Biểu diễn ánh sáng tại lễ hội Bình Đà: Dân 'khoái', chuyên gia 'kêu'

05/04/2014 07:15 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Kết thúc vào đêm qua 4/4, dấu ấn lớn nhất tại lễ hội đền thờ Lạc Long Quân (Bình Đà, Hà Nội) lại là những tranh cãi trái chiều quanh việc sử dụng tiền môn của ngôi đền này để làm “phông” biểu diễn nghệ thuật ánh sáng.

Cộng thêm cả đêm tổng duyệt vào 1/4, màn biểu diễn ánh sáng tại lễ hội Bình Đà lặp lại liên tục trong 3 đêm, với thời lượng mỗi lần khoảng 45 phút. Theo giới thiệu của phía tổ chức (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và huyện Thanh Oai), đây chính là "điểm nhấn" tạo nên sự khác biệt của lễ hội Bình Đà so với mọi năm.

1. Vắn tắt, "bữa tiệc ánh sáng" hàng đêm được điều khiển bằng một hệ thống thiết bị và đèn chiếu, đặt trước và xung quanh đền thờ Lạc Long Quân. Vải bạt trắng được phủ lên tiền môn, biến nơi đây thành một tấm phông khổng lồ. Trên nền vải bạt ấy, những hình ảnh đã lập trình sẵn lần lượt được phóng lên bằng máy chiếu với màu sắc khá rực rỡ. Kèm với mỗi hình ảnh là lời thuyết minh được chuẩn bị khá công phu.

Giống như xem một cuốn phim tư liệu, những người tới đền Lạc Long Quân lần lượt chứng kiến đền thờ Quốc tổ "chuyển mình", trở thành những đền thờ các vị thần bất tử từ một số nền văn hóa trên thế giới như Hy Lạp, văn hóa Maya hay Ai Cập cổ đại. Tiếp theo đó lần lượt là hình ảnh về rồng, về Lạc Long Quân cùng truyền thuyết "cha Rồng mẹ Tiên" - và tất nhiên, có cả những hình ảnh về lịch sử, chất liệu, kiến trúc ngôi đền theo trục thời gian.


Màn biểu diễn ánh sáng tại lễ hội Bình Đà

Thật ra, phần biểu diễn ánh sáng tại lễ hội này không quá đặc sắc - nếu khán giả đã từng xem các sự kiện văn hóa tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình, quảng trường Nhà hát Lớn, hay thậm chí là các show diễn trên sân khấu giải trí hiện đại. Nhưng ngược lại, đặt trong bối cảnh của một làng ngoại thành cách trung tâm Hà Nội vài chục km, rất dễ hiểu khi khán giả Bình Đà chen chúc đổ tới sân đền thờ Lạc Long Quân để xem trình diễn ánh sáng mà bỏ qua các hoạt động khác như sân khấu chèo gần đền thờ hoặc các gian hàng hội chợ ở sân vận động..

Chỉ có điều, khi TT&VH đặt câu hỏi, nhiều khán giả Bình Đà  tuy tấm tắc khen ngợi màn biểu diễn ánh sáng nhưng vẫn cho rằng phần "mở rộng" về các nền văn hóa khác hơi khó hiểu.

2. "Đó là phá hoại, chứ nâng cấp nỗi gì?" - GS Ngô Đức Thịnh, (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam) gay gắt nhận xét về màn "trình diễn ánh sáng" này. Sự thật, lễ hội Bình Đà 2014 còn được "ghép" thêm một yếu tố mới là việc tổ chức thực hiện bức thư pháp khổng lồ "Vi Bách Việt Tổ". Tuy nhiên, so với hoạt động chỉ mang tính chất phụ trợ này, việc dùng không gian quanh đền thờ Lạc Long Quân làm nơi "biểu diễn" nghệ thuật ánh sáng hiện đại mới trở thành "điểm nóng" để một chuyên gia như GS Thịnh phản ứng.

"Giá trị của lễ hội không chỉ nằm ở sự đánh giá của một vài nhà khoa học, mà còn nằm ở sự thừa nhận của cộng đồng" - PGS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa nghệ thuật VN), đạo diễn của lễ hội Bình Đà, trả lời thắc mắc của TT&VH. "Điển hình, trong các ngày diễn ra lễ hội, không gian của đền Lạc Long Quân vẫn hoàn toàn là một không gian thiêng và được người dân tôn trọng".

Cái "lý" được PGS Thắng đưa ra: Những màn biểu diễn hiện đại này về bản chất vẫn là phần mở rộng từ  "hạt nhân" văn hóa vốn có của lễ hội Bình Đà. Cụ thể, các tục hèm đặc thù tại lễ hội này như lễ rước mã hay thả bánh cúng xuống giếng Ngọc vẫn hoàn toàn được giữ nguyên. Thậm chí, lễ hội Bình Đà năm nay còn khôi phục cả nghi thức tế bò sống tại đình ngoại, vốn không được thực hiện từ vài chục năm trước.

Theo lời ông Thắng, màn biểu diễn ánh sáng hoàn toàn phù hợp với nội dung về truyền thuyết Lạc Long Quân khi nhắc tới lịch sử của ngôi đền, hình tượng rồng, cũng như tục thờ các vị thần bất tử trên thế giới. "Đây là cách lấy nghệ thuật đương đại để tiếp thị cho truyền thống, nhằm tạo ra sức hút với khán giả của xã hội hiện đại. Theo tôi, ngoài hạt nhân cốt lõi cần bảo tồn, lễ hội vẫn có thể bổ sung những yếu tố văn hóa phù hợp để gia tăng về mọi góc độ giá trị: di sản, truyền thông và cả kinh tế nữa". Cụ thể, sau lễ hội năm nay, phía tổ chức sẽ tặng toàn bộ kịch bản cũng như phần lập trình của màn biểu diễn ánh sáng cho địa phương. Trong trường hợp muốn tổ chức theo cách tương tự trong những năm tới, phía Bình Đà chỉ việc thuê hệ thống máy chiếu và kỹ thuật là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Kết thúc vào tối 4/4, lễ hội đã để lại những tranh luận trái chiều - giống như những trường hợp lễ hội từng được PGS Thắng tổ chức với quan điểm "biến lễ hội truyền thống thành sự kiện văn hóa nổi bật" trong vài năm gần đây.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm