Những “con sâu” đầu độc người nông dân

19/04/2012 10:13 GMT+7


(TT&VH) - 1. Chuyện đồ ăn thức uống sạch hay bẩn vốn là đề tài muôn thủa ở nước ta, nhưng có lẽ chưa bao giờ sự an toàn vệ sinh của những thứ bỏ vào mồm hàng ngày lại được dân tình bàn tán xôn xao như dịp này. Đâu đâu cũng thấy người ta kêu “ăn gì cũng sợ”, hoa quả dùng hóa chất, rau kích thích, rồi hết thịt lợn lại đến lượt cá phát hiện có chất độc.

Người dân “ăn chi toàn là đồ bẩn” (như cách dùng từ của Bộ trưởng Bộ Y tế) tất nhiên là khổ, nhưng những người khốn khổ nhất là người bị cướp mất miếng cơm bởi chính thứ đồ bẩn ấy: hơn 50 triệu nông dân trong cả nước.  

Cuộc cách mạng “khoán 10” đưa nông nghiệp Việt Nam thoát ra khỏi thời kinh tế tự cung tự cấp chuyển sản xuất theo từng hộ cá thể, tạo dựng vị trí cường quốc nông nghiệp đứng thứ hai về xuất khẩu gạo. Nhưng sản xuất nông nghiệp ở nước ta chưa bao giờ là dễ dàng cả.

Ngoài thiên tai bão lũ liên miên, người nông dân nước ta còn phải lo thích ứng với nền nông nghiệp “láng giềng”, nơi nổi tiếng toàn cầu với cung cách sản xuất “nhanh, rẻ” không chỉ trong nông nghiệp. Có thời điểm hàng nghìn tấn rau củ, thịt cá, nội tạng nhập về... từ nước láng giềng mà người nông dân chỉ còn biết sửng sốt đứng nhìn mà không hiểu vì sao, nông sản của nước láng giềng ấy sao “rẻ thế”. Giữa lúc giá hàng hóa trong nước leo cao thế này, nông sản nước ta khó cạnh tranh với mức giá ấy. Rồi còn trò “ú tim” của thương lái nước ngoài khi họ “ồ ạt nhập” rồi “đột ngột dừng” mua một mặt hàng nông sản nào đó.

2. Thiên tai, bão lũ, và việc cạnh tranh với rau quả nhập lậu đã khiến người nông dân nhiều phen “trầy vi, tróc vẩy” nhưng nông dân Việt Nam vẫn đứng vững, nhất là khi Nhà nước đang có chính sách đầu tư phát triển tam nông, xây dựng nông thôn mới, lập mô hình sản xuất lớn dồn điền đổi thửa…

Tuy nhiên, trước những “con sâu” tham lam đầu độc nền nông nghiệp bằng chất độc, chất cấm thì người nông dân chỉ còn biết “kêu trời”. Họ còn biết làm gì khi những thứ mình một nắng hai sương làm ra bị chính người dân tẩy chay.

Đã qua rồi thời bao cấp, khi nông thôn và nông dân sống cuộc sống tự cung tự cấp, kinh tế thị trường chưa bùng nổ. Thời người nông dân phiên chợ quê mang dăm quả trứng, quả mít ra bán, rồi mua đồng muối đồng mắm hay chai dầu về nhà. Làm ăn lớn, chỉ một mùa dịch bệnh coi như “canh bạc trắng tay”, không phá sản thì cũng nợ nần chồng chất.

Như vụ thịt siêu nạc vừa rồi, theo tính toán của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), do ảnh hưởng của chất tạo nạc, giá thịt lợn hơn 1 tháng qua đã giảm trung bình 8.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó. Trung bình mỗi tháng, nước ta tiêu thụ khoảng 250.000 tấn thịt lợn hơi, thiệt hại của người chăn nuôi vào khoảng 2.000 tỷ đồng do mất giá. Vâng, 2.000 tỷ đồng một tháng.

Trong kinh tế thị trường, người nông dân chính là những người nhạy cảm với thị trường nhất, rau bán muộn vài ngày đã già cỗi, gia súc gia cầm không bán kịp sẽ quá lứa. Vì thế, rẻ cũng phải bán, khi “minh oan” thì lỗ đã cầm chắc.

Thiệt hại này không phải lỗi người nông dân, không phải lỗi của người tiêu dùng, vậy cơ quan quản lý cho biết lỗi ở đâu?

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm