Hạn chế ngoại binh là sai lầm?

09/11/2015 12:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu V-League (giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) đã đạt tới tầm Ngoại hạng rồi, thì tại sao chúng ta phải lo sợ sự lấn lướt (nếu có) của ngoại binh nói riêng và không chào đón những đóng góp của nguồn ngoại lực nói chung?! Chỉ có 2 cầu thủ người nước ngoài được đăng ký và sử dụng cho mỗi CLB ở V-League là quá ít và không có lợi cho việc phát triển – nâng cấp giải đấu, cũng như nền bóng đá.

Frank Van Eijs, cựu cầu thủ, nhà môi giới và quản lý bóng đá quốc tịch Hà Lan, người đã từng thi đấu ở Việt Nam, Trung Quốc, Đức, Scotland và đương nhiên cả Hà Lan, có những chia sẻ rất thực tế.

Không kế hoạch, không chương trình

“Tôi không hiểu tại sao và thế nào những nhà tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (ý là VPF) lại đưa ra một quy định đi ngược với xu thế toàn cầu là giới hạn suất đăng ký ngoại binh. Giờ thì một CLB ở V-League chỉ được đăng ký 2, dùng 2, trong khi giải hạng Nhất trở thành vùng trắng với cầu thủ nước ngoài, chẳng khác gì giải phong trào. Trong cabin BHL CLB thậm chí không có một HLV nước ngoài. Đó là một bước lùi.

“Nó cho thấy các bạn chỉ có một giải đấu quá nghèo nàn, khi đáng ra V-League đã được xem là hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Một CLB ở Thai – Premier League được đăng ký 4 ngoại binh, cùng một cầu thủ gốc châu Á. Tất nhiên, thông qua chọn lọc, đó đều là các ngoại binh chất lượng, đến từ Nam Mỹ, châu Âu hoặc Đông Bắc Á. Điều đó làm tăng tính cạnh tranh và học hỏi với đội ngũ các cầu thủ người bản địa. Thai-Premier League và các ĐTQG Thái Lan hoàn toàn được lợi”, Frank tiếp.

Frank van Eijs thời còn chơi bóng và hoạt động như một nhà môi giới không chính thức tại Việt Nam, từng cùng với cựu cầu thủ kiêm HLV Hà Nội ACB, Mauricio Luis, đem đến V-League rất nhiều các ngoại binh chất lượng. Ví như Almeida, Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng), Leandro (Hải Phòng), Gonzalo, Cristiano Roland (Hà Nội T&T)… Nhưng giờ, với vai trò quản lý bóng đá và đại diện cầu thủ, Frank gần như chỉ hợp tác với thị trường Đông Bắc Á, Tây Bắc Á, Australia và Thái Lan.  

“Các bạn hành động mà không có kế hoạch hay chiến lược cụ thể. Tệ hơn, VFF và cả VPF không những không lắng nghe, mà còn bài xích sự đóng góp của chúng tôi, phủ nhận và hoàn toàn không chào đón những người nước ngoài có ý muốn giúp các bạn. Cá nhân tôi từng đưa ra nhiều phát kiến, nhưng không bao giờ có hồi đáp. Họ nghĩ rằng mình đã biết đủ rồi, biết tất. Ngay như việc thuê HLV Toshiya Miura cũng vậy, một bản photocopy đúng nghĩa, thay vì có thể dùng bản chính”, vẫn lời Frank.

V-League sao phải sính ngoại?

V-League sao phải sính ngoại?

Sau một số những thử nghiệm, bắt đầu từ mùa giải 2015, một CLB ở V-League chỉ được phép đăng ký 2 ngoại binh + 1 ngoại binh nhập tịch; trong khi giải hạng Nhất là vùng trắng với cầu thủ người nước ngoài.


Cần thiết mô hình chuẩn Âu châu

Cũng theo lời Frank Van Eijs, việc học hỏi các mô hình làm bóng đá tiên tiến là cần thiết, nhưng để nâng cấp các giải đấu quốc nội, nhất thiết phải mời bằng được các chuyên gia nước ngoài thực sự giỏi để vận hành. Và trong rất nhiều các so sánh, nhà quản lý bóng đá người Hà Lan luôn lấy Thai – Premier League như một sự chuẩn mực cho bóng đá khu vực. Thai – Premier League gần như là bản sao của giải Ngoại hạng Anh (EPL), tất nhiên ở tầm thấp hơn nhiều và cũng đã có những điều chỉnh.

“Gần một nửa số HLV đang hành nghề ở Thai – Premier League là người nước ngoài, từ Brazil, đến Anh, Tây Ban Nha, Croatia… Tôi chưa nói đến các trợ lý HLV cũng là người nước ngoài và đội ngũ ngoại binh chất lượng. Nếu Thai – Premier League không phải một giải đấu đầy tiềm năng, họ sẽ không thể thu hút được nhiều tiềm lực, từ con người, đến các nhà tài trợ áo đấu và trang thiết bị tập luyện lớn cỡ Nike hay Kappa, hay các Tập đoàn kinh tế hàng đầu”, Frank van Eijs chia sẻ.

Khi đặt câu hỏi, vậy giải pháp cho V-League, cũng như nền bóng đá Việt Nam tiếp theo là gì, Frank đáp rất nhanh: “Việc đầu tiên là hệ thống lại các giải đấu và chọn mô hình chuẩn để học hỏi. Mở cửa trở lại với thị trường ngoại binh đầy tiềm năng để nâng cấp V-League cũng như hạng Nhất, song song với phát triển đào tạo trẻ, bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng. Khi bạn làm ra một sản phẩm tốt sẽ không khó để bán, nên đừng qua lo lắng về vấn đề kinh phí. Thay đổi và phải hành động ngay”.

Các năm trước, nhà tổ chức (VPF) vẫn hướng tới J-League như kim chỉ nam, thì sắp tới, chúng ta lại quay qua K-League (giải nhà nghề Hàn Quốc) để học hỏi mô hình. Thật chẳng khác câu chuyện “đẽo cày giữa đường”!?

6 Tính từ năm 2010 đến nay, bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG đã không lọt vào bất cứ trận chung kết nào ở các giải khu vực.

5 Số lượng ngoại binh được đăng ký tối đa ở một CLB ở V-League từng là 5 người (và chỉ được cho ra sân nhiều nhất là 3 người), còn bây giờ con số này là đăng ký 2 và thi đấu 2.

0 Các đội bóng ở giải hạng Nhất không được sử dụng ngoại binh, và nguyên nhân được BTC giải thích là để tạo cơ hội ra sân cho cầu thủ nội.

***

“Đừng chỉ nghĩ mỗi đến chuyện phải thắng Thái Lan bằng mọi giá, bởi nếu cứ ám ảnh suy nghĩ này, bạn sẽ không bao giờ thắng được họ. Bóng đá Việt Nam rất tiềm năng, tôi đảm bảo điều này bởi các bạn có một lực lượng người hâm mộ hùng hậu, tuyệt vời, song quan trọng là chúng ta phải hành động. Ở Thái Lan, tôi không cho rằng Mạc Hồng Quân có thể tìm được suất đá chính ở CLB, chứ đừng nói ĐTQG và một đội bóng mạnh sẽ không bao giờ bổ nhiệm lại HLV Đặng Trần Chỉnh, như B.Bình Dương đang làm. Đó là một bước thụt lùi”, Frank Van Eijs nhận xét.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm