Tấn Trường - nạn nhân của một 'âm mưu'?

17/11/2013 06:27 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh Tấn Trường có thể nói là khá tinh khôi, cho đến trước khi anh mắc những sai lầm và lặp lại như thể một “thuộc tính”.

Còn nhớ, kết thúc V-League 2011, TĐCS.ĐT của Tấn Trường xuôi trở lại giải hạng Nhất. Mặc dù vậy, với hợp đồng đã ký, Trường đã nhận đủ 5 tỷ đồng cho giao kèo cống hiến suốt đời với đội bóng quê hương.

Quyết định sai lầm…

Chuyện lên hay xuống hạng của xứ bưng biền không phải là vấn đề, cho đến trước khi XMXT.SG (với tên gọi tiền thân là XT.SG) đặt vấn đề chuyển nhượng, với giá khủng dành cho một thủ môn: 9 tỷ đồng. Chuyện xảy ra trước thềm mùa giải 2012, thời điểm ông GĐĐH của XMXT.SG kiêm môi giới cầu thủ Trần Tiến Đại còn đương thời.

Những sai lầm liên tiếp dưới màu áo ĐTQG và cả CLB khiến Tấn Trường đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ. Ảnh: Thùy Chi

9 tỷ đồng chuyển nhượng là số tiền lớn và nó có thể giúp đội bóng quê hương nuôi tiếp giấc mộng bóng đá chuyên nghiệp, chứ trên thực tế, nó sẽ không thuộc về Trường. Ngay lúc đó, Trường không phải là kẻ tham tiền bỏ ngãi. Một trong những vụ chuyển nhượng đình đám bậc nhất và Trường nhận 20% trong số đó, cộng với mức lương ở đội bóng mới. Sự thật là đội bóng cũ chỉ trả 10% của 9 tỷ đồng cho Tấn Trường. Vì quê hương, người ta có thể hy sinh bất cứ thứ gì, chứ đừng nói là quyền lợi. Tấn Trường đã từng một thời như thế, tự nguyện!

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nó có thể đã là một trong những quyết định sai lầm lớn nhất của Tấn Trường, khi rũ bỏ “bùn lầy” để chuyển lên chốn đô thành sinh sống. Tại sân Thống Nhất, anh liên tục dính “phốt” và từng bị chính CLB chủ quản XMXT.SG đề nghị công an vào cuộc điều tra hành vi có biểu hiện tiêu cực (năm 2012). Tấn Trường bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn (cuối mùa giải 2013). Và trên bình diện các ĐTQG, sự nghiệp của một trong những thủ thành được kỳ vọng nhất là anh gần như không phát triển hơn, kể từ sau AFF Cup 2010.

Hay một “âm mưu”?

Tấn Trường đã là một thủ môn ĐTQG, trước khi anh chuyển lên Sài thành chơi bóng. Nhưng, như đã nói ở trên, hình ảnh một Tấn Trường “trinh nguyên” và luôn giành được nhiều thiện cảm, ngay cả khi dính tì vết, chỉ xuất hiện và được lưu giữ, khi anh còn trong màu áo TĐCS.ĐT, chứ không phải thời gian XMXT.SG, một đội bóng ngoại lai, với rất nhiều những điều tiếng kể từ ngày xuất hiện cho đến khi tự biến mất khỏi bản đồ bóng đá. Rất nhiều ý kiến cho rằng, tại Thống Nhất từ ít nhất 2 năm qua, Tấn Trường giống một nạn nhân hơn.

Trường là một sản phẩm của cơ chế bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam: Có giá chuyển nhượng trên trời và bỗng dưng trở thành ngôi sao, dù những đóng góp về chuyên môn là rất hạn chế. “Thật điên rồ khi bỏ ra 9 tỷ đồng để mua lại hợp đồng 2 năm dành cho một thủ môn”, một ý kiến cho biết, vào thời điểm mà XMXT.SG mua lại Tấn Trường từ TĐCS.ĐT. Phải, đó là điều không tưởng và chỉ có ở Việt Nam. Kết thúc năm đầu tiên ở đội bóng mới, Trường bị rao bán. Cho đến năm thứ 2, anh bị thanh lý sớm hợp đồng, sau những sai sót khó chấp nhận.

Trở lại với câu hỏi được đặt ra: Trường là nạn nhân của một âm mưu hay sản phẩm dễ nhận thấy của một cơ chế bóng đá: Từ quê nghèo, vượt khó (cộng thêm may mắn), thành danh và có rất nhiều tiền, trước khi bị nghi đánh mất mình? Tấn Trường có thể không phải là nạn nhân của một (hay các) âm mưu, nhưng chắc chắn anh là sản phẩm điển hình của cơ chế bóng đá. Chúng ta không khó để liệt kê hàng loạt những cái tên, trước và sau thời của Trường, những người từng được kỳ vọng rồi lại gây thất vọng não nề.

Trước khi mắc những sai lầm nghiêm trọng ở trận đấn với Uzbekistan khiến ĐT Việt Nam thua mất mặt với tỷ số 0-3 ngay trên sân nhà, trận đấu trong khuôn khổ vòng loại ASIAN Cup 2015, Tấn Trường từng nhiều lần bị xem là tội đồ của XMXT.SG và cả TĐCS.ĐT. Trong màu áo các ĐTQG, Trường cũng từng bị nghi ngờ sau 2 bàn thua ở trận bán kết với Malaysia tại AFF Cup 2010; trong màu áo Olympic Việt Nam ở ASIAD Quảng Châu 2010; chung kết SEA Games 2009…


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm