Góc Anh Ngọc: Không đề cho cậu bé bệnh Down và ông già bán tranh

27/06/2012 13:59 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Họ đều nhìn ra rất xa và vô định. Nhưng một người nhìn ra phía trước và không cảm nhận được gì hết, vì cậu bị hội chứng Down, người còn lại không thấy tương lai, vì ông là một người già cô đơn... Tôi gặp họ một cách tình cờ trên những nẻo đường Kiev trong mùa bóng đá. Hai con người, hai số phận, hai cảnh đời tượng trưng cho hàng nghìn cảnh đời khác tương tự.

Bức tranh thứ nhất: Down và vẽ mặt trên phố Kiev



"Cậu bé" cầm tấm biển quảng cáo cho dịch vụ vẽ mặt cho các cổ động viên trong mùa EURO 2012.

Khi cậu bất giác quay ra phía ống kính của tôi, tôi đã đứng giơ máy về phía cậu, kiên nhẫn đưa cậu vào tầm ngắm và chờ được gần một phút. Tôi đợi và cứ thế chờ đợi, đợi cho đến khi nào cậu quay ra hướng tôi, nhìn vào ống kính và tôi sẽ bóp cò. Cậu nhìn tôi, không cười, ánh mắt bất động dù đồng tử vẫn đen láy, đen chưa từng đen như thế. Tay cậu cầm một tấm bìa trên đó vẽ những gương mặt mẫu để rồi từ đó, các cổ động viên sẽ chọn để rồi bạn cậu sẽ vẽ mầu lên mặt cho họ để đổi lại lấy vài đồng hrivna (tiền Ukraina). Cậu cứ đứng thế, cạnh một lối lên của tàu điện ngầm, ngoan ngoãn, im lặng, thỉnh thoảng đổi tư thế cho đỡ mỏi, nhưng tay không rời tấm biển và ánh mắt vẫn vô hồn nhìn về một nơi vô định. Cậu bé bị bệnh Down.

Tôi phát hiện ra cậu khi đang đi trên một con phố lớn của Kiev và rồi không rời được mắt khỏi cậu khi bắt gặp cái đầu hơi to, đôi tai vểnh lên, cái mồm hơi mở ra không cười, không nói, và đặc biệt là ánh mắt vô cảm ấy. Cậu cảm nhận cái thế giới xung quanh vốn chưa bao giờ bình thường qua lăng kính của một người không bình thường. Sách vở bảo, những người bị bệnh Down phần lớn chỉ dừng lại ở những kĩ năng vận động, ngôn ngữ và các kĩ năng xã hội rất đơn giản. Cậu hiểu ít hơn, biết chậm hơn và cảm nhận về cuộc sống chậm hơn những người bình thường khác. Nhưng bởi vì thế, khi chúng ta đau khổ và quay cuồng bươn trải trong cuộc sống hiện tại, thì cậu là một người hạnh phúc vì không hiểu được những điều bao người trải qua và đau khổ. Khi chúng ta sung sướng và hạnh phúc tột độ vì một chiến thắng của đội bóng ta yêu mến, cậu cũng không thể chia sẻ điều ấy với chúng ta, hoặc nếu có, thì cũng sẽ rất bản năng...

Nhưng tại sao cậu phải làm như thế ở EURO, một khi cậu có xem bóng đá nhưng không hiểu gì nhiều lắm, cậu háo hức khi thấy lần đầu tiên chứng kiến nhiều người lạ đến Kiev như thế, cậu vui khi bạn cậu vui, cậu buồn khi bạn cậu buồn, chẳng hạn như khi Ukraina bị loại khỏi giải trong một mùa hè đáng lẽ phải rất sôi động? Các bạn cậu, những người đứng ra vẽ mặt cho các cổ động viên, bảo rằng họ muốn cậu được chia tiền sau mỗi ngày "làm ăn" của họ. Cụ thể là bao nhiêu? Tất cả cùng cười, không nói gì. Có lẽ không nhiều. Cậu ủng hộ đội nào và theo cậu, ai sẽ vô địch EURO? Bạn cậu dịch câu hỏi của tôi cho cậu. Cậu lắc đầu, mắt vẫn xa xăm, vô cảm.

Bức tranh thứ hai: Ông già bán tranh ở quảng trường Maidan



Ông già bán tranh ở quảng trường Maidan.

Những số liệu thống kê chính thức cho thấy, mỗi năm, ở Ukraina ra đời 400 đứa trẻ mắc hội chứng Down-hội chứng thừa nhiễm sắc thể số 21, và khoảng 250 đứa trong số đó bị bỏ lại bệnh viện, một số khác được đưa đến trại trẻ mồ côi. Người ta ruồng bỏ chúng, không muốn nuôi chúng bởi chịu định kiến xã hội nặng nề về những đứa trẻ tàn tật. Những đứa trẻ bị Down may mắn có thể được người nước ngoài nhận làm con nuôi. Con số đó không nhiều. Và càng hiếm hơn nữa cái cảnh những người bị Down cầm tấm bảng mời vẽ mặt đứng ở ga tầu điện ngầm trong mùa EURO. Cậu không ăn xin ai hết. Bạn bè bảo cậu sống với gia đình và được bạn bè tương trợ để sống. Nhưng rõ ràng cậu hạnh phúc hơn nhiều những người khác cùng hoàn cảnh. Trong một đất nước đang suy thoái về chính trị và kinh tế đến mức cách đây mấy tháng, một nhà văn nổi tiếng từng viết, rằng ông muốn được thấy đất nước như vào hồi 2007, khi Ukraina chưa rơi vào hoàn cảnh hiện tại, thì tất cả những khu vực phúc lợi xã hội đều bị cắt giảm, từ các quỹ cho trẻ em tàn tật cho đến lương hưu của người già. Trong khủng hoảng, chính họ là những người chịu tác động nặng nề nhất, trong khi ấy, khoảng cách giàu nghèo (1/3 dân số Ukraina sống dưới mức đói nghèo) ngày càng rộng thêm ra.

Ông già móm mém tóc bạc phơ bán tranh ở quảng trường Maidan mà một lần tôi gặp trong khi lang thang ở trung tâm Kiev bảo rằng, những người như ông bây giờ không thể sống được bằng mức lương hưu quá ít ỏi mỗi tháng. Vẫn ăn mặc rất chỉnh tề và nghiêm túc, ngồi ở một con đường nhỏ vắt qua quảng trường trung tâm nơi có rất nhiều người qua lại, ông già gần 80 tuổi ấy và những người phụ nữ già bán đồ cũ ở quảng trường Maidan tạo ra một bức tranh tương phản hoàn toàn với cuộc sống ầm ỹ, sôi động, trẻ trung và đầy tiền bạc với sự hiện diện của các ngân hàng, ở nơi đã từng đi vào lịch sử Ukraina với cuộc Cách mạng Cam và nhiều biến cố khác. Ông già cứ ngồi đó, bán đi những bức tranh đẹp nhất mà ông có trong nhà, những bức tranh được vẽ từ thời Xô Viết... Ông già bán tranh có xem EURO không? Ông bảo có, luôn luôn xem và không bỏ trận nào. Bóng đá đã trở thành một nguồn sống về tinh thần lớn lao đối với một người mà con cái không thể cưu mang được nữa, đang sống bằng đồng lương hưu chết đói. Những người như ông không ít và họ bươn chải tìm cách mưu sinh. Có những người đã phải bán đi cả những bộ huân huy chương mà cha anh họ đã được thưởng trong thời chiến tranh Vệ quốc vĩ đại cho những người sưu tập để kiếm một chút tiền.

Vĩ thanh

"Cậu bé" không biết gì nhiều về cuộc sống. Trí tuệ của con người đã bước sang tuổi 16 này có lẽ mới chỉ ở mức tuổi lên 6 hay lên 7. Ông già bán tranh lại biết quá nhiều về cuộc sống, biết đến mức chỉ muốn quên, chỉ muốn không nghĩ đến nó khi hướng đến tương lai không biết có màu gì...Tôi không hỏi tên hai con người ấy. Họ có thể có tên Igor, Oleksey, Andriy hay bất cứ cái tên nào khác. Tên của họ không quan trọng. Đường phố Kiev là nhà của họ, nơi họ sống, hít thở không khí, và ngày ngày nhìn cuộc sống trôi một cách chầm chậm qua mắt của mỗi người, một người không bình thường, một người rất bình thường, trong một thế giới đôi khi trở nên nhỏ bé và ích kỉ, vì không chứa đựng được hết, không hiểu hết những những mảnh đời bên lề...

Những người già ở Ukraina luôn cảm thấy mình bị gạt ra rìa xã hội

Sự khác biệt lớn nhất sau khi các chế độ thay đổi chính là ở chính sách xã hội. Cuộc khủng hoảng hiện tại đã giáng một đòn nặng vào những người như ông già bán tranh nọ ở Maidan, khi số người già trong xã hội Ukraina ngày càng tăng hơn, trong khi số người trả tiền thuế ngày càng ít đi. Bức tranh ấy khác hẳn với thời Xô Viết, và sự hoài nhớ của một phận người trong xã hội Đông Âu hiện tại về sự chăm sóc đối với trẻ tàn tật và người cao tuổi vẫn tiếp tục nhức nhối, không mất đi, mà ngày càng tăng lên như một điều hiển nhiên, khi họ cảm thấy mình bị gạt ra bên lề xã hội. Cậu bé bị Down tôi gặp có lẽ không ý thức được điều ấy, vì ít ra cậu vẫn được chăm sóc và tư duy ít ỏi của một người không bình thường có lẽ giúp cậu nhìn thấy cuộc sống này vẫn luôn đẹp, nhưng ông già bán tranh thì sống đủ lâu để hiểu tất cả. Một nhà báo Ukraina nói với tôi, rằng lương hưu của người già ở nước này năm nào cũng tăng khoảng 10%, như năm ngoái lên trung bình 1.120 hrivna (tương đương với gần 150 USD/tháng) nhưng không thể nào giúp người già chống chọi được với cuộc sống, đặc biệt là vào mùa đông kinh khủng như những mùa đông mới rồi, khi nhiệt độ thường xuyên ở mức âm 12 đến âm 20 độ C. Năm ngoái, Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraina) đã thông qua việc cải cách chế độ hưu, trong đó có việc tăng tuổi về hưu cho người già để tăng lực lượng lao động và giảm quỹ lương hưu. Có đến 13 triệu trong tổng số 46 triệu dân Ukraina nhận lương hưu. Họ đã trở thành gánh nặng của ngân sách và xã hội bởi vì họ quá đông và không còn làm ra lợi nhuận?


                        Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Kiev)



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm