16/02/2024 08:07 GMT+7 | Văn hoá
Tôi có nhẽ thuộc lớp người sống hơi cổ: Ba ngày Tết chỉ dành cho người trong nhà và bạn bè quanh phố phường. Từ sáng sớm mỗi ngày đều thắp hương, thay rượu, nước trên bàn thờ. Càng có tuổi, càng luẩn quẩn lui về với họ mạc xóm làng.
Nhớ lại một thời kham khổ. Tết đến, thấy bố cặm cụi gói bánh, tôi hỏi sao không đi đặt, thì bố mắng: Cả năm vất vả được mà ngày Tết gói có mấy tấm bánh cúng trời đất tổ tiên lại ngại là sao?
Là đàn ông trong nhà, bố tự tay làm cỗ. Thấy ông tuy vất vả nhưng vẻ mặt chăm chú, cẩn trọng, lòng mình cũng dấy lên nỗi cảm hoài về lòng thành kính với tổ tiên. Mâm cỗ bày ẩu với ông là không được. Nhất là khi đứng trước bàn thờ, rì rầm khấn vái, ông nhắc đến thần linh thổ địa, hoàng thiên hậu thổ, ông bà tổ tiên nội ngoại, cô di tỉ muội, ông tiền chủ, bà tiền chủ trên đất này... Càng thấy thế hệ ông sống kĩ, cẩn trọng với tâm linh. Ông bảo ba ngày Tết đừng để ban thờ lạnh khói hương, thế là bất kính, còn ai phù hộ cho nữa!
Lớn lên, tôi rời gia đình nhỏ bé giữa nơi xứ rừng, đi học rồi thoát ly công tác. Những năm đầu mới lập gia đình, dịp Tết, vợ chồng kéo nhau về bên ông bà đầm ấm. Ngày Tết xưa là ngày hướng nội. Nhà dân tộc học Chu Thái Sơn nói với tôi: Tiền nhân xưa đã chọn ngày gia đình là mồng Một Tết đấy. Con cái ở đâu cũng về quê quây quần bên bố mẹ. Bố mẹ dù già, chỉ loanh quanh một chỗ nhưng vẫn luôn là trung tâm tập hợp con cháu mỗi khi Tết về. Nên cái Tết khó bỏ là thế!
Mà bỏ làm gì. Tết xưa cũng chỉ ba ngày. Ngày mùng Ba, hóa mã, lễ tạ hoàng thiên hậu thổ, tạ thổ thần thổ địa, đưa tiễn các vong linh tổ tiên về tiên giới là hết Tết. Còn thời gian sau đấy là chờ lúa lên thì, rảnh rỗi làng mở hội đình, hội chùa, giao lưu vui chơi ít ngày.
Quê tôi chẳng bao giờ thấy Tết dài. Mùng Ba sau Tết là đã ra vườn xới cỏ, thăm ruộng, bắt nước cho lúa ấm chân. Chơi dài có khi chỉ chốn thị thành, chứ thôn quê đâu có thế!
***
Năm nay nể con, ngày mồng ba Tết, tôi đóng cửa theo chúng đi Tuyên Quang thăm xứ sở Sông Lô, Đoan Hùng, vùng đất trung tâm căn cứ địa Việt Bắc.
Năm nay tiết trời quá đẹp. Trời sáng trong và cao xanh vời vợi. Cái se lạnh đủ để cảm nhận không khí mùa Xuân.
Có ra đường mới biết giờ có hẳn một lớp người giàu có thật. Ôi, cơ man xe xịn. Hỏi ra thì cũng rời Hà Nội tìm hơi mát của núi, thăm đền phủ và tắm suối nước nóng... Mỗi nhà một xe 7 chỗ. Mọi người bảo cũng chỉ có nghỉ mấy ngày Tết mới có dịp đi chung. Chứ sau Tết lại tản mát mỗi người một việc của mình.
Thời thế thay đổi, trước Tết chỉ trong làng xã, nay Tết đã có đủ phương tiện níu mọi miền lại. Khi có phương tiện tốt thì cái thăm thẳm xa một thời nay thành trong gang tấc.
Tết bây giờ hướng ngoại, giao tiếp rộng hơn với thế giới bên ngoài. Khi lũy tre làng không còn thì tầm nhìn cũng xa hơn. Cũng như Internet, biến thế giới hẹp lại trở thành như một xóm nhỏ.
***
Nhưng chợ Nhật Tân 28 Tết, một quả cau đặt trên đĩa trầu có giá 17 ngàn, thì tôi nhận ra, cái thăm thẳm trong Tết ta vẫn còn đó, chẳng mất đi đâu mà sợ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất