Đạo làm thầy

12/08/2014 15:17 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cho dù là thầy bóng đá thì cũng cần phải là tấm gương sáng. Nếu không sáng trong quá khứ (thời còn là cầu thủ), thì cũng phải cho thấy nỗ lực hoàn thiện từ khi bước vào nghiệp cầm quân, từ tuyến trẻ. Tiếc rằng, khái niệm thầy bóng đá ở ta vẫn còn chưa mang đến định kiến tốt cho mọi người. Mà đạo làm trò thường gắn với đạo làm thầy.

Bóng đá bây giờ cùng những điều kiện có được, đã giúp những HLV có bằng A,B,C này nọ, có khi cao hơn. Rồi những lớp tu nghiệp cả trong và ngoài nước để họ có được những am hiểu, tiếp cận với những kiến thức tiên tiến hơn hẳn thế hệ trước. Đó là những hành trang quý giá để  giúp cho nghề HLV chuyên nghiệp.

Nhưng chỉ thế chưa đủ, làm nghề HLV bóng đá cần có những quy tắc, những ứng xử thuộc về tư cách, đạo đức. Nôm na gọi đấy nhân cách người thầy. Chính nhân cách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến học trò, đến cầu thủ trẻ mình đang dạy dỗ, chăm bẵm.

Nhiều năm rồi, sân cỏ nước nhà quá ít niềm vui đích thực, chỉ để lại những than thở trong lòng người hâm mộ. Chúng ta đã phải trả cái giá quá đắt cho việc bao thế hệ cầu thủ tài năng đang lên, nhưng đi chệch hướng, thui chột hay vướng vào vòng lao lý.

Thử hỏi có bao nhiêu ông thầy bóng đá trực tiếp, và gián tiếp, từng suy nghĩ về vai trò của mình trước thực trạng đàn em, lớp con cháu đang hư hỏng trông thấy so với các thế hệ trước?

Hình ảnh một số HLV, đặc biệt ở các giải đấu trẻ (U11, U15, U19 toàn quốc), gần đây đáng báo động. Không chỉ cầu thủ trẻ mà phụ huynh, rồi xã hội sẽ nhìn nhận xấu thêm về bức tranh bóng đá chung, về những người thầy bóng đá nói riêng. Thượng bất chính hạ tắc loạn, điều đó là tất yếu!

Mới đây, khi HLV Phạm Huỳnh Tam Lang mất, mọi người càng thấy trống vắng, như đánh mất một thứ gì đó quý giá cái gọi là đạo của người thầy. Những đôi bàn tay còn thơ bé (lác đác ở giải U) dù thắng hay thua cũng chạy sang khu vực đối thủ cúi chào, rồi chào khán giả luôn làm vui lòng người xem bóng đá nội. Tất nhiên, các em được dạy dỗ tử tế, nghiêm khắc, cộng với hình mẫu lý tưởng của những người thầy, sẽ tác động sâu sắc đến quá trình thành người của cầu thủ, trước khi họ thành nghiệp.

Vậy nên, khi đã bước vào nghề bóng đá, dạy dỗ các em không đơn giản chỉ việc cầm sa bàn chỉ đạo chiến thuật, bước ra sân thị phạm kỹ thuật, mà hơn thế nữa: những bài học làm người, làm công dân tốt.

Thầy nào, trò nấy, dứt khoát là thế, và không chỉ lĩnh vực bóng đá.

Trần Tuấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm