Ngẫm ngợi cuối tuần: Bàn về từ "ao"

15/12/2024 08:12 GMT+7 | Văn hoá

Trong tiếng Việt, từ "ao" có nhiều nghĩa. Có chữ "ao" (động từ) là ước lượng, dự đoán. Còn "ao" trong "ao chuôm" thuộc danh từ thì rất cụ thể. 

Ao là tài sản của mỗi gia đình, hoặc thuộc sở hữu công cộng của làng (ao làng) ... Lại có chữ "ao" (out) trong tiếng Anh là "thoát ra" thì mới xuất hiện khi nước ta hội nhập với kinh tế toàn cầu. Đồng âm khác nghĩa là như vậy!

Nhà có ao để nuôi cá ươm bèo, là cầu giặt giũ, tắm rửa khi đi làm đồng về. Ca dao xưa: "Nhà anh chín đụn mười trâu/ có ao thả cá có cầu rửa chân". Khoe của đấy. Rõ đó là một giá trị vật chất ra tấm ra món thả thính tìm vợ. Ao làng thì cũng có công dụng ấy nhưng là của chung cả làng dùng.

Nói thêm về chữ "ao" (động từ), nó có nghĩa "đong để ước lượng". Một cuốn từ điển giải thích, đây là từ ít dùng và lấy ví dụ "ao thúng thóc" hoặc dẫn ra câu thơ của Nguyễn Huy Tự "Thói đời giọt nước làn mây/ Đấu nào ao được vơi đầy mà tin" (truyện thơ "Hoa tiên").

Ngẫm ngợi cuối tuần: Bàn về từ "ao" - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Thời tôi thường dùng từ "ao" với nghĩa là "ước đoán". Ước đoán về dung lượng, trọng lượng, chiều cao, chiều dài... Tôi từng biết có một người khiếm thị đi mua trâu thịt. Ông sờ đầu, nắn sườn, vuốt đuôi trâu xong thì vỗ cái đét vào mông trâu rồi phán: con này tạ rưỡi thịt, con kia tạ thịt... rồi trả giá. Người tinh mắt không mấy ai làm được, thế mà ông lão này dùng tay sờ nắn rồi ước đoán mà sai số chỉ vài cân. Nên việc mua bán của ông luôn thông đồng bén giọt. Việc đó gọi là "ao".

 Xã hội văn minh lên thì việc "ao" đó dần dần mất đi vì con người được trợ giúp đo, đong, đếm, cân… bằng những phương tiện khoa học. Nhưng trong giáo tiếp dân sinh thì đôi khi việc "ao" vẫn xảy ra trong giao dịch, có khi "ao" bằng mắt, hoặc xách lên tay dự đoán trọng lượng. "Ao" thì chẳng bao giờ chính xác.

Động từ "ao" có tính tương đối đó giờ gần như mất hẳn. Nó chính là từ của thôn quê ngày xưa trong trao đổi buôn bán ở một giới hạn hẹp. Từ này chỉ phổ biến cách nay trên 60 năm thôi.

Ngôn ngữ sinh ra để dùng khi có nhu cầu, còn khi nhu cầu không có nữa thì sẽ lùi dần vào quá khứ và mất đi. Ngôn ngữ thôi cũng có sinh có diệt như một quy luật khách quan, chẳng thể cưỡng cầu.

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm