Nhìn lại hiện tượng Người vợ ma

30/06/2008 17:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Với hơn 300 suất diễn, trên 10 ngàn lượt khách, nhưng nay vẫn còn sáng đèn cả đêm và ngày ở Kịch Phú Nhuận, TP.HCM, vở kịch Người vợ ma được xem là hiện tượng khá đặc biệt trong làng sân khấu Việt Nam mấy năm qua.

Vượt qua tính thời sự
Một cảnh rùng rợn trong vở kịch Người vợ ma 
(Ảnh: SGTT)
 
Bắt đầu từ câu chuyện về một người vợ bệnh hoạn, tự đóng giả ma quái để hù doạ con riêng của chồng, được in trên báo, tác giả Xuyên Lâm đã dựng nên một kịch bản sân khấu với ý tưởng “lộng giả thành chân” - giả điên riết thành điên thật. Mới nhìn, tưởng đây cũng giống chuyện nương theo thời sự như phim Đẻ mướn, Khi đàn ông có bầu… hay ăn theo thời cuộc, như bắt chước kịch Hạnh phúc trên đồi hoa máu (sân khấu IDECAF) trước đó. Nhưng khi công diễn, thì câu trả lời không phải là như vậy.

Khi bắt tay vào tập và chạy đường dây, giữa tác giả và đạo diễn Thái Hòa đã có những tranh luận gắt gao, tưởng chừng mọi việc đã không thành, đến mức bà bầu Hồng Vân phải nhảy vào cuộc để thu xếp, tìm cách thức thể hiện sao cho hợp lý.
 
Tôi muốn một câu chuyện lôi cuốn, nhưng phải nhẹ nhàng một chút, còn tác giả thì muốn phải sâu sắc, khó hiểu. Giữa một bên là khán giả, giữa một bên là nghệ thuật của sân khấu, tôi phải chọn lối đi chính giữa cho trọn vẹn” - Thái Hòa cho biết.
 
“Tôi nghĩ tác phẩm dù nhỏ hay lớn thì điều quan trọng là anh muốn đối thoại với người xem một vấn đề gì, và bằng cách nào anh chuyển thể thông điệp tác phẩm đó đến khán giả một cách trọn vẹn nhất” - Xuyên Lâm bày tỏ quan điểm của mình.

Khi xem xong vở kịch Người vợ ma, chúng ta dễ dàng nhận thấy cả ba điều mà đạo diễn và người viết kịch đã trình bày ở trên. Nó không phải là câu chuyện nóng kiểu bản tin thời sự được tái diễn, mà là một ấn tượng về tâm lý con người, về sự gãy đổ cấu trúc gia đình trong một vài hoàn cảnh thời nay. Một câu chuyện nhiều chất suy tư và nhân văn - đây là điều người xem có thể nhận ra được từ nội dung vở kịch.

Vượt qua chuyện “lời nói”

Còn về hình thức thể hiện, có thể nói đây là lý do chính để người xem mua vé vào cửa. Rùng rợn, lôi cuốn và đầy cảm giác, thêm vào đó là một kịch bản hoàn chỉnh về âm thanh (Kiến Quốc) và ánh sáng. “Gia đình tôi xem vở này đến 7 lần rồi, nhưng lần nào cũng bị thót tim một hai ba lần vì âm thanh rất bất ngờ” - cô Tư Lụa (nhà ở Bảy Hiền) là khách ruột của sân khấu này, đại diện gia đình cho biết.
 
Cảnh trong vở kịch Người vợ ma (Ảnh: Eva)

Phải thẳng thắn mà nói rằng, có rất ít vở kịch vượt qua được công thức: kịch = nói. Sân khấu bài trí đơn giản, ánh sáng đúng hiệu ứng, và âm thanh tạo được cảm giác đã làm cho diễn viên thêm hưng phấn. Chính diễn viên Kim Huyền cũng công nhận: “Mấy tuần đầu tập xong, bị cúp điện, ngồi một chỗ mà run phát khiếp, có bữa do bất ngờ, bị ngất xỉu luôn. Mấy người làm âm thanh ác quá, cứ làm cho diễn viên hết hồn hoài”.

Sân khấu kịch tại TP.HCM trong gần chục năm qua vẫn được xem là làm ăn được, tuần nào cũng sáng đèn, nhưng để tìm được một vở, không phải có giá trị nghệ thuật nhất, mà hài hòa được giữa kịch bản - đạo điễn - diễn viên - hiệu ứng sân khấu và cả người xem như Người vợ ma thì quả thật cũng khó. Với hơn 10 ngàn lượt người xem, vở diễn này đang là “bài học khó học” đối với mấy ông bà bầu, và cả với những người làm chuyên môn.
 
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm