Khởi động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cup Rồng tre lần V-2018: Đánh thức các họa sĩ biếm đang 'ngủ quên'

02/04/2018 07:30 GMT+7 | Biếm Họa

(Thethaovanhoa.vn) - Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cup Rồng tre mở hội lần V-2018 là một tin vui đối với các “nhà báo vẽ”, trong đó có họa sĩ Võ An Lai - cháu của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng Võ An Ninh.

“Vui vì cứ ngỡ sau mùa giải lần IV năm 2013-2014, ngày hội của các sĩ biếm sẽ “tàn” thì sau 4 năm, "hội" lại được mở để tiếp tục đưa trở lại và phát huy hơn nữa những sức mạnh vốn có cho thể loại báo chí biếm họa...” - họa sĩ Võ An Lai hào hứng nói.

Một thời để nhớ

Họa sĩ Võ An Lai sinh năm 1948, vốn là một giáo viên dạy toán. Ông "bẻ lái" qua nghề vẽ chỉ vì thấy người khác vẽ biếm thì thích quá nên học vẽ theo. Bức tranh biếm đầu tiên của ông đăng trên báo Điện ảnh (1963) được nhuận bút 5 đồng - số tiền mà theo ông đủ để chiêu đãi một người bạn ở nhà hàng với thực đơn "sang chảnh" là hai đĩa thỏ rán nước xốt, bia và 2 cây kem...

Chú thích ảnh
Họa sĩ Võ An Lai

Nhưng "bữa đại tiệc" ấy chưa là gì. Ông kể có một lần triển lãm ông bán được 3 bức tranh biếm, phải mang cặp sách đi mới đựng hết tiền và số tiền ấy đủ cho ông mua đứt 3 chiếc xe đạp phượng hoàng mới cứng.

"Trước đây, hầu hết các tờ báo đều có “đất” cho biếm họa - họa sĩ Võ An Lai kể - "Thế nên giới họa sĩ biếm họa ngày ấy tuy ít ỏi nhưng có thể nói phong trào rất phát triển, các “nhà báo vẽ” làm không hết việc, đồng vào đồng ra rủng rỉnh, mỗi năm tổ chức được vài triển lãm là chuyện bình thường".

Theo họa sĩ Võ An Lai, thời kỳ hưng thịnh nhất của biếm họa nước nhà chính là thời kỳ chống Mỹ. Nhiều tranh biếm họa thời kỳ này đã trở thành thứ vũ khí sắc bén lên án chiến tranh, tố cáo tội ác của kẻ thù và trở thành những bằng chứng lịch sử được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua và lưu trữ khá nhiều.

Ông kể, sau trận "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội, người dân sơ tán hết nhưng các họa sĩ biếm vẫn ở lại và "chiến đấu" bằng cách thắp đèn dầu để vẽ tranh biếm. Và kết quả là sau 24 giờ vẽ, các họa sĩ đã cho ra đời gần 40 bức tranh biếm với nội dung lên án tội ác của đế quốc Mỹ. Các tranh (trong đó có 6 tranh của Võ An Lai - PV) sau đó được Hội Mỹ thuật đóng khung tạm, căng dây treo trước cửa nhà Thủy Tạ ở Hồ Gươm, sau đó là triển lãm lưu động khắp nơi để người dân xem.

"Ngày ấy chúng tôi vẽ biếm... sướng lắm và ít khi lăn tăn về nhuận bút" - họa sĩ Võ An Lai kể - "Chúng tôi vẽ vì yêu nước! Chúng tôi vẽ để tận dụng truyền thông quốc tế có mặt ở Hà Nội đưa tin về cuộc chiến, nhằm nói với thế giới về sự phi nghĩa của chiến tranh, tội ác của đế quốc. Đồng thời khẳng định không gì có thể giết chết lòng yêu nước của người Việt Nam, trong đó có những họa sĩ vẽ tranh phản chiến như chúng tôi".

Chú thích ảnh
Loại “hạt” mà “bồ câu” Nixon ưa thích - Tranh biếm hoạ thời kỳ chống Mỹ của họa sĩ Võ An Lai

Một thời để... lo

Sau năm 1975, theo họa sĩ Võ An Lai, tranh đả kích thoái trào nhưng bù vào đó, chủ đề chống tiêu cực, phê bình những thói hư tật xấu của xã hội lại nở rộ. Nhưng rồi cũng chẳng được lâu, chủ đề này cũng giảm dần... mà không hiểu nguyên nhân tại sao?! Các báo cũng không còn "chừa đất" cho tranh biếm như trước nữa, các họa sĩ, trong đó có ông, vẽ ít đi hoặc vẽ chỉ như một thói quen nghề nghiệp, làm vui lúc tuổi già.

"Biếm họa đang tàn lụi!" - họa sĩ Võ An Lai thẳng thắn - "Tàn lụi vì nhiều báo không hiểu vì lý do gì đã lờ đi những đề tài nóng, rất nóng của xã hội như chống tiêu cực, chống tham nhũng bằng thể loại biếm họa. Sự lờ đi ấy chẳng khác gì chặt tay người họa sĩ. Biếm họa phát triển như thế nào đây?".

Đặt ra câu hỏi ấy, có thể thấy người họa sĩ tuổi 70 này không hề "phớt lờ" biếm họa, mà ngược lại, chứng tỏ ông vẫn rất quan tâm, lo lắng và theo dõi sát sao đời sống biếm họa nước nhà những năm qua.

Ông cho rằng, giới họa sĩ biếm họa, trong đó có nhiều người có kinh nghiệm đang... ngủ quên! Thậm chí cố tình ngủ quên. "Để đánh thức họ dậy, các báo cần phải đồng hành với họ, có chỗ cho biếm họa sống, cho các họa sĩ được xác định trách nhiệm, ý thức của công dân với xã hội bằng đặc thù nghề nghiệp của họ!".

Họa sĩ Võ An Lai cũng hy vọng, Giải Biếm họa Báo chí Cup Rồng tre lần này tiếp tục khích lệ phong trào sáng tác biếm họa trong những "nhà báo vẽ" ở khắp mọi nơi, đồng thời là một tiếng gọi, đánh thức các họa sĩ đang ngủ quên, tiếp tục là những người tiên phong trên các mặt trận chống cái ác, cái xấu, vì cái thiện, ngõ hầu hiện thực hóa được giấc mơ “phục hưng” biếm họa Việt.

Triển lãm “96 năm Biếm họa báo chí Việt Nam”

Nhân dịp phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V-2018 với chủ đề Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức một triển lãm mỹ thuật nhằm tôn vinh các tác phẩm biếm họa tiêu biểu của Việt Nam được đăng báo từ năm 1922 - từ khi Nguyễn Ái Quốc vẽ tranh biếm họa trên báo Pháp - đến nay.

Triển lãm gồm hơn 100 tác phẩm biếm họa, chia thành các giai đoạn: Từ 1922 đến 1945; Biếm họa trong kháng chiến chống Pháp; Biếm họa trong kháng chiến chống Mỹ; Biếm họa thời Đổi mới; Biếm họa ngày nay và Tác phẩm biếm họa đoạt giải tại Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần I, II, III, IV.

Triển lãm diễn ra từ ngày mai (3/4) đến hết ngày 10/4 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Chấm giải Biếm họa Báo chí lần IV - Cúp Rồng tre

Chấm giải Biếm họa Báo chí lần IV - Cúp Rồng tre

Tại trụ sở báo Thể thao & Văn hóa (số 11, Trần Hưng Đạo, Hà Nội), BTC đã tổ chức chấm giải Biếm họa báo chí lần IV-Cúp Rồng tre.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm