Góc Anh Ngọc: Trong men say của niềm hy vọng

01/07/2012 14:23 GMT+7

(TT&VH) - Mệt mỏi vì di chuyển nhưng không mất đi sự hãnh diện, lạc quan và vui sướng, họ tô điểm đường phố Kiev trong những ngày sôi động này bằng tiếng hát và những lời cười đùa vui vẻ nhất có thể. Đó là các cổ động viên Italia    

1. Có lẽ, rất nhiều những người "dũng cảm" như thế sẽ có mặt ở Kiev. Không phải ai cũng có khả năng để thực hiện một cuộc hành hương của trái tim Thiên thanh (như lời một người bạn Ý mới quen của tôi), khi thực hiện một hành trình Ukraina-Ba Lan-Ukraina từ tứ kết đến bán kết và chung kết trong vòng 4 ngày, khi những cái ví bắt đầu trở nên rỗng tuếch.

Thế nên, ở Warsaw, chỉ có đúng 3 nghìn tifosi Ý ngồi trên khán đài, lọt thỏm giữa hàng vạn cổ động viên đến từ đất nước của Beethoven và Bach. Nhưng Italia đã chiến thắng, và người ta vẫn nghe thấy tiếng họ hát trong cả trận đấu. Họ đã như thế- tuy ít, nhưng đầy tinh thần chiến đấu - ở sân Azteca, Mexico City, cho trận bán kết Ý-Đức World Cup 1970, ở sân Bernbabeu, Madrid cho trận chung kết Espana 82, cho trận đấu với Đức ở Dortmund năm 2006. Ba nghìn người Ý trên sân Warsaw một ngày nào đó có thể sẽ vỗ ngực và tự hào nói, "Tôi đã ở đó".


Cổ động viên Italia trong men say chiến thắng

Đêm nay, ở Kiev, cho trận chung kết, số người Italia muốn nói câu "Tôi đã ở đó" sẽ còn đông hơn nữa, gần gấp ba con số đó và tương đương với số lượng của những người Tây Ban Nha đang háo hức mong chờ niềm vui chiến thắng đổ về đây. Hàng triệu người khác đã sẵn sàng đổ ra những con đường của các thành phố lớn.

Circo Massimo ở Roma sẽ ngập đầy màu Thiên thanh như năm 2006 nếu Italia chiến thắng. Màu xanh của hy vọng. Màu xanh của tương lai. Quảng trường Cibeles tại Madrid sẽ đầy ắp một màu đỏ như máu. Máu đổ cho chiến thắng. Máu đổ cho vinh quang. Nhưng trận chung kết của hai đội bóng đã thống trị châu Âu và thế giới từ năm 2006 diễn ra trong một giải EURO của những đồng euro mất giá đã trở thành trận derby của những gã nhà nghèo cùng một cảnh ngộ.

Nhưng điều đó không hề làm cho nó mất đi sự hấp dẫn. Sự hấp dẫn ấy đã thể hiện từ những cuộc vui chơi đầy âm thanh và màu sắc của những nhóm cổ động viên đầu tiên đổ bộ đến Kiev cho trận chung kết. Những người Tây Ban Nha đã "xâm lược" Kiev trước tiên, sau khi họ đánh bại Bồ Đào Nha ở trận bán kết. Những chuyến tàu từ Donetsk lên Kiev cách đó 800 cây số nhuộm màu đỏ và vang vọng tiếng huyên thuyên như chim hót của họ.

Người Italia đến chậm hơn, với những chuyến bay túc tắc từ Ba Lan sang, từ Ý tới, từ Đức qua (ở đó có 50 nghìn người Ý sinh sống). Một chuyến đi đến nơi đất thánh của một giải đấu có thể giúp họ giải tỏa những áp lực kinh khủng từ cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn.


2. Anh chàng Pedro đang uống bia ở khu fanzone bảo: "Người Tây Ban Nha mong chờ đội tuyển sẽ chiến thắng. Chúng tôi là mạnh nhất".

Anh bạn của Pedro, nhìn như một gã Sở Khanh, thì lắc đầu: "Năm nay khó hơn những giải trước nhiều. Nhưng Tây Ban Nha sẽ thắng. Nếu không thắng thì sẽ là bi kịch. Chúng tôi sắp vỡ nợ hết rồi".

Khi được hỏi họ mong đợi ai sẽ ghi bàn trong trận chung kết, cả hai cùng trả lời, "Torres". Tại sao? Pedro trả lời: "Chúng tôi yêu cậu ta". Còn anh bạn Alvaro thì bảo: "Cậu ấy bị Del Bosque đối xử bất công". Cách đó 200 mét, vừa cầm một chai bia vừa ngơ ngẩn ngắm phố, Roberto, một tifoso, tâm sự: "Chúng tôi vật vã đi theo đội tuyển hết chỗ này đến chỗ nọ không phải để thấy Italia thua. Chiến thắng sẽ giống một món quà của Chúa ban cho chúng tôi khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn".  


Thất nghiệp, phá sản và mệt mỏi vì bi quan? Roberto gật đầu: "Năm 2006, khi Italia vô địch thế giới, tình hình kinh tế đã tệ rồi, nhưng không đến mức này. Chúng tôi đang thành những kẻ ăn xin bố thí của nước Đức".

Stefano, một juventino ngồi cạnh anh bảo: "Italia vào đến chung kết đã là một điều tuyệt vời ngoài tưởng tượng. Nếu không đoạt Cúp, chúng tôi cũng không buồn. La vità è bella (Cuộc sống thật tươi đẹp)"

Họ không thể đơn giản nói hết những gì đang có trong đầu của hàng triệu người hâm mộ như họ, nhưng giờ phút đến gần của trận chung kết càng làm cho mức adrenaline trong họ tăng lên và sự khắc khoải chờ đợi một chiến thắng để giải thoát những áp lực tinh thần càng mạnh. Vẫn Roberto, một giáo viên tiểu học ở Milano, nói một cách văn vẻ, rằng: "Những gì mà đội tuyển làm được ở giải này, dù thắng hay thua trong trận chung kết, cũng giống như cách mà Chúa đã làm với các con chiên của Người. Ngài ban phước cho họ và chỉ ra rằng, chỉ có luôn hy vọng thì mới sống được trong những lúc bần hàn".


3. Chính Prandelli, sau khi đã tạo ra sức mạnh của một đội tuyển nhờ vào sự đoàn kết và ý chí tấn công, cũng kiếm tìm một sức mạnh khác đến từ trên trời. Sau trận thắng Đức, ông và ban huấn luyện đã đi bộ 10 cây số ngay trong đêm ấy đến một tu viện ở ngoại ô Krakow. Một cuộc hành hương thực sự để được cám ơn Chúa và được Ngài truyền cho sức mạnh theo cách của riêng họ.

Đấy là cuộc hành hương thứ ba của Prandelli và các trợ lí kể từ khi đến Ba Lan. Cho đến trận chung kết, Chúa vẫn ở bên đội Ý. Người Ý vẫn bảo, "Lassu, c'è qualcuno ci ama" (Trên trời, có ai đó yêu chúng ta)... Không có vấn đề gì về kinh tế đối với những người như Prandelli, lĩnh 1,2 triệu euro/năm, và các học trò triệu phú của ông, nhưng nhân dân đang nghèo đi thì khác. Chiến thắng là liều thuốc để xoa dịu nỗi đau chứ không thể làm cho nó mất đi vĩnh viễn. Sau chiến thắng là thực tế của nợ công và thất nghiệp.

Nhưng với những dân tộc ham chơi như Ý hay Tây Ban Nha, những người có thể biến mọi sự kiện thành những cuộc vui điên rồ bất kể thời gian hoặc bi kịch hóa tất cả, sống được hôm nào và vui được hôm nào thì sướng lúc ấy (hình như hơi giống người Ukraina). Tương lai là một câu chuyện khác, dù Chúa có yêu hay không.


4. Trong mấy đêm, người Tây Ban Nha và Ý biến Kiev thành một thành phố hơi khác, vui vẻ hơn, "chơi" hơn và cởi mở hơn. Những đất nước đã sinh ra những chàng Don Juan và Casanova trở nên được yêu mến bởi các lí do ngoài bóng đá. Họ đẹp trai và ga lăng quá với những cô gái Ukraina, để rồi những đêm EURO cuối cùng của Kiev nơi đâu cũng có thể trở thành các quán bar: hát, nhảy, cười vui, hạnh phúc và tình bất chợt.

Một đêm, đêm nay nữa, cuộc vui bóng đá sẽ kết thúc, nhưng cuộc vui phát sinh từ bóng đá sẽ vẫn tiếp tục, từ những đất nước trước hết từ cùng chia sẻ ngôn ngữ gần giống nhau (như "debito", nợ nần, kiểu "nợ công"), đến sự điên rồ trong cách cổ vũ bóng đá mang dòng máu Ý và Tây Ban Nha. Với EURO, người Ukraina hy vọng thế giới nhìn họ bằng ánh mắt khác, tích cực hơn, còn người Ý và Tây Ban Nha khát khao chiến thắng. Định mệnh khủng hoảng gắn kết họ lại trong một tháng của giải đấu. Nhưng hy vọng lại trở thành men say.

Sau một đêm, khi tất cả hoặc không ngủ được, hoặc sáng sau thức dậy, có người sẽ thấy mình tỉnh hẳn, người mãi chìm trong hư vô ảo vọng.
 

                                                                                    Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Kiev)

 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm