16/09/2014 15:33 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi Văn học tuổi 20 (VHT20) do NXB Trẻ, báo Tuổi Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM đồng tổ chức trong 20 năm qua. Tuy nhiên, đóng vai trò chính trong VHT20 vẫn là NXB Trẻ.
Nhà báo Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV NXB Trẻ, ông từng công tác nhiều năm ở báo Tuổi Trẻ ở vị trí Phó Tổng biên tập; là Trưởng ban Tổ chức VHT20 lần 5, ông có cuộc trao đổi với TT&VH Cuối tuần.
* 20 năm là một chặng đường dài, là người tổ chức cuộc thi, ông có thể đánh giá sơ bộ những điều mà VHT20 làm được cho đời sống văn học lâu nay?
- Tôi có may mắn góp mặt nhiều lần cùng VHT20, kể từ cuộc thi lần thứ 2, với tư cách đại diện của báo Tuổi Trẻ, và đến lần thứ 5 này, là thành viên của NXB Trẻ. Có thể nói “Cuộc vận động sáng tác VHT20” đã góp nhiều tác phẩm đáng đọc cho nền văn học nước nhà. Xu hướng sáng tác là từ ngắn đến dài, và từ riêng đến chung nhưng ngày càng khác biệt… Số lượng các tập truyện ngắn những lần thi trước thường cao hơn hẳn, rồi giảm dần tỷ lệ, và đến lần này thì số lượng truyện dài đã gần xấp xỉ với các tập truyện ngắn.
Các truyện dài đoạt giải cũng chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Các giải nhất ba lần gần đây được trao đều là truyện dài. Hy vọng, với đà chạy này, những lần thi sau, chúng ta sẽ nhận được những bộ tiểu thuyết xứng đáng. Các tác phẩm dự thi, ngày càng phong phú, đa dạng về đề tài nhưng quan trọng hơn, đã dần thoát chuyện khai thác ký ức cá nhân, trải nghiệm riêng tư, bức bách bên trong, để hướng ánh mắt, nhịp tim đến với cuộc sống bao la quanh cái tôi nhỏ bé, hứa hẹn một nguồn năng lượng giàu sức sáng tạo cho văn chương nước nhà. Nhưng đồng thời, lại rất khác biệt, cá tính, độc đáo với những thể nghiệm mới mẻ, tự tin, táo bạo và có khi liều lĩnh trong cách diễn đạt, trong cách bố cục, trong cách xây dựng nhân vật, và bên cạnh lối tự thuật thường thấy, là sự xuất hiện của bút pháp siêu thực, kỳ ảo gây nhiều bất ngờ, ấn tượng và thú vị, mang dáng dấp lối tư duy phá cách, hiện đại, cộng hưởng với sự khai phá và chiếm lĩnh sâu sắc, tường tận, có hệ thống về kiến thức liên quan, về bối cảnh không gian và thời gian, về thông tin và sự kiện làm nền cho những thông điệp gửi đến người đọc.
* Theo ông cái lớn nhất mà VHT20 đạt được là gì?
- Đó là sự phát hiện, đánh thức, gọi tên một lực lượng sáng tác trẻ, như trong tổng kết tại Lễ trao giải lần 5 mà tôi đã trình bày: “VHT20, kể từ lần phát động đầu tiên (1994) đã qua chặng đường 20 năm, đã góp cho văn đàn một tài sản có ý nghĩa, với 49 tác giả được vinh danh và 54 tác phẩm được trao thưởng. Những cái tên như: Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Dương Thụy, Phong Điệp, Võ Diệu Thanh, Trang Hạ… đã tiếp tục khẳng định bút lực và cá tính sáng tạo nhưng cũng đồng thời khẳng định sức sống của một giải thưởng có tên VHT20!”
* Có thể nói, VHT20 hiện là một “thương hiệu” để những người viết văn, đặc biệt là người trẻ thử thách và khẳng định mình. Tuy nhiên, thương hiệu xây dựng được trong 20 năm qua cũng là thách thức. Xin ông cho biết, NXB Trẻ đã có kế hoạch gì nhằm vượt qua những “gánh nặng” của quá khứ trong cuộc thi này?
- Những gì đã đạt được, không phải là gánh nặng! Đó chính là tài sản lớn mà chúng tôi cần tiếp tục đầu tư để phát triển. Có chăng, chính là lời cam kết bảo đảm cho VHT20 giữ cho được là “một sân chơi bình đẳng, một luật chơi minh bạch và có nguyên tắc hành xử riêng!”, như ý kiến đánh giá của nhà báo Nguyễn Vinh, tức nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - người đã từng dự thi VHT20.
* Hôm tổng kết trao giải lần thứ 5, TS Nguyễn Thành Thi có đề xuất nên “mở rộng VHT20 cho cả thể loại tản văn”. NXB Trẻ có lưu tâm đến đề xuất này và nếu có thực hiện thì sẽ làm như thế nào, thưa ông?
- Tản văn là một thể loại giàu sức sống. Hiện nay, nhiều tuần báo, tạp chí “nuôi dưỡng” bạn đọc bằng các chuyên mục như: Tạp bút, Phiếm đàm, Tản mạn, Chuyện cuối tuần, Nhật ký thành phố… Một số cây bút nổi danh từ các trang blog, trang Facebook… Một số nhà văn tên tuổi như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Phấn… cũng rất thành công với thể loại này. Vấn đề là, tản văn là một thể loại “cộng sinh” giữa văn chương và báo chí. Nhiều thách thức sẽ đặt ra cho những người tổ chức: tản văn dự thi có được công bố trước trên báo, nếu được công bố, tác phẩm dự thi là tuyển tập các bài báo đã đăng hay một tuyển tập đã được in thành sách, chất văn và chất báo được đánh giá ra sao… Tuy đề xuất của TS Nguyễn Thành Thi là một đề xuất tâm huyết, nhưng có thể, một giải thưởng như thế sẽ vượt ngoài khuôn khổ của VHT20.
* VHT20 lần 5 có nhiều đổi mới và được mạnh dạn đầu tư như: hiển danh tác giả có tác phẩm vào chung khảo, in sách với số tiền đầu tư khá lớn… Sau khi các tác phẩm đã in sách và định vị thứ tự giải thưởng, ngoài chuyện tái bản và phát hành sách, nghe nói những tác phẩm này sẽ được dựng thành phim. Xin ông nói rõ hơn về kế hoạch “nối dài đời sống” của những tác phẩm VHT20?
- NXB Trẻ đang cùng với kênh truyền hình TodayTV thảo luận về việc chuyển thể VHT20 sang phim. Bởi thực tế, không ít tác phẩm đầy ắp tính điện ảnh, hoàn toàn có thể dựng thành phim, kể cả phim nhiều tập. Thật là lý tưởng, nếu các tác giả có thể tự viết lại thành kịch bản phim cho chính tác phẩm của mình. Và tại sao, không giúp cho các nhà văn trẻ rèn thêm kỹ năng viết kịch bản? Thực tế hiện có nhiều nhà văn đang sống bằng nghề viết kịch bản, vì nhu cầu phim Việt cho người Việt đang là một đòi hỏi to lớn và bức bách!
* So với các loại hình nghệ thuật giải trí khác như ca nhạc, phim ảnh… được xã hội quan tâm đầu tư rất lớn; ông có nghĩ đến việc kêu gọi “xã hội hóa” cho VHT20?
- “Xã hội hóa”, trong trường hợp này, nhiều người thường nghĩ kiểu “mặc định” ở các cuộc thi là việc “kêu gọi tài trợ”. Thực tế cho thấy, cuộc phối hợp trong 20 năm qua, của Hội Nhà văn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ, của bộ ba “văn chương - báo chí - xuất bản” này, là một cuộc phối hợp ăn ý, đồng bộ, trách nhiệm và hiệu quả. Có thể giải thưởng VHT20 cần “xã hội hóa” theo hướng nhiều người biết đến, nhiều người sáng tác dự thi và nhiều người đọc tìm đọc, chứ không phải là kêu gọi tài trợ!
* Xin cảm ơn ông!
Bài 20 năm Văn học tuổi 20: Đường vẫn còn dài
Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất