mỹ. Nhưng chính cuộc điều trần này là một cơ hội rất lớn cho đại diện các nhà thơ, nhà văn phản chiến Mỹ cất tiếng nói trước Quốc hội Mỹ về dân tộc Việt Nam. Và Trung tâm William Joiner có một chủ tịch danh dự là John Kerry, người sau này nỗ lực làm cho Quốc hội, Chính phủ Mỹ hiểu về Việt Nam và đẩy nhanh quá trình xóa bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

* Mối quan hệ của nhà văn hai nước hiện ra sao, thưa ông?

- Từ năm 1990 đến nay, hầu như hàng năm các nhà văn Việt Nam đều được mời sang Mỹ đến Đại học Massachusetts và từ đó lan tỏa ra các nơi khác toàn nước Mỹ để nói chuyện về chiến tranh, về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, về khát vọng độc lập... Trung tâm William Joiner tài trợ toàn bộ chi phí từ vé máy bay đến đi lại cho các nhà văn Việt Nam.

Bên cạnh đó, năm nào các nhà văn Mỹ cũng sang Việt Nam tìm hiểu, giúp các cựu binh Việt Nam...

Và một việc quan trọng hơn cả là họ đã dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam và giới thiệu tại Mỹ. Phải nói rằng sau năm 1975, thì nước dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nhất chính là Mỹ, trong đó Trung tâm William Joiner chiếm đến 90%. Trung tâm này đã dịch toàn bộ tác phẩm văn học cách mạng Việt Nam, dịch thơ văn Hồ Chí Minh, dịch Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Hồ Xuân Hương, Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh, Tế Hanh, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật...

* Theo ông, văn học Việt Nam có thực sự tạo ấn tượng ở Mỹ trong cuộc giao lưu này?

- Dù đứng về mặt thi pháp thơ ca có thể chúng ta không mang lại điều mới mẻ gì cho những nhà văn nhà thơ rất danh tiếng trên thế giới của người Mỹ, nhưng những điều mà văn chương Việt Nam đề cập đến, những sự rung cảm, những vẻ đẹp tinh tế nhưng cũng rất giản dị về Việt Nam, và tất cả những điều gì người Việt Nam đã sống, đã lao động, đã chiến đấu, đã mơ ước... đã thay đổi quan điểm của người Mỹ.

Trước đó chúng ta vẫn nói người Mỹ nhìn Việt Nam như một cuộc chiến tranh, nhưng sau năm 1975, do sự bền bỉ nhẫn nại của các nhà văn cựu binh Mỹ, các nhà ngoại giao đặc biệt - đã thay đổi  cách nhìn và người Mỹ nhận ra rằng Việt Nam là đất nước của văn hóa chứ không phải một dân tộc hiếu chiến như tuyên truyền trước đó của họ.

* Chiến tranh đã kết thúc 40 năm. Mối quan hệ  văn chương Việt - Mỹ  sẽ được các thế hệ nhà văn trẻ của Việt Nam tiếp nối thế nào?

- Giao lưu này sẽ tiếp nối và mở rộng bình diện rõ hơn, mang tính đa dạng hơn, không chỉ văn học viết về chiến tranh, không chỉ văn học viết về những vấn đề vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam, mà cả những  những tác phẩm viết về những thách thức mà người Việt Nam phải đương đầu, những thách thức về chủ quyền biển đảo...

Khi những vấn đề về biển Đông đang cuộn sóng, tôi đến Mỹ và các nhà văn Mỹ hỏi tôi về vấn đề đó. Họ tổ chức riêng cho tôi một cuộc nói chuyện về vấn đề này và quyên góp. Về tài chính thì không bao nhiêu, nhưng quan trọng hơn tôi thấy ở đó thái độ của cựu binh Mỹ. Họ nói rằng họ có quyền nói về Việt Nam hơn ai khác, bởi họ đã từng đến Việt Nam, từng đánh nhau với người Việt Nam, từng nhận ra sai lầm, từng phản chiến, từng quay lại và yêu đất nước này và họ luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

* Xin cảm ơn ông!

Đất nước thống nhất không chỉ là sự thống nhất về địa lý, mà quan trọng hơn, là thống nhất lòng người

An Như (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm