Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm dát vàng “xịn” cho hoa sen

05/10/2011 14:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, lúc 10h ngày 5/10 này, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm khai mạc triển lãm Thì thầm với sen tại Nhà Triển lãm TP.HCM. Triển lãm trưng bày 40 bức tranh sơn dầu, lụa và ký họa nhằm kỷ niệm 75 năm tuổi đời, 55 năm cầm cọ của họa sĩ. Nhiều tác phẩm trong triển lãm lần này được họa sĩ dát vàng “xịn” nhằm làm đẹp thêm cho hoa sen.

5 năm trước, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã mừng sinh nhật 70 tuổi của mình bằng triển lãm Bồng bềnh với sen. Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm yêu sen như một duyên nợ, nên việc bà vẽ hoa sen từ rất lâu không liên quan đến việc “ăn theo danh hiệu” khi loài hoa này vừa được số đông người dân bình chọn để trở thành quốc hoa.

Sen thì thầm…

Bức tranh chủ đạo được dùng đặt tên cho triển lãm Thì thầm với sen được họa sĩ chia thành 5 phần thể hiện vòng luân hồi của một đời sen mà cũng là tượng trưng cho một đời người. Bức tranh này được họa sĩ Nguyễn Thị Tâm thể hiện trên chất liệu sơn dầu kích thước 100x285cm, nhưng nhìn qua rất giống tranh lụa. Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm nổi tiếng với tranh lụa nên bà đã mang phong cách tranh lụa vào trong sơn dầu.

Trong 55 năm cầm cọ, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm không thể nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh. Ngay cả các cuộc triển lãm, bà chỉ nhớ “áng chừng” là khoảng 20 cuộc bày tranh cá nhân trong và ngoài nước, còn triển lãm chung thì nhiều không đếm xuể. Sở dĩ họa sĩ không thể nhớ số tranh mình đã vẽ vì tranh của bà được người sưu tập rất ưa chuộng. Bà đã đi khắp nước Việt để vẽ, như phố cổ Hội An bà vẽ rất nhiều từ khi đô thị này còn chưa được công nhận di sản và có đông du khách thập phương.

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm sống bằng hai nghề chính là dạy vẽ và vẽ. Bà học vẽ tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn Gia Định tốt nghiệp năm 1958 khoa sơn dầu và đỗ thủ khoa khóa Sư phạm hội họa tại trường này năm 1959. Ngoài tranh vẽ “phát hành” quá sức nhiều, học trò của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm cũng đông không kém, nhiều người hiện đang rất thành công trên lĩnh vực hội họa.

Học sơn dầu nhưng tên tuổi Nguyễn Thị Tâm gắn với tranh lụa vì bà muốn giữ gìn và phát huy dòng tranh này từ thời danh họa Nguyễn Phan Chánh đã “vinh danh” nó. Theo họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, tranh lụa chuyển tải được tính cách người Việt. Vì muốn vẽ tranh lụa đòi hỏi người họa sĩ phải kỹ tính, nhẫn nại - một đức tính quý của người Việt mình.

Với riêng hoa sen, nữ họa sĩ ở tuổi xưa nay hiếm bộc bạch: “Ngoài hương thơm nồng nàn quyến rũ, lan tỏa theo làn gió nhẹ đưa, mỗi khi ngắm sen ta nghe thấy được lời thì thầm của sen như một lời nhắn nhủ, một cứu cánh của cuộc sống, một sự lắng dịu tâm hồn bên cạnh những nhọc nhằn thường nhật. Ngắm hoa sen ta thấy được chuỗi ngày tích lũy sự sống, một quá khứ đã qua và một tương lai đang đến”.

Sen óng ánh “vàng” thật

Để tôn vinh hơn nữa các giá trị tinh thần từ biểu tượng hoa sen mang lại, 10 bức tranh trong triển lãm này đã được họa sĩ Nguyễn Thị Tâm dát vàng. Họa sĩ cho biết vàng này là vàng thật chứ không phải mạ vàng màu đồng. Những đóa sen tàn ngã màu vàng được họa sĩ “dát vàng xịn” cho thêm phần óng ánh trước khi sen kết thúc một vòng đời dâng hiến cho cuộc sống này.


Một tác phẩm “dát vàng” hoa sen

Hỏi họa sĩ dát vàng cho sen giữa thời buổi giá vàng cao ngất có phải là chơi sang hay không? Bà tiết lộ về trọng lượng vàng dát lên hoa không lớn, nhưng nhờ có vàng khiến các bức tranh sinh động hơn và sang hơn. Tại sao hoa sen không được quyền sang trọng, quý phái dù xuất thân trong đầm lầy nước đọng?!

Tên tuổi Nguyễn Thị Tâm cũng giống như một đóa sen được dát vàng trong làng mỹ thuật TP.HCM. Danh họa Nguyễn Trung dành những lời quý trọng về bà: “Nguyễn Thị Tâm là một trong những tên tuổi hiếm hoi trong giới nữ làm nghệ thuật tại TP.HCM. Chị sáng tác không mệt mỏi, những tác phẩm trên lụa của chị thường lấy nguồn cảm hứng trực tiếp từ thiên nhiên, không khí trong tranh bàng bạc một tinh thần Á Đông, với cái vẻ duyên dáng thầm lặng, màu sắc trong tranh được tiết chế, đôi khi ta thấy gần với tranh thủy mặc. Chắc rằng những hình ảnh của non sông tươi đẹp Việt Nam sẽ được thêm nhiều người yêu mến thông qua tranh Nguyễn Thị Tâm”.

Thật vậy, tranh lụa lấy cảm hứng từ thiên nhiên của Nguyễn Thị Tâm không những quảng bá hình ảnh nước Việt ra thế giới, mà qua tranh của bà, những người Việt xa quê càng thấy yêu quê mình hơn. Nhạc sĩ, họa sĩ Miên Đức Thắng nay đã về định cư tại Sài Gòn, nhưng khi còn sống ở nước ngoài, ông đã cảm khái khi xem tranh của Nguyễn Thị Tâm: “Xa quê hương, nhìn lại tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm tôi hay bất cứ Việt Kiều nào cũng cảm thấy xúc động, và đó là nguồn an ủi đồng thời cho cả hai. Người xa nhà nguôi đi phần nào nỗi nhớ để vật lộn với đời sống, khi chính tác giả đã tìm bắt được sự đồng cảm tới đông đảo quần chúng thưởng ngoạn. Hội họa đạt được những điều đó chắc có lẽ đã là một thành công lớn”.

Thanh Kiều

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm