Lời giải bài toán phim lịch sử Việt?

03/08/2010 07:46 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Vì sao một đất nước với bề dày 2.000 năm dựng nước và giữ nước, với lịch sử oai hùng ba lần chặn đứng vó ngựa Nguyên Mông, thắng cả hai cường quốc Pháp và Mỹ trong lịch sử cận đại..., lại không thể có nổi một bộ phim lịch sử (từ điện ảnh đến truyền hình) xứng đáng? Lý do muôn đời được đưa ra là thiếu kinh phí. Tuy nhiên bài toán kinh phí chỉ là phần nhỏ trong hàng loạt những vấn đề chưa có lời giải đáp.

1. Có thể nói làm phim lịch sử cổ trang là thách thức lớn nhất trong điện ảnh - ngay cả đối với Hollywood - vì phải tái tạo lại tất cả những gì đã từng hiện hữu trong quá khứ. Bối cảnh lịch sử càng xa hiện tại bao nhiêu, sự phức tạp càng tăng lên bấy nhiêu.


Diễn viên Phan Hòa trong vai Thái hậu Dương Vân Nga trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long

So với nhiều nước trong khu vực, điện ảnh Việt Nam có lịch sử đáng tự hào khi bộ phim đầu tiên (Kim Vân Kiều) được sản xuất từ năm 1923. Từ năm 1925 đã xuất hiện những hãng phim Việt Nam, có những bộ phim Việt Nam hợp tác với nước ngoài. Vậy nhưng suốt một thời gian dài điện ảnh Việt Nam không tồn tại khái niệm phim trường (nội cảnh lẫn ngoại cảnh) - mà đối với phim lịch sử cổ trang, phim trường là yếu tố quan trọng hàng đầu!


Nay nói tới xây dựng phim trường (đúng nghĩa chứ không phải là khu nhà kho hay bãi đất trống dựng vài bối cảnh sơ sài mà lâu lâu báo chí vẫn giới thiệu là “phim trường A., phim trường B.” của hãng X., Y.,...) hiện tại là một việc quá sức đối với các hãng phim tư nhân bởi việc này rất tốn kém. Vì vậy, giờ đây nói đến làm phim lịch sử hầu như ai cũng nghĩ đến phương án sang Trung Quốc quay nhằm tận dụng hệ thống trường quay có sẵn của họ.

Tuy nhiên, trên thực tế, với trường quay có sẵn này, đội ngũ thiết kế Việt Nam phải thay đổi khá nhiều từ chi tiết hoa văn đến cấu trúc của các kiến trúc khác triều đại - việc này mất khá nhiều thời gian và tốn kém. Thêm nữa, đường sá, chợ búa, nhà cửa, đền đài, dinh thự thành quách Việt Nam xưa diện tích nhỏ hẹp chứ không vĩ đại hoành tráng như của Trung Quốc. Đó là chưa kể việc huy động diễn viên quần chúng sẽ vô cùng khó khăn, vì dung mạo của người Việt khác người Trung Quốc.

Thiết kế trang phục là câu chuyện thứ hai, điều cực kỳ quan trọng trong phim lịch sử. Trang phục giúp khán giả hiểu được văn hóa và triều đại của người xưa. Thường những phim cổ trang của thế giới, họ phải tìm tòi trong tư liệu sách vở, hoặc đến các bảo tàng để nghiên cứu rồi sau đó sáng tạo thêm bớt cho phù hợp với mỹ quan của khán giả. Sự thực là 100% trang phục của phim cổ trang trên thế giới không bao giờ giống y hệt với thời đại diễn ra, mà chỉ là sáng tạo của các nhà thiết kế dựa trên những tư liệu của lịch sử. Phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu là một ví dụ. Ai dám bảo thời Chiến Quốc người ta ăn mặc màu sắc theo kiểu ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) như trong phim, và ai dám bảo không? Phim Hoàng Kim Giáp đã từng làm các nhà sử học Trung Quốc sôi sục khi Trương đạo diễn cho các cung tần mỹ nữ nhà Đường ăn mặc gợi cảm hết mức có thể. Ngày xưa chắc không ai dám cho phụ nữ ăn mặc thế, nhưng người xem hiện đại thì ai cũng phải công nhận là đẹp và hấp dẫn, thế là đủ!

Phục trang trong phim lịch sử, phim cổ trang Việt Nam đang bị xem là yếu kém nhất. Hầu hết các phim đều sử dụng trang phục vay mượn từ các đoàn tuồng hoặc cải lương, màu sắc lòe loẹt kim sa lấp lánh (chỉ thích hợp ở sân khấu cho dễ bắt ánh sáng). Nhìn phục trang của các bộ phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chẳng ai biết câu chuyện thuộc về triều đại nào khi vừa giống Tàu lại vừa mang đậm màu sắc cải lương tuồng cổ!

Tương tự là vũ khí và đạo cụ. Chúng ta không hề có một xưởng chế tác hoặc đầu tư thật sự nghiêm túc ở khâu này. Trong đó vũ khí luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các diễn viên, vì khác với các nước, ở Việt Nam… toàn chơi đồ thật! Diễn viên Quyền Linh đã từng kể lại khi quay cảnh giáp lá cà giữa quân ta và quân Minh trong phim Trùng Quang tâm sử, anh lạnh tóc gáy khi thấy thiết kế phát cho các diễn viên quần chúng – chủ yếu là dân địa phương – những đao kiếm giáo mác thật, mà phần lớn trong số đó… bị rỉ sét vì ít bảo dưỡng. Ai dám bảo đảm những “diễn viên” đó không nổi hứng lên và… đâm chém thật – vì họ có biết gì về nghề đâu! Lúc ấy Quyền Linh chỉ còn biết… cầu trời, sao cho xong cảnh quay còn giữ được mạng sống và không bị thương tích gì là phước đức lắm rồi. Thử hỏi trong hoàn cảnh đó, ai còn đủ can đảm để diễn xuất nữa?

Ngựa - con vật quan trọng nhất trong phim cổ trang - là thứ mà chúng ta hoàn toàn phải dùng đến… ngựa nhập khẩu để quay phim. Đây là đặc thù của vùng miền và lịch sử. Ngựa của nước ta từ xưa đến nay hình thể nhỏ và thấp bé, chân ngắn nên dáng đi giống con la nhiều hơn. Trong các sách sử Việt Nam ghi lại, chúng ta chưa bao giờ dùng sở đoản là đánh giáp lá cà với giặc phương Bắc bằng kỵ binh. Càng không dám đương đầu với kỵ binh Mông Cổ - được đánh giá thiện chiến nhất thế giới, chủ yếu do ngựa của họ to lớn khỏe và dẻo dai ít nước nào sánh kịp. Các nước không có truyền thống về ngựa, mỗi khi quay phim họ thường phải mua (phổ biến nhất là thuê) từ nước khác. Nếu có làm phim cổ trang chúng ta cũng nên theo cách đó. Với kỹ thuật hiện đại, phương án mua ngựa của nước ngoài về phối giống có thể khả thi, nhưng lại không hiệu quả về kinh tế vì đầu ra cho ngựa đóng phim quá ít. Tuy nhiên cần phải nhớ kỹ một điều, có ngựa vẫn chưa đủ vì ngựa đóng phim là ngựa đã được huấn luyện rất kỹ chỉ dành riêng cho công việc này, chứ không phải cứ thấy ngựa to khỏe là có thể lôi ra quay phim được!

Điều phối cảnh hành động võ thuật và cố vấn các nghi thức ứng xử ăn nói của người xưa, chúng ta cũng không có vì chưa có tiền lệ bao giờ. Những cảnh hành động võ thuật trong phim chúng ta hiện nay chỉ ở mức… bằng Hong Kong 30 năm về trước! Một phần do chúng ta không có dụng cụ chuyên ngành, phần khác thuộc về khả năng sáng tạo còn kém do quá ít va chạm với thực tế.

Làm phim lịch sử nên và cần được xem là quốc sách trong bước phát triển văn hóa giáo dục của đất nước. Nếu lớp trẻ vô cảm với lịch sử nước nhà, sẽ có nguy cơ vô cảm trước vận mệnh của dân tộc…

Nhưng tất cả những yếu tố trên đây đều không đáng sợ bằng thói quen xem phim lịch sử là các bài giáo khoa lịch sử trang nghiêm đến độ khô cứng. Phim lịch sử chưa bao giờ là bài học lịch sử khô khan, 100% phim lịch sử thế giới đều phải hư cấu dựa trên lịch sử thì mới hấp dẫn người xem. Chỉ một nhân vật Tần Thủy Hoàng nhưng điện ảnh Trung Quốc đã có nhiều “phiên bản điện ảnh” khác nhau và hư cấu nào thuyết phục khán giả hơn cả chính là phiên bản điện ảnh thành công - điều này cũng đã được minh chứng bằng thực tế.


2. Các phương tiện truyền thông đã nói quá nhiều về vấn nạn “Dân ta không biết sử ta” – thể hiện qua các kết quả tuyển sinh đại học môn sử hàng năm, như năm 2007: 58,5% bài thi sử… có điểm 1 trở xuống! Phương pháp dạy lịch sử khô khan nhàm chán và thiếu khoa học là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa này. Nhưng trong kỷ nguyên nghe nhìn hiện nay, sức mạnh của điện ảnh và truyền hình lại có ảnh hưởng rất lớn tới giáo dục học đường. Ở Việt Nam, không hiếm bạn trẻ bỏ ra nhiều giờ sục tìm trên mạng internet những thông tin về 13 triều nhà Thanh, hoặc triều đại Chosun của Hàn Quốc… khi vừa xem phim xong!

Không nói chuyện Trung Quốc hay Hàn Quốc, chỉ cần nhìn sang nước láng giềng Thái Lan để biết rằng họ đã đề ra quốc sách để phát huy truyền thống tự hào về lịch sử dân tộc thông qua phim ảnh, mà đứng đầu là hoàng tử Chatrichalerm Yukol, 63 tuổi - người đã từng học đạo diễn ở Mỹ, là đồng môn với đạo diễn lừng danh Francis Ford Coppola. Ông Yukol chủ yếu lấy những câu chuyện lịch sử từ hoàng gia Thái Lan để đưa lên phim. Năm 2001 là phim về bà hoàng hậu dũng cảm Suryothai, thế kỷ 16. Năm 2006, ông làm bộ phim về cuộc đời của quốc vương Naresuan, thế kỷ 16. Năm 2007, ông cho ra mắt tiếp phần 2 của Naresuan. Những phim này đều được thực hiện rất nghiêm túc với kinh phí khổng lồ. Hàng triệu công chúng Thái Lan đón nhận nồng nhiệt những bộ phim này một cách tự hào, góp phần biến 3 phim kể trên trở thành những tác phẩm ăn khách bậc nhất trong lịch sử Thái Lan.

Nhiều người đổ lỗi cho các đài truyền hình thi nhau nhập và chiếu phim dã sử cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc và Hong Kong - khiến giới trẻ nước ta hiện quá rành sử Tàu (!). Nhưng đáng trách hơn là ngành điện ảnh và truyền hình Việt Nam đã không có những động thái cần thiết, để định hướng và khuyến khích các thành phần tham gia sản xuất phim lịch sử. Đơn cử ở HTV (TP.HCM) doanh thu giàu có bậc nhất cả nước vẫn còn khoán kinh phí cho các hãng làm phim cổ trang 400 triệu/tập (khoảng 20.000 USD) thì thử hỏi ai còn dám làm?

Thiền Đăng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm