20 năm ra mắt phim hành động 'Shiri': Quả bom tấn thay đổi vĩnh viễn điện ảnh Hàn Quốc

26/03/2019 19:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Shiri (Chiến dịch Shiri) được phát hành cách đây 20 năm với kinh phí dàn dựng 8,5 triệu USD- mức đầu tư kỉ lục của điện ảnh Hàn Quốc thời điểm đó. Số tiền ấy (được tập đoàn Samsung tài trợ một phần) không vô ích – nếu người ta nhìn lại những gì mà Shiri mang về.

'Cha đẻ điện ảnh Hàn Quốc' chuẩn bị làm phim thứ 102

'Cha đẻ điện ảnh Hàn Quốc' chuẩn bị làm phim thứ 102

Im Kwon Taek (77 tuổi), được mệnh danh là “cha đẻ của điện ảnh Hàn Quốc”, đang chuẩn bị làm phim thứ 102 trong sự nghiệp của mình.

Nền văn hóa đại chúng Hàn Quốc ngày nay rất phổ biến. Nhưng thật thú vị khi biết rằng, ở những năm 1990, văn hóa tại xứ kim chi không hề được công chúng coi trọng ở quê nhà - trong khi cũng không ai ở bên ngoài đất nước này biết nhiều đến nó.

Nhưng, sự xuất hiện của Shiri năm 1999 đã làm thay đổi tất cả.

Thương hiệu phim “made-in” Hàn Quốc

Shiri chắc chắn không phải là bộ phim thương mại hay nhất của Hàn Quốc. Nhưng, him được ca ngợi với cấu trúc chặt chẽ và làm hài lòng khán giả. Đây là phim “nội địa”, hướng tới các vấn đề của Hàn Quốc nhưng khán giả nước ngoài cũng có thể dễ dàng hiểu được câu chuyện trong phim.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Kang Je Gyu

Câu chuyện mang cấu trúc chặt chẽ của một bộ phim Hollywood, sử dụng các “mánh” kể chuyện của Hollywood dẫn dắt khán giả đi qua những thăng trầm cảm xúc vốn đặc trưng trong các phim Hollywood. Nội dung phim, tập trung vào các hoạt động gián điệp và chống gián điệp giữa các cơ quan tình báo ở hai miền Triều Tiên, với câu chuyện kết hợp hoàn hảo giữa các yếu tố gay cấn, trinh thám và lãng mạn.

“Thành công của Shiri là một hiện tượng văn hóa, kinh tế và mở đường cho sự nổi tiếng của các quả bom tấn sau này, tạo nên “hội chứng Shiri” – nhà phê bình Jinhee Choi viết trong cuốn sách tiếng Anh The South Korean Film Renaissance.

Người Hàn Quốc phấn khích khi thấy Shiri chẳng khác gì một bộ phim Mỹ. Những thành tựu của phim, cả về kỹ thuật lẫn doanh thu, gợi lên cảm giác tự hào dân tộc của họ. Ngay cả quân đội Hàn Quốc cũng ca ngợi về cách xây dựng những những điệp viên trong phim.

Thành công của phim cũng củng cố quan niệm rằng các sản phẩm “made-in” Hàn Quốc có chất lượng tốt. Ý tưởng này bắt đầu hình thành trong ý thức của đại chúng xứ sở kim chi.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “Shiri”

“Thắng” Titanic ở thị trường nội địa

Shiri đã thu hút được 6,5 triệu lượt khán giả tới rạp, đánh bại thành tích từng thuộc về quả bom tấn Hollywood Titanic (đón 4,3 triệu lượt người). Đó là quả bom tấn Hàn Quốc đầu tiên, phá vỡ mọi kỷ lục ở quê nhà và khơi gợi sự quan tâm tới tiềm năng của phim thương mại Hàn Quốc ở châu Á và Mỹ. Mặc dù Shiri không mở đầu cho Làn sóng Hàn Quốc (hallyu) song đã góp phần lớn để tạo nên thành công của hallyu.

Thành công của Shiri đã khiến các nhà làm phim Hàn Quốc tự tin vào công việc, từ đó giúp họ tự tin để chạy đua với sự thống trị của Hollywood ở xứ kim chi thời điểm đó. Chưa kể, thành công này còn khiến các nhà đầu tư chi “mạnh tay” cho nền điện ảnh và khuyến khích các công ty sản xuất, với sự hỗ trợ của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, tiếp thị các bộ phim của mình tới các nhà phát hành hải ngoại.

Quan trọng hơn, Shiri khiến công chúng Hàn Quốc phấn khích tới rạp để xem phim nội địa và mở đường cho các quả bom tấn khác sau này như Joint Security Area (Khu vực an ninh chung), Friend, The Host (Quái vật sông Hàn) và sự nổi lên ngoạn mục của điện ảnh Hàn Quốc ở quê nhà và nước ngoài.

Chú thích ảnh

Đạo diễn của các quả bom tấn

Shiri gắn với cái tên đạo diễn Kang Je Gyu. Vài năm trước đó, ông từng dàn dựng bộ phim lãng mạn siêu nhiên The Gingko Bed. Tác phẩm điện ảnh này cũng gặt hái thành công lớn ở Hàn Quốc hồi năm 1996. Trong năm đó đạo diễn Kang đã tới Hong Kong để quảng bá cho Gingko Bed, và kết quả là phim đã được chiếu tại 20 rạp ở Hong Kong.

Từ bộ phim lãng mạn này, Kang Je Gyu đã nảy ra ý tưởng dàn dựng Shiri, một bộ phim kết hợp giữa hành động và lãng mạn.“Tôi muốn sử dụng trí tưởng tượng để tạo ra cái gì đó mới” – ông nói – “ Tôi thấy rằng điều mình muốn nhất là để khán giả thưởng thức bộ phim, bởi vậy tôi đã cố gắng nhiều để đạt được điều đó. Tôi muốn mọi người thấy phim dễ xem”.

5 năm sau, đạo diễn Kang Je Gyu lại một lần nữa tạo nên các kỷ lục doanh thu với phim Taegukgi (Cờ thái cực giương cao). Bộ phim này đón được hơn 10 triệu lượt người xem chỉ riêng ở Hàn Quốc. Tiếp đó, năm 2011, Kang tung ra bộ phim chiến tranh My Way (Chặng đường tôi đi). Phim có bối cảnh trong Thế chiến II với dàn diễn viên là các ngôi sao châu Á như Jang Dong Gun và Phạm Băng Băng. Đây vẫn là phim có kinh phí cao nhất đối với một dự án điện ảnh Hàn Quốc cho tới nay: 28 triệu USD.

Trong một cuộc phỏng vấn của BBC, Kang tiết lộ rằng ông muốn dự án kế tiếp của mình là một bộ phim khoa học viễn tưởng: “Tôi đã làm 2 phim về Hàn Quốc. Giờ tôi đang chuẩn bị làm một bộ phim mang tính toàn cầu hơn, hướng về một vấn đề mà cả thế giới đang phải đối mặt” – ông nói.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm